Chuyện dọc đường

Xóa nợ cho người nghèo, nên không?

UBND TP.HCM vừa có báo cáo gửi Thủ tướng về vướng mắc trong xử lý các khoản vay tín dụng ưu đãi thuộc chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững.

Trong văn bản này, thành phố nêu ý kiến muốn dùng ngân sách để xử lý các khoản vay hỗ trợ tạo việc làm cho người nghèo hoặc bị thu hồi đất nhưng quá hạn, khó thu hồi.

Xóa nợ cho người nghèo, nên không?- Ảnh 1.

Giao dịch viên Ngân hàng Chính sách TP.HCM làm thủ tục cho người nghèo vay vốn.

Theo thống kê có gần 4.000 hồ sơ vay 82 tỷ đồng qua nhiều năm xử lý nhưng không thể thu hồi, cũng không đáp ứng tiêu chí xóa nợ theo quy định hiện nay.

Trước đó, những trường hợp trên được vay vốn tạo việc làm từ ngân sách địa phương và Quỹ quốc gia về tạo việc làm. Nguồn vốn được ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội.

Theo quy định, các trường hợp vay vốn được xóa nợ khi mất khả năng lao động vĩnh viễn; thiệt hại tài sản vì thiên tai, dịch bệnh.

Còn theo báo cáo của TP.HCM, các trường hợp mà thành phố muốn xóa nợ rơi vào người vay hoặc có thành viên trong hộ gia đình đã chết, mắc bệnh tâm thần và hiểm nghèo, mất năng lực hành vi dân sự. Các hộ vay vốn để sản xuất kinh doanh nhưng do trình độ, nhận thức hạn chế dẫn đến thua lỗ nhiều năm, vốn vay hao hụt thậm chí mất 100%, không có khả năng trả nợ. Người vay rời khỏi địa phương, vắng mặt lâu năm, đi tù…

Có thể thấy, những khoản vay khó thu hồi nhưng không đáp ứng được tiêu chí nên TP.HCM mới xin cơ chế để xử lý.

Xóa nợ cho người nghèo, nên không?- Ảnh 2.

Tiêu chí để xóa nợ cho người nghèo phải rất cụ thể, rõ ràng, đảm bảo đúng đối tượng (ảnh minh họa).

Đây là chủ trương rất nhân văn. Rõ ràng, cuộc sống của người nghèo có nhiều khó khăn. Khoản tiền vài triệu đồng với nhiều người có thể chẳng đáng gì, nhưng với người nghèo thì đó thực sự là gánh nặng.

Tuy nhiên, dù nhân văn nhưng các tiêu chí để xóa nợ cũng phải rất cụ thể, rõ ràng, đảm bảo đúng đối tượng. Bởi nếu không kiểm soát chặt, rất có thể chính sách nhân văn này sẽ bị lợi dụng, xảy ra tiêu cực.

Theo lẽ thường, có vay phải có trả. Nhưng với những trường hợp bất khả kháng thì việc xóa nợ cũng nên được xem xét.

Có một điều đáng lưu tâm là khi xóa nợ nhưng sau đó liệu họ có thoát nghèo không? Hay khi xóa nợ rồi lại tiếp tục cho vay, rồi lại xóa nợ? Như vậy thì không ngân sách nào có thể gánh nổi.

Nói cách khác, để giúp người nghèo thì cần có biện pháp căn cơ, không tạo ra tâm lý ỷ lại. Nếu họ khó khăn do không có việc làm, hãy tạo việc làm để họ được lao động và có nguồn thu nhập đủ sống. Còn với những người đã nghèo nhưng không chịu lao động thì rất khó.

Thay vì xóa nợ, liệu có cách nào giúp họ tốt hơn không? Chẳng hạn tìm cách giúp họ vươn lên, từ việc học nghề hoặc cho vay thêm khi có định hướng rõ ràng, có triển vọng để họ thoát nghèo, có tiền trả nợ.

Bởi như báo cáo, có những người không thể trả được là do trình độ, nhận thức hạn chế dẫn đến thua lỗ nhiều năm, vốn vay hao hụt. Thậm chí, có cả những người vay rời khỏi địa phương, vắng mặt lâu năm, đi tù… Vậy với những trường hợp này, việc xóa nợ có thỏa đáng hay không?

Đứng trước mỗi vấn đề thực tiễn của cuộc sống, việc đưa ra chính sách giải quyết kịp thời là cần thiết. Tuy nhiên, chính sách dù nhân văn nhưng cũng phải đảm bảo chặt chẽ, đúng đối tượng, phù hợp với các quy định của pháp luật. Bởi nếu không, chính sách ấy sẽ tạo ra tiền lệ không tốt.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.