Thị trường

Xoài, nhãn, mít chỉ vài nghìn/kg không ai mua, nông dân miền Tây lo mất Tết

28/12/2021, 12:54

Ùn ứ nông sản, khiến giá bán giảm sâu ngay mùa vụ cuối năm, nhiều nông dân miền Tây rối bời nỗi lo mất Tết…

Giá giảm kịch sàn

Ngày 28/12, trao đổi với PV Giao Thông, ông Đỗ Văn Lô, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, cho biết: "Thời điểm này, nông dân trên địa bàn huyện đang thu hoạch rộ các loại mít, nhưng giá bán sụt thê thảm, chỉ còn 3.000 đồng/kg".

img

Giá mít giảm thê thảm, khiến nông dân vô cùng lo lắng.

Theo ông Lô, toàn huyện có 5.500 ha trồng mít, và đây là thời điểm thu hoạch chính. Mía chủ yếu được thương lái thu mua rồi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, những ngày qua, tình trạng ùn ứ nông sản tại các cửa khẩu phía Bắc đã khiến giá mít giảm sâu, đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn.

Không riêng gì mít, theo ghi nhận của PV, đến nay, các cửa khẩu tại Lạng Sơn đang ùn ứ xe container do các biện pháp kiểm soát dịch nghiêm ngặt của phía Trung Quốc, khiến hàng loạt nông sản ở ĐBSCL giảm giá mạnh.

Ông Lê Văn Suốt (huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ), cho biết, gia đình ông trồng 13 ha nhãn Ido, trong đó có 7 ha đang tới lúc thu hoạch, sản lượng hơn 100 tấn. Những vụ trước, giá nhãn bán tại vườn từ 30.000- 40.000 đồng/kg, nay giảm chỉ còn 7.000-9.000 đồng/kg, nhưng vẫn không có ai mua.

“Mấy ngày qua, tui chỉ biết lấy nhãn đi bán nhỏ lẻ cho các chợ địa phương, mỗi nơi được vài trăm kg. Với mức giá này, mỗi kg nhãn, nông dân ở đây lỗ 3.000-5.000 đồng", ông Suốt nói.

Tại Nông trường Sông Hậu (huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) có khoảng 1.500 ha xoài cát Hòa Lộc và xoài Đài Loan cùng 400 ha nhãn Ido, nhãn tím. Ông Ngô Sĩ Tiến, Trưởng Phòng Kinh doanh, Nông trường Sông Hậu cho biết, bình thường mỗi ngày có 30-40 chuyến xe tải (6,5-8 tấn) vào lấy hàng; nhưng từ khi ùn ứ cửa khẩu, đã không còn xe nào vào nhận hàng nữa, thương lái cũng không đến.

img

Nông dân miền Tây rối bời nỗi lo mất Tết trong mùa vụ cuối năm.

Từ cuối tháng 4 đến nay, Covid-19 diễn biến phức tạp, lượng tiêu thụ giảm mạnh, giá đã rớt nhiều lần. Xoài cát Hoà Lộc giá tại vườn ở 25.00-30.000 đồng/kg nay còn chưa tới 10.000 đồng/kg nhưng thương lái cũng không mua. Tương tự, xoài Đài Loan giá từ 8.000-10.000 đồng/kg giảm còn 500-1.000 đồng/kg, giờ cũng không bán được.

Theo thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), dự kiến, trong quý I/2022, sản lượng 15 loại trái cây chính ở các tỉnh thành phía nam đạt 1,606 triệu tấn. Trong đó, thanh long khoảng 297.000 tấn, chuối 250.000 tấn, xoài 244.000 tấn, mít 159.000 tấn, bưởi 144.000 tấn và cam 132.000 tấn…

Lại chờ thông quan và giải cứu!

Ông Đỗ Văn Lô, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang cho biết thêm: “Vụ thu hoạch nay rơi vào dịp Tết Nguyên đán, chính vì vậy, bà con nông dân gặp rất nhiều khó khăn, và đối mặt với nguy cơ đón Tết trong nỗi buồn ảm đạm.

Trước giờ, mít tiêu thụ nội địa rất thấp, chủ yếu là xuất khẩu. Với tình hình này, huyện chỉ biết trông chờ vào việc các cửa khẩu được thông quan. Khi đó, mới hy vọng giá mít sẽ tăng lên, người nông dân bớt khổ”.

img

Không chỉ mít, giá nhiều loại rau màu nông sản ở miền Tây cũng giảm mạnh do ùn ứ hàng hóa ở cửa khẩu.

Còn ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ cho hay, qua rà soát, trên địa bàn Cần Thơ chưa có doanh nghiệp nào có hàng hóa bị ùn ứ tại cửa khẩu Lạng Sơn. Dù vậy, sở vẫn liên tục gửi khuyến cáo của Bộ Công Thương cho các doanh nghiệp, đồng thời nhắc nhở các doanh nghiệp có làm ăn với phía Trung Quốc thì chuyển hướng sang cửa khẩu khác để tránh thiệt hại.

img

Trái cây, nông sản ở miền Tây đang phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc.

Tuy nhiên, trên địa bàn Cần Thơ vẫn có một lượng lớn diện tích trồng trái cây nông sản, nên thành phố đang tìm phương án an toàn để nối lại việc cung ứng các mặt hàng nông sản cho thị trường TP.HCM.

Ngoài ra, Sở cũng đang kết nối với các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại tại địa phương đẩy mạnh tiêu thụ nông sản cho nông dân, trước mắt là trái nhãn. Đồng thời, ông Sơn cũng kêu gọi cộng đồng, hệ thống chính trị chung tay tiêu thụ giúp bà con nông dân.

Lãnh đạo một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu trái cây ở miền Tây nhận định, hiện nay nhiều loại trái cây của miền Tây đang bắt đầu vào vụ thu hoạch để phục vụ thị trường Tết cổ truyền ở Trung Quốc như thường lệ. Với việc Trung Quốc hạn chế thông quan như hiện nay, từ đây đến Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp và nhà vườn dự kiến tiếp tục đối diện nhiều khó khăn.

“Một số mặt hàng có sản lượng rất lớn như mít Thái, thanh long không thể tiêu thụ hết trong nước. Thị trường xuất khẩu chính là ở Trung Quốc, các thị trường khó tính khác thì đa phần sản phẩm chúng ta không đủ tiêu chuẩn để xuất sang”, vị lãnh đạo này nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.