Nhiều lối đi tự mở được đóng kín
Trước phức tạp về lối đi tự mở qua đường sắt và nguy cơ tai nạn chực chờ, ngành chức năng Quảng Ngãi, Cục Cảnh sát giao thông và ngành Đường sắt đã vào cuộc, xử lý. Qua đó, nhiều lối đi tự mở, lối mòn đã được rào chắn, bịt kín không để người và phương tiện qua lại.
Thị xã Đức Phổ là địa phương có tuyến đường sắt đi qua với chiều dài 49km, dài nhất trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Qua khảo sát, ghi nhận ngành chức năng thống kê có 24 lối đi tự mở. Cụ thể, các xã, phường gồm: Phổ Phong, Phổ Thuận, Phổ Ninh mỗi xã có 1 lối đi tự mở; các xã Phổ Cường, Phổ Châu và phường Phổ Khánh từ 2-5 lối đi. Riêng xã Phổ Khánh nhiều nhất với 11 lối đi tự mở.
Phần lớn các lối đi tự mở này là bất hợp pháp, người dân di chuyển qua lại mất an toàn, tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra các vụ tai nạn giao thông liên quan đến đường sắt.
Ngay đầu năm 2025, chính quyền thị xã Đức Phổ và Cục Cảnh sát giao thông - Bộ Công an, ngành đường sắt cùng các xã, phường có đường sắt đã đi khảo sát, đánh giá và tiến hành đóng các lối đi tự mở này.
Theo đó, các vị trí mất an toàn đã được lực lượng chức năng tổ chức đóng kín, ngăn chặn người và phương tiện lưu thông qua lại. Đóng kín 7 lối đi tự mở qua Km 958+102 (Phổ Phong), Km 959+450 (Phổ Thuận), Km 976+700 (Phổ Cường), Km 979+015, Km 979+140, Km 983+490 (Phổ Khánh), Km 989+460 (Phổ Thạnh).
Trước đó, vào cuối năm 2024, dọc theo tuyến đường sắt qua địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, ngành chức năng cũng tổ chức đóng, bịt kín nhiều lối đi tự mở khác qua địa bàn tỉnh này.
Đơn cử như đoạn qua địa phận huyện Nghĩa Hành, cơ quan chức năng đã chôn cọc bê tông, hàn sắt ngang qua lối đi tự mở tại Km 937+600 thuộc địa phận thôn Hiệp Phổ Trung và Km 937+810 qua địa phận thôn Hiệp Phổ Nam (xã Hành Trung, huyện Nghĩa Hành)
Đối với đoạn qua huyện Mộ Đức, ghi nhận cho thấy, ngay sau chỉ đạo, tại lối đi tự mở qua Km 944+615, công nhân mang hai trụ bê tông đến đào đất chôn sâu, đồng thời dùng thanh sắt được sơn cảnh báo màu sáng hàn gia cố giữa các thanh sắt lại tạo thành "tường rào" để ngăn không cho người dân điều khiển xe máy lưu thông qua lại.
Tương tự, tại Km 944+860 (thôn Chú Tượng, xã Đức Hiệp), Km 947+910 (thôn Phước Luông, xã Đức Hòa), Km 953+550 (thôn Châu Me, xã Đức Phong)… cũng có giải pháp như trên, lối đi tự mở đã được bịt kín.
Góp phần kéo giảm tai nạn giao thông
Theo thống kê của ngành đường sắt, vào đầu năm 2024, đoạn tuyến đường sắt Bắc - Nam qua địa phận tỉnh Quảng Ngãi dài khoảng 100km có hơn 80 lối đi tự mở, đường ngang không đảm bảo an toàn. Đặc biệt, hệ thống lối đi tự mở tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ tai nạn đường sắt rất lớn.
Ngay sau cảnh báo của ngành chức năng, tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo các địa phương vào cuộc, rà soát, đánh giá và phối hợp cùng các đơn vị liên quan, nhất là Ban ATGT các địa phương có tuyến đường sắt đi qua để lên kế hoạch xóa bỏ, đóng, nghiêm cấm người dân lưu thông qua lại.
Phó chủ tịch UBND thị xã Đức Phổ Võ Thanh Hùng cho biết, việc xóa lối đi tự mở qua đường sắt là việc làm cần thiết nhằm đảm bảo an toàn về tài sản, tính mạng cho nhân dân. Đồng thời, ngăn ngừa tai nạn xảy ra, qua đó góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn.
Ngoài nhóm lối đi đã được đóng, trong quý II tới địa phương sẽ tiếp tục đóng 6 lối đi tự mở còn lại đoạn qua Km 965+300 (Phố Ninh), Km 978+645, Km 979+780 (Phổ Khánh), Km 986+030 (Phổ Thạnh), Km 991+500, Km 993+380 (Phổ Châu).
Riêng 11 lối đi tự mở còn lại trong năm 2025 địa phương sẽ giải quyết dứt điểm, đóng kín và thường xuyên kiểm tra trên tuyên, ngăn chặn người dân mở lối đi mới.
Lối đi tự mở qua đường sắt hình thành tự phát trái pháp luật, không có người trông coi và đèn cảnh báo giao thông, không có barie rào chắn... người dân tham gia giao thông qua các lối đi này khi có tàu hỏa đi qua rất dễ xảy ra tai nạn giao thông. Thế nên, việc chính quyền Quảng Ngãi cùng các đơn vị liên quan quyết tâm xóa bỏ để ngăn ngừa tai nạn là yêu cầu cần thực hiện sớm.
Đại diện Ban ATGT Quảng Ngãi cho biết, để đảm bảo an toàn giao thông đường sắt, xóa bỏ lối đi tự mở, các địa phương cần vào cuộc quyết liệt. Tuy vậy, ngoài đóng lối đi, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự ATGT đến người dân cũng được chú trọng.
Đồng thời, cần đề xuất phương án làm các tuyến đường gom để đảm bảo việc đi lại của nhân dân. Đối với các lối đi hợp pháp cần lắp đặt biển báo, gác chắn, đèn tín hiệu… Khi các đầu việc cùng triển khai, việc đóng lối đi tự mở sẽ có hiệu quả. Từ đó, góp phần đảm bảo trật tự ATGT đường sắt tốt hơn.
Phó trưởng Ban thường trực Ban ATGT Quảng Ngãi Nguyễn Phong cho hay, phần lớn các lối đi này đều nhỏ, hẹp và độ dốc lớn, tầm nhìn hạn chế nên nguy cơ tai nạn lớn. Để tăng cường đảm bảo trật tự ATGT đường sắt qua địa bàn, đề nghị chính quyền các địa phương tiếp tục rà soát, kiên quyết xóa bỏ.
Đối với các điểm giao cắt giữa đường bộ với đường sắt thuộc trách nhiệm địa phương quản lý để bổ sung vạch sơn, biển báo, gờ giảm tốc nhằm nâng cao tác dụng chỉ dẫn và hiệu lực cảnh báo trong khu vực.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận