Anh Năm bới nhặt trong đống đổ nát, đá đè những thanh gỗ dùng được để dựng nhà tạm |
Việc khắc phục thiệt hại của bão lũ ở nơi này đã khó khăn, việc khôi phục sản xuất và ổn định đời sống cho bà con còn khó khăn hơn.
Ký ức kinh hoàng ngày lũ đổ
Đã chục ngày trôi qua, nhưng anh Cà Văn Uẩn (30 tuổi, ở bản Huổi Liếng, xã Nậm Păm) mỗi khi nhắc tới cơn lũ quét là lại bật khóc như đứa trẻ. Anh đấm tay vào ngực, bất lực vì phải tận mắt chứng kiến cảnh lũ cuốn phăng ngôi nhà sàn của mình mà không thể làm được gì. Trong ngôi nhà sàn ấy, có vợ anh, chị Cà Thị Báu (SN 1993) và hai đứa con Cà Văn Cường (SN 2004) và Cà Thị Dược (SN 2012) đang say ngủ. Ba mẹ con được tìm thấy khi đã tử vong, bị đất đá vùi lấp. “Đêm đó, tôi thấy mưa lớn quá, nên chạy ra ruộng xem nước. Vừa bước ra khỏi nhà một đoạn ngắn, tôi nghe những tiếng động lạ ầm ầm như bom dội từ thượng nguồn về. Biết có lũ quét, tôi quay người lại gọi vợ con, thì đã thấy dòng đá, nước ào xuống, cuốn trôi tất cả…”, anh Uẩn nghẹn ngào.
Nhìn về bản làng tan hoang toàn đá phủ, anh Uẩn thất thần: “Vợ con chết hết rồi, nhà cửa, ruộng vườn tài sản cũng bị cuốn trôi hết, tôi sống thế nào đây”.
Cơn lũ quét đêm 2 rạng sáng 3/8 làm 15 người chết và mất tích, 12 người bị thương, 398 ngôi nhà bị thiệt hại, 15 điểm trường, 7 công trình văn hó bị ảnh hưởng, 282,1% ha lúa bị thiệt hại hoàn toàn, hơn 2.500 con gia súc, gần 16.000 con gia cầm bị chết, cuốn trôi… Lũ quét đã cuốn trôi hai đường dẫn lên cầu cứng Nậm Păm, làm QL279D bị tắc hoàn toàn, 7 xã bị cô lập; 15km tỉnh lộ 109 từ ngã ba bản Nà Lốc đi xã Ngọc Chiến và 67km các tuyến đường trên địa bàn bị hư hỏng… |
Tới chiều 11/8, em Sồng Thị Lạ Nhia (SN 2004, ở bản Púng Quài, xã Chiềng San) đã được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La để thực hiện ca phẫu thuật tiếp theo. Thương tích quá nặng, cùng hoàn cảnh thương tâm của Lạ Nhia khiến mọi người nhói lòng. Bố mất sớm, mẹ đi lấy chồng khác, mới 10tuổi Lạ Nhia đã gồng gánh chăm hai em nhỏ Sồng Thị Nhua (SN 2007) và Sồng Thị Cạ (SN 2010). Đêm 2/8, Lạ Nhia cùng hai em đang ôm nhau ngủ. Lũ dữ đã cuốn trôi mất em út Sồng Thị Cạ, còn Lạ Nhia và Nhua được tìm thấy nhờ bị cuốn dạt vào bụi cây trong tình trạng thương tích đầy mình. Lạ Nhia bị đứt gân chân, Hua viêm phổi nặng do ngâm nước quá lâu và đã hít phải bùn đất khi bị lũ cuốn.
Đi từ cầu Nậm Păm vào vùng lũ quét, ai cũng bàng hoàng bởi cả một vùng dân cư, ruộng nương đang xanh tốt, bình yên giờ tan hoang đá phủ. Chị Lò Thị So (18 tuổi, ở bản Hua Nặm) địu con nhỏ trên lưng kể: “Tối 2/8, mưa to lắm. Khoảng 21h, nghe tiếng động gầm gào rất lạ, tôi ôm con chạy ra cửa, gào lên: “Các bạn ơi, chạy đi lũ lớn rồi”. Cả bản tôi chạy được hết, nhưng nhà cửa, tài sản không còn thứ gì, đến bộ quần áo để thay cũng không còn”.
Chị So bảo, chưa bao giờ chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng như thế. Đá từ đỉnh núi ào xuống nhiều vô kể, có tảng to như chiếc giường, tảng bằng cả một căn nhà. Ngay sau đá là dòng nước bùn đặc quánh, và cuối cùng là nước. Mọi thứ diễn ra quá nhanh, nghiền nát và vùi chôn tất cả.
Gượng dậy từ hoang tàn
Bí thư Huyện ủy Mường La Nguyễn Thành Công cho biết, ngay sau khi nhận tin lũ quét, ông cùng các lãnh đạo huyện lội bộ 7 tiếng đồng hồ mới vào được với bà con. Hậu quả cơn lũ quá thảm khốc khiến ông và mọi người đều sốc. Cả một vùng thung lũng ven suối xanh mướt ruộng vườn, nhà cửa nay chỉ còn toàn đá. Những chuyên gia nghiên cứu thảm họa thiên nhiên quốc tế đã đến đây và cũng bàng hoàng, ngạc nhiên về sức mạnh, cường độ, sự hủy diệt của cơn lũ quét. “Họ đề nghị nên giữ lại hiện trạng lũ quét Mường La như một bảo tàng minh chứng cho sự nổi giận của thiên nhiên”, ông Công nói.
Những ngày đầu sau lũ quét, đội cứu hộ phải lội bộ cả chục km trong địa hình toàn đá, đá lấp xấp nước vào bản; hoặc dân bản phải lội bộ mấy tiếng ra đầu cầu Nậm Păm trong khi đội cứu trợ bắc thang cõng đồ ăn, nước uống lên cầu, thả xuống cho bà con ở đầu cầu bên kia. 10 ngày sau lũ quét, cây cầu Nậm Păm đã được khôi phục. Một con đường cứu trợ hình thành bằng cách san gạt những tảng đá lớn dưới lòng suối, giúp công tác cứu trợ và khắc phục sự cố thuận lợi hơn.
Cúi người kéo những thanh gỗ to, thẳng kẹt giữa đá, anh Lò Văn Năm (bản Huổi Hốc, xã Nậm Păm) cho hay, anh nhặt gỗ về dựng lán ở tạm. “Huyện cứu trợ gạo, mì tôm, nước sạch, xoong nồi, bát đũa... rồi. Giờ dựng tạm cái lán cho vợ con ở rồi tính cách kiếm cái gì làm, không ở nhờ mãi được”, anh Năm nói.
Ở một khoảng lúa còn sót lại, gần chục người dân cùng lội xuống nhặt đá, dặm thêm bờ ruộng để giữ nước. Chị Cà Thị Diên (bản Huổi Liếng, xã Nậm Păm) tâm sự, giờ làm được cái gì thì cố làm, chứ ngồi không gần chục ngày qua càng thêm đau buồn, tiếc nuối.
Ông Nguyễn Thành Công cho biết, hiện tỉnh Sơn La đã quyết định chi 130 tỷ đồng hỗ trợ bà con vùng lũ. Công tác tìm kiếm 3 nạn nhân mất tích đang được tích cực triển khai. Các hộ dân mất nhà và ở khu vực nguy hiểm đã được bố trí ở các nhà cộng đồng, nhà người thân và tập trung tại các lán bạt...
“Cùng với các đoàn cứu trợ của các tỉnh, thành trong cả nước, huyện đã chuyển đủ nhu yếu phẩm, chăn màn, nước uống, không để một hộ dân nào bị đói, rách và không có nhà ở. Huyện đã chuẩn bị nhu yếu phẩm cần thiết từ gạo, thuốc các loại cho bà con vùng lũ trong thời gian 6 tháng. Dự kiến đến ngày 30/9, sẽ cấp điện trở lại cho xã Nậm Păm và Ngọc Chiến... Nhưng về lâu dài, phải quy hoạch, xác định điểm di chuyển để nhân dân đến đó phải ở được, sản xuất được để ổn định đời sống lâu dài. Hiện, quỹ đất còn khá ít”, ông Công chia sẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận