Đưa hài cốt liệt sỹ từ Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên về quê, gia đình phải chôn cất tại phần ruộng của gia đình. |
Dời Nghĩa trang Vị Xuyên, hài cốt liệt sỹ phải nằm ngoài ruộng
Chuẩn bị kỷ niệm 70 năm ngày thương binh – liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/1017), chúng tôi ngồi với những cựu chiến binh của Tp. Hải Phòng từng tham gia chiến đấu ở mặt trận Vị Xuyên Hà Giang (chiến trường nóng bỏng nhất của chiến tranh biên giới).
Những câu chuyện của một thời chiến đấu oanh liệt của họ bị cắt ngang bởi câu nói đắng ngắt của anh Phạm Ngọc Cảnh – Trưởng ban liên lạc Cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên Hà Giang của Tp. Hải Phòng: "Tại mặt trận Vị Xuyên, có hơn 1.000 chiến sĩ, sỹ quan là người Hải Phòng tham gia chiến đấu. Điều khiến anh đau đớn là có những đồng đội của anh hy sinh ở mặt trận, được an táng tại Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên (Hà Giang) nhưng khi gia đình xin đưa về quê hương thì lại không thể đặt hài cốt tại Nghĩa trang liệt sỹ của xã mà phải chôn ở phần đất ruộng của gia đình".
"Mấy chục năm qua, đồng đội tôi đã hy sinh, mẹ già của anh ấy chưa một lần được tri ân nhân ngày thương binh – liệt sỹ. Đó là trường hợp của liệt sỹ Lê Văn Luận (ở nhà gọi là Lê Xuân Luận) quê ở xã Bát Trang, huyện An Lão, Hải Phòng", ông Cảnh đau đáu.
Phần mộ liệt sỹ Lê Văn Luận tại Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên |
Theo bia mộ tại Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên (Hà Giang) và danh sách liệt sỹ tại nghĩa trang này, liệt sỹ Lê Văn Luận, sinh năm 1964, chiến sĩ của C11 D64 E983, hy sinh tại chiến trường phía Bắc Vị Xuyên.
Ông Trần Văn Luận, Phó Ban liên lạc Cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên Hà Giang của Tp. Hải Phòng chia sẻ: "Năm 2016, đoàn cựu chiến binh chúng tôi về thăm lại chiến trường xưa, vào thắp hương các đồng đội tại Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên Hà Giang. Tại đây, tấm bia liệt sỹ Lê Văn Luận có ghi sai một chi tiết là tên xã Bát Tràng (huyện An Lão, Hải Phòng chỉ có xã Bát Trang chứ không có xã Bát Tràng). Chúng tôi đã về xã Bát Trang với mong muốn ban đầu chỉ là đề nghị xã có công văn sửa chi tiết xã Bát Trang ghi trên bia mộ liệt sỹ ở Nghĩa trang Quốc gia Vị Xuyên. Tuy nhiên, khi về tới đây chúng tôi phát hiện ra một sự thật đau lòng là hài cốt của anh Lê Văn Luận không hề được chôn cất ở Nghĩa trang liệt sỹ xã Bát Trang mà đang được chôn ở phần ruộng của gia đình ông Lê Văn Nhi (anh trai của liệt sỹ Lê Văn Luận)".
Theo ông Phạm Ngọc Cảnh, gần 1 năm qua, ban liên lạc đã nhiều lần cử người về địa phương đề nghị phối hợp giải quyết nhưng không được chấp nhận. Chúng tôi đã báo cáo sự việc tới Ban liên lạc Hội cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên toàn quốc, Hội hỗ trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam và đang xúc tiến làm việc với các đơn vị liên quan.
Cán bộ quân sự tới nhà gửi giấy báo tử nhưng xã nói không phải là liệt sỹ
Có mặt tại gia đình liệt sỹ Lê Văn Luận vào sát ngày Thương binh – Liệt sỹ, mẹ liệt sỹ là cụ Nguyễn Thị Chuật, hơn 80 tuổi đang nằm điều trị ở bệnh viện An Lão gần 1 tháng nay. Trong căn nhà tồi tàn, những người anh, người em của liệt sỹ chỉ biết khóc khi nói về trường hợp oái ăm của người anh, người em họ.
Ông Nguyễn Văn Nhi (anh trai liệt sỹ Luận) chia sẻ: Chú Luận sinh năm 1964, là con thứ 5 trong gia đình có 6 người con. Năm 1984 chú ấy nhập ngũ, thì tới năm 1985 cán bộ Quân sự xã, huyện tới nhà gửi giấy báo tử. Từ đó tới nay, gia đình đã rất nhiều lần ra xã, lên huyện hỏi về chế độ chính sách công nhận liệt sỹ cho chú Luận nhưng đều không được giải quyết.
"Mấy chục năm qua, mẹ tôi cứ đến ngày giỗ con là khóc hết nước mắt vì không biết con hy sinh ở đâu, như thế nào mà không thấy mộ, chẳng được công nhận là liệt sỹ. Anh em chúng tôi thì đều nghèo không biết mộ chú ấy ở đâu mà tìm. Mãi tới mấy năm gần đây, khi một số người cùng nhập ngũ với chú Luận có lên Hà Giang thăm lại chiến trường. Mỗi lần như vậy, gia đình đều chạy tới nhờ xem phần mộ chú Luận ở đâu. Tới khoảng năm 2012, đồng đội chụp ảnh gửi về là mộ chú Luận đang ở Nghĩa trang liệt sỹ Quốc Gia Vị Xuyên. Theo nguyện vọng của mẹ, năm 2013, anh em tôi góp tiền lên đưa hài cốt chú ấy về quê an táng. Khi đi, xã có cấp giấy chứng nhận chú Luận đi bộ đội năm 1984, đến năm 1985 có giấy báo tử. Tuy nhiên, khi về thì xã nói rằng không thể đưa vào Nghĩa trang liệt sỹ xã vì chú ấy không phải là liệt sỹ, nên gia đình đành chôn cất chú Luận ở mảnh ruộng gần nhà mẹ", ông Nhi kể.
Giấy xác nhận của UBND xã Bát Trang |
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn An – Cán bộ chính sách xã Bát Trang cho biết: "Anh Nguyễn Văn Luận đi bộ đội từ năm 1984, không biết mất trong trường hợp nào. Trong danh sách liệt sỹ, tử sỹ của xã cũng không có tên anh Luận. Tôi là cán bộ mới theo dõi mảng này không biết gì về trường hợp này".
Trước câu hỏi, vì sao anh Luận có nhập ngũ nhưng xã lại không hề biết là sau khi đi bộ đội xuất ngũ hay hy sinh? Mặt khác, giấy báo tử mà gia đình nhận được đều phải qua Ban chỉ huy quân sự huyện, xã gửi về vậy mà chính quyền địa phương lại không biết?", ông An trả lời: “Cái đấy là phần việc của Quân sự xã. Còn chúng tôi chỉ biết là nếu có đầy đủ hồ sơ, giấy tờ thì chúng tôi mới đề nghị làm hồ sơ cấp liệt sỹ”.
Nói về lý do tại sao trường hợp hy sinh của anh Lê Xuân Luận không được công nhận là liệt sỹ, ông Trần Văn Luận, Phó Ban liên lạc Cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên Hà Giang của Tp. Hải Phòng bức xúc: “Thời điểm năm 1985 là giai đoạn vô cùng nóng bỏng của chiến tranh biên giới ở mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang). Giai đoạn này ở Vị Xuyên được ví như “lò vôi thế kỷ” với những trận đánh ác liệt xảy ra liên miên, nơi chúng tôi đóng quân có những ngọn núi bị pháo địch bắn tới mức cả ngọn núi bị hạ chiều cao mất vài mét".
"Trong chiến tranh khốc liệt, mỗi khi chiến sỹ hy sinh thì đơn vị cũng chỉ kịp viết giấy báo tử (tử sỹ) gửi về địa phương. Trong trường hợp anh Lê Xuân Luận chết trong giấy báo tử ghi bị địch bắn chết khi đang đi hái rau về nuôi quân. Bị địch bắn chết thì đương nhiên là liệt sỹ rồi. Mặt khác, không là liệt sỹ thì không có lý gì phần mộ liệt sỹ lại ở Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên", ông Luận thông tin.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận