Hành trình đám hỏi không trọn vẹn
Chiều 16/7, trao đổi với PV Báo Giao thông, lãnh đạo UBND xã Sinh Long (Na Hang, Tuyên Quang) cho biết, trên địa bàn có 3 thanh niên là nạn nhân vụ sạt lở thương tâm, gồm: Hoàng Văn Lâm (SN 1999, trú tại thôn Lũng Khiêng), Hoàng Văn Khoa (SN 2000, trú tại thôn Phiêng Ngàm) và Nguyễn Đình Thảo (SN 1991, trú tại thôn Phiêng Thốc, xã Sinh Long, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang).
“Chúng tôi theo dõi từng giờ, cập nhật từng phút trên bản tin thời sự, chỉ mong có phép màu xảy ra. Thế nhưng mọi hy vọng đều tan biến, đến 12h trưa ngày xảy ra tai nạn (13/7), chúng tôi nhận được tin báo đã tìm thấy thi thể 3 nạn nhân mất tích trên địa bàn xã, trong đó có 1 thi thể trong tình trạng không còn nguyên vẹn".
Trong đêm mưa tầm tã đó, 3 chàng thanh niên đưa người bạn của mình sang Cao Bằng hỏi vợ. Cả 3 thanh niên đều chưa lập gia đình, đều là con cả và con một, bố mẹ là nông dân.
Ông Hoàng Xuân Khé (SN 1981, trú tại thôn Lũng Khiêng, xã Sinh Long, huyện Na Hang) - bố đẻ nạn nhân Hoàng Văn Lâm kể: “Hôm xảy ra tai nạn, tôi đang ngủ ở nhà.
Gần 1h sáng Lâm đưa bạn đi làm đám hỏi tại Cao Bằng. Đến khoảng 4h tới Km 11 trên QL34 (Hà Giang) thì gặp chiếc xe khách bị đất cuốn trôi tới gần taluy âm".
Trước tình thế nguy cấp cùng những lời cầu cứu thảm thiết của các nạn nhân trên xe khách, những thanh niên này đã quyết định lùi xe con về vị trí an toàn và đẩy chiếc xe khách ra khỏi vị trí sạt lở.
Mặc lời can ngăn và tiếng đất đá ầm ào lăn trên sườn núi, 3 chàng trai vẫn cầm theo điện thoại đã bật chế độ đèn pin, quyết tâm ứng cứu những hành khách trên chuyến xe định mệnh ấy.
“Tôi biết tính con mình, gặp chuyện như vậy nó không thể nào bỏ mặc. 3 anh em vừa vào đẩy xe được một lúc, đất đá bất chợt ào ào đổ xuống, xung quanh tối đen như mực.
Không còn thấy ánh sáng từ đèn pin của các bạn, chú rể bắt đầu kêu gào tên 3 người bạn, tuy nhiên không có một lời hồi âm. Khi này chú rể vừa gọi điện cho tôi, vừa khóc", ông run run kể lại.
Khi nhận được tin báo, ông Khé bủn rủn chân tay, tức tốc đến hiện trường tìm con. Từ nhà ông lên tới điểm sạt lở hết khoảng 3 giờ đồng hồ.
Người vợ cũ hiện không còn sống cùng ông cũng muốn đi theo nhưng ông Khé quyết định đi một mình. Ông cho rằng trong tình huống này đàn ông sẽ giữ được tinh thần ổn định hơn.
“Khi lên tới điểm sạt lở, chú rể chỉ cho tôi vào 3 gốc cây phay, nói rằng 3 đứa lên cứu người tại đó rồi bị đất lở cuốn trôi. Tôi chạy lên tìm ngang dọc, căng mắt xem có dấu vết con mình nổi trên mặt đất không, thế nhưng vẫn không thấy đâu cả.
Khi này, lực lượng chức năng đã tìm được 2 nạn nhân ở dưới vực tại khúc đường cua nên tôi vội chạy xuống tưởng sẽ thấy con nhưng không phải. Ngay sau đó, tôi chạy lên phía xe cấp cứu đang ứng trực, tuy nhiên trong số những nạn nhân ở đó không có Lâm.
Khoảng 9h thì tìm thấy thi thể Khoa, đến khoảng 10h30 tìm thấy Thảo, riêng Lâm đến khoảng 12h trưa mới thấy. Lâm bị nặng nhất, đất đá vùi dập, thân thể không còn được nguyên vẹn nữa.
Tôi khóc… Nhìn con mà tôi thương xót quá… vì khi bắt đầu đi tìm con, tôi vẫn nuôi hy vọng mọi chuyện sẽ không tới mức như vậy”, ông Khé nghẹn ngào.
Hoàn cảnh éo le của 3 chàng trai trẻ
Theo lời ông Khé, anh Lâm cũng có bạn gái ở Bắc Mê. Hai gia đình đã đi lại, tìm hiểu và cũng chuẩn bị cưới.
Ông Thắng (trú tại thôn Lũng Khiêng, xã Sinh Long, huyện Na Hang) - người hàng xóm của gia đình anh Lâm chia sẻ: “Lâm rất hiền lành, được mọi người trong làng, ngoài xóm yêu quý. Em chịu khó làm ăn, phụ giúp gia đình. Bố mẹ em không sống được với nhau nên nhà chỉ có hai bố con".
Lãnh đạo UBND xã Sinh Long cũng cho biết, không chỉ riêng gia đình anh Lâm khó khăn mà gia cảnh 2 nạn nhân còn lại cũng rất cơ cực.
Gia đình anh Hoàng Văn Khoa thuộc diện hộ nghèo của xã, chỉ vừa mới thoát nghèo được mấy tháng, nay lao động chính trong nhà lại phải bỏ mạng trong vụ sạt lở.
Còn gia đình anh Nguyễn Đình Thảo, bố mẹ đều đã lớn tuổi, anh là con thứ trong nhà, tuy nhiên người anh cả đã mất vì bệnh não từ lâu.
Bà Nguyễn Thị Lời (SN 1963, trú tại thôn Phiêng Thốc, xã Sinh Long, huyện Na Hang) - mẹ ruột anh Thảo chia sẻ: “Được bạn mời đi làm đám hỏi ở xa, vậy nên mấy anh em đã thuê xe và thay nhau lái trong đêm hôm ấy.
Con tôi đi làm lái xe thuê, cũng chưa có gia đình. Hiện nhà chỉ có một mình Thảo, anh trai nó bị bệnh não từ nhỏ và mất năm 26 tuổi. Giờ Thảo cũng bỏ tôi mà đi".
Mãi tới 8h sáng ngày xảy ra vụ sạt lở bà Lời mới biết tin anh Thảo gặp tai nạn do dân làng giấu. Khi bà Lời thắc mắc sao bị tai nạn giao thông mà mãi chưa tìm thấy thì mới vỡ lẽ con trai gặp nạn trong vụ sạt lở và bị đất cuốn trôi.
“Mọi người không để tôi đến bệnh viện, ở nhà khi nghe tin tôi cũng đã ngất đi. Đến khi thi thể thằng Thảo được đưa về tôi khóc rất nhiều, thế nhưng anh em trong nhà cũng không để tôi ra vì lo rằng tôi lại ngất”, bà Lời xúc động.
Chiều 16/7, UBND xã Sinh Long đã tới thăm hỏi, động viên và hỗ trợ các gia đình nạn nhân tử vong trong vụ sạt lở.
Đại diện UBND xã Sinh Long cho biết: “Người dân trên địa bàn xã đều xót thương và chia sẻ cùng gia đình các nạn nhân vì các thanh niên đã không ngại nguy hiểm, xả thân để cứu giúp người khác”.
Hành động quả cảm cứu người không màng hiểm nguy của 3 chàng trai trẻ trong vụ sạt lở vào ngày 13/7 tại Hà Giang là minh chứng cho nghĩa cử cao đẹp của người Việt Nam. Các anh đã sống đúng, sống đẹp bằng cả tuổi trẻ tràn trề nhiệt huyết và sự quả cảm.
Giữa xã hội đang phát triển nhiều biến động cùng nhịp sống nhanh, câu chuyện về 3 chàng thanh niên trẻ là một phút giây lắng đọng về tinh thần tương thân, tương ái, không ngần ngại giúp đỡ người khác dù trong giây phút khó khăn, nguy hiểm đe dọa tính mạng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận