Nếu cột mốc cho một đời người là 60 năm, thì bà Nguyễn Thị Lũy (69 tuổi) đã có trọn chừng đó thời gian gắn bó với căn nhà bên bờ Bắc kênh Đôi (quận 8).
Sống ở nơi này từ khi dòng nước còn trong vắt, có thể tắm lặn, giao thông thủy tấp nập… bây giờ điều này với bà chỉ còn là ký ức.
Dọc bờ kênh Đôi, nhiều căn nhà tạm bợ mọc lên chen chúc. Rác sinh hoạt, chất thải xả thẳng xuống kênh khiến dòng nước ngày càng ô nhiễm.
Đó cũng là tình trạng chung của hơn 20.000 hộ dân thành phố đang sống "treo" trên các con rạch được quy hoạch suốt hai thập kỷ.
30 năm từ khi kế hoạch giải tỏa và tái định cư các hộ trên và ven kênh rạch ra đời (năm 1993), nhìn chung, các giai đoạn thực hiện đều đạt chỉ tiêu thấp (dưới 50%), trừ hai giai đoạn đầu là 1993-2000 và 2001-2005, đạt 100%.
Giai đoạn 2016-2020, cuộc đại di dời hơn 20.000 căn nhà ven kênh rạch của thành phố chỉ đạt 12,4%, tương đương 2.479 căn.
Năm 2021, UBND TP.HCM đặt chỉ tiêu đến năm 2025 hoàn thành bồi thường, di dời hơn 6.500 căn, nhưng đến giữa năm 2023 mới dời được 557 căn.
Chính quyến chủ yếu tập trung vào 4 tuyến kênh, rạch chính là: Tàu Hủ - Bến Nghé, Tân Hóa - Lò Gốm, Nhiêu Lộc - Thị Nghè và Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên.
Song, đa số chỉ dừng lại ở công tác chuẩn bị đầu tư, chưa kêu gọi được nhà đầu tư hoặc vướng về thủ tục.
Và để rồi, có những dự án im lìm hơn 20 năm, người dân buộc phải chấp nhận thích nghi với cuộc sống ô nhiễm bằng những giải pháp tạm bợ.
60 năm ở con hẻm trên đường Điện Biên Phủ, lần gần nhất bà Châu Thị Đẩu (84 tuổi) nghe về bản quy hoạch dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm đã là 13 năm trước.
Cách đây chưa lâu, bà Đẩu thấy đoàn cán bộ đến đo đạc từng nhà, cả khu xóm nằm trong ranh quy hoạch bàn tán huyên náo.
Gần cuối tháng 10, con rạch ô nhiễm bậc nhất thành phố mới được ấn định ngày xây dựng phía quận Gò Vấp. Bà Đẩu càng thêm sốt ruột.
Rạch Xuyên Tâm (bắt đầu từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè) dài 8,2km là hệ thống gồm rạch Cầu Bông, Cầu Sơn, Long Vân Tự, rạch Lăng đi qua hai quận Bình Thạnh và Gò Vấp và điểm cuối là sông Vàm Thuật.
Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 9.600 tỷ đồng từ ngân sách. Trong đó, chi phí xây dựng khoảng 2.700 tỷ đồng, chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng hơn 6.300 tỷ đồng.
Dự kiến quận Gò Vấp bàn giao mặt bằng để khởi công dự án vào tháng 8/2024, hoàn thành vào tháng 4/2025. Riêng quận Bình Thạnh sẽ bàn giao mặt bằng và khởi công vào tháng 4/2025 và hoàn thành vào tháng 4/2028.
Theo kế hoạch, tiến độ khởi công phía quận Bình Thạnh sẽ chậm hơn so với quận Gò Vấp. Theo chủ đầu tư, lý do vì quỹ nhà, đất nền tái định cư trên địa bàn còn thiếu để bố trí đến 807 căn.
Về vấn đề này, hiện nay hướng giải quyết của thành phố là hỗ trợ kinh phí để người dân thuê chỗ tạm cư trong khi chờ.
Rạch Xuyên Tâm đi qua hai địa bàn, trong đó quận Bình Thạnh có gần 1.800 trường hợp bị ảnh hưởng, diện tích cần thu hồi khoảng 139.000m2. Quận được phân bổ 42 nền tái định cư, còn lại là chung cư, tổng cộng 300 nền nhà và căn hộ.
Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM cho biết, tuyến rạch Xuyên Tâm là một trong những tuyến rạch bị ô nhiễm nặng nề nhất của thành phố trong hơn hai thập kỷ qua.
"Để bảo đảm tiến độ dự án, chủ đầu tư cùng hai quận Bình Thạnh, Gò Vấp đang tích cực phối hợp. Muốn vậy, công tác giải phóng mặt bằng cần được địa phương, nhất là người dân đồng thuận về chủ trương", ông Dũng cho hay.
Hơn 3 thập kỷ, nguồn vốn để di dời 20.000 nhà ven kênh vẫn là vấn đề lớn nhất khiến kế hoạch này chưa thành hiện thực. Việc xác định quỹ đất tái định cư cho người dân cũng là bài toán lớn của thành phố.
Chẳng hạn, để giải tỏa 2.600 căn nhà tạm ven bờ Nam Kênh Đôi và xây kè thì phải có khoảng 9.000 tỷ đồng. Để di dời 1.017 nhà lụp xụp phía bờ Bắc Kênh Đôi thì tổng ngân sách thực hiện là hơn 2.575 tỷ đồng.
Do hạn chế từ nguồn ngân sách nên việc triển khai bồi thường, giải phóng mặt bằng chỉ tập trung vào một số dự án trọng điểm như dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm, kênh Hy Vọng... Việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, di dời nhà ven kênh rạch tại các dự án còn lại có thể tiếp tục bị treo.
Để gỡ dần nút thắt này, ông Võ Thanh Dũng, Phó chủ tịch UBND quận 4 cho rằng cần huy động nguồn vốn xã hội hóa tham gia thực hiện dự án.
Bên cạnh đó, thành phố cần các chính sách mở, cơ chế riêng đối với các dự án di dời nhà ven kênh rạch để thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Là một trong những địa phương có kết quả dẫn đầu, ông Lê Văn Thành, Phó chủ tịch UBND quận 7 cho biết địa phương đã đề ra 5 giải pháp khi bắt tay vào công tác di dời nhà ven kênh rạch.
Ngay từ đầu, quận xác định trong quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch đô thị luôn dành ra quỹ đất xây dựng tái định cư nhà ở xã hội.
"Quan điểm quận là ưu tiên dành chỗ đẹp nhất để làm khu tái định cư, công khai cho người dân giám sát.
Chính sách bồi thường tái định cư, vị trí giải tỏa, chuyển tái định cư đều có giá cụ thể để người dân so sánh.
Quan trọng, địa phương luôn làm nền tái định cư và chung cư trước khi giải tỏa, người dân có thể đến mục sở thị trước khi giao đất", ông Thành nói thêm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận