Ông Nguyễn Văn Bộ, Phó chủ tịch Hội Nghệ sỹ sân khấu VN tới thắp hương cho các nạn nhân |
Chuyến du lịch định mệnh
Ngày 4/12, PV Báo Giao thông cùng ông Nguyễn Văn Bộ, Phó chủ tịch Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam tới thắp hương cho các nạn nhân vụ tai nạn chìm tàu trên hồ Núi Cốc 31 năm trước. Khu mộ phần của các nghệ sỹ và người thân nằm trên triền đồi, lọt giữa cỏ cây bao bọc, lá rụng phủ đầy trong không gian tĩnh mịch, nhưng không có đường vào nên phải rẽ cây, bước qua cỏ mọc um tùm để đi.
Lần lượt tiến tới từng mộ phần, ông Bộ ân cần chào hỏi: “Anh chào em Uy, anh chào em Hà, em chào chị Thái, anh chào Kha, chào cháu Ngọc Anh con mẹ Kha nhé... Hôm nay, em lại tới thăm các anh, các chị, các cháu đây”. Rồi ông đặt những bông hoa tươi lên mộ, thắp nén nhang và rủ rỉ nói chuyện như thể giữa họ chưa từng có khoảng cách nào. Tới hai ngôi mộ cuối cùng, giọng ông nghẹn lại: “Đây là vợ và con gái nhỏ của tôi. Cô ấy là Đỗ Thị Kim Dung, cán bộ Phòng văn hóa Thái Nguyên. Con gái tôi là cháu Bích Phương, cháu thông minh và xinh đẹp lắm. Mẹ con cô ấy đã ra đi cùng mọi người trong vụ tai nạn thảm khốc ấy”.
Sau thảm kịch chìm tàu, lãnh đạo tỉnh chỉ đạo Đoàn kịch Bắc Thái phải gượng dậy, trở lại, để khẳng định thương hiệu mà những người ra đi gây dựng. Một tháng sau, Đoàn kịch Bắc Thái đã gượng lại được bằng chính vở diễn Đôi dòng sữa mẹ. Buổi diễn đầu tiên ấy, cả người diễn lẫn người xem đều đầm đìa nước mắt. Hiện, Đoàn kịch Bắc Thái đã sáp nhập vào Đoàn nghệ thuật Thái Nguyên. |
Thẫn thờ nhìn ra hồ Núi Cốc, nơi đã nhấn chìm 23 sinh mạng của vợ con, đồng nghiệp, bạn bè, ông Bộ nhớ lại, vào quãng thời gian 30 năm trở về trước, ngành kịch nước nhà ở giai đoạn hưng thịnh nhất. Đoàn kịch Bắc Thái là đoàn kịch tên tuổi bởi dàn diễn viên tài năng và có nhiều vở diễn thành công vang dội.
“Năm ấy, chúng tôi đã dàn dựng và trình diễn rất thành công vở kịch Đôi dòng sữa mẹ của Lưu Quang Vũ. Anh em có ý kiến là nên tổ chức một chuyến du lịch ăn mừng trên hồ Núi Cốc. Đoàn kịch Bắc Thái lúc đó trực thuộc Nhà hát Tổng hợp Bắc Thái, nên đoàn có mời một số anh chị em ở bộ phận khác của nhà hát đi cùng và nhiều anh chị em của đoàn đưa vợ chồng, con cái đi theo”, ông Bộ kể.
Ngày đó, hồ Núi Cốc chưa phát triển du lịch, nên đoàn thuê một chiếc ca nô đầu kéo dùng để chở hàng hóa của Công ty Thủy sản chở anh chị em đi du lịch trên hồ. Đoàn có hơn 40 người đăng ký đi tham quan, chia làm 2 chuyến tàu. 29 người đã bước chân xuống chuyến tàu đầu tiên, những người còn lại ở trên bờ ngồi đợi để tàu quay về thì đi chuyến tiếp theo.
“Khi đó, tôi đã bế con gái xuống tàu cùng vợ thì anh Hoàng Văn Hoan, Phó giám đốc của Nhà hát bảo: “Thôi chú nhường anh đi trước, vì đi chuyến sau vào tầm nắng lên”. Nghe anh nói vậy, tôi lại bế con gái bước lên bờ, nhưng bé gào khóc đòi đi cùng mẹ. Thấy thế, một cô diễn viên trẻ trong đoàn chạy lên, bế cháu Phương xuống cùng mẹ. Đó là lần cuối cùng tôi nhìn thấy vợ con”, ông Bộ khẽ gạt nước mắt nói.
Ông Bộ cùng những người ngồi trên bờ dõi theo chiếc tàu chở 29 người xa dần, khuất sau rặng núi, ai nấy khuôn mặt rạng rỡ, háo hức vì vở diễn thành công tốt đẹp, vì được đi du lịch trên hồ Núi Cốc quê hương sơn thủy hữu tình.
Ông Bộ lặng lẽ thắp hương cho từng mộ phần |
Thảm họa lịch sử
Nhưng 4 tiếng đồng hồ sau, vẫn chưa thấy tàu quay ra như đã hẹn. Ông Bộ cùng một số người đàn ông trong đoàn chờ trên bờ bèn đi bộ men theo sườn núi để vào sâu khu vực lòng hồ. Đi một quãng đường dài, ông gặp vài người dân bản địa cho hay: “Vừa có 1 tàu chở đoàn khách du lịch trên hồ bị chìm, chết hết rồi”. Ông Bộ khuỵu xuống.
Chiếc tàu chở anh chị em Đoàn kịch Bắc Thái ngày ấy là ca nô đầu kéo chở hàng, trên tàu không có một thiết bị cứu sinh nào. Hồ Núi Cốc ngày đó chỉ có vài chiếc thuyền đánh cá hoạt động trên lòng hồ, lại chưa có điện thoại như bây giờ. Vì thế, khi tàu chìm, mọi nỗ lực kêu cứu trở nên tuyệt vọng. Chỉ có vài chiếc tàu đánh cá của người dân ở đó nhìn thấy vụ việc, đến hỗ trợ cứu người.
Chuyến tàu định mệnh ấy chỉ có 6 người sống sót. Họ kể lại, khi tàu chìm, cũng có những người đàn ông trên tàu biết bơi nhưng đã ở lại để cứu mọi người và cùng vĩnh viễn ra đi. Còn lại, 23 sinh mạng, trong đó có 5 trẻ em và nhiều nghệ sỹ tên tuổi, tài năng, đã vĩnh viễn ra đi nơi hồ sâu lộng gió. Ngay chiều hôm đó, lãnh đạo tỉnh có mặt ở hiện trường, lực lượng cứu hộ của quân đội, công an và người dân cùng nỗ lực tham gia tìm kiếm thi thể các nạn nhân.
Hôm sau, toàn bộ thi thể nạn nhân trong chuyến tàu định mệnh đã được đưa lên bờ. Cảnh tượng 23 thi thể, trong đó có những cặp vợ chồng, mẹ con vẫn ôm chặt lấy nhau, được xếp chen kín vạt cỏ ven bờ hồ Núi Cốc khiến ai nấy đều bật khóc. Cả tỉnh Thái Nguyên và những người yêu mến nền kịch nói, sân khấu nước nhà đều bàng hoàng, tiếc thương cho dàn nghệ sỹ ra đi khi đang độ tuổi xuân xanh và tài năng đang độ chín.
“Có những gia đình mất cả như anh Hoàng Đình Hà, phụ trách ánh sáng của đoàn kịch, vợ là chị Hoàng Thị Thái, diễn viên của đoàn kịch và con là Hoàng Đình Huy, lúc mất mới 5 tuổi. Hay chị Lê Thị Kha, diễn viên của đoàn mất cùng con gái Nguyễn Ngọc Anh khi đó mới 1 tuổi, chị Phan Mai Phương và con gái Lê Phương Thảo... Những cặp gia đình, mẹ con ấy khi mất vẫn ôm chặt lấy nhau, được đặt nằm cạnh nhau trong khu mộ này”, ông Bộ khẽ nói.
Hồ Núi Cốc - nơi xảy ra thảm kịch 31 năm trước |
Đau đáu ân tình
Vuốt ve bia mộ chung khắc hàng chữ: “Khu mộ của cán bộ công nhân viên Đoàn kịch Bắc Thái gặp tai nạn trên hồ Núi Cốc ngày 4/7/1986”, ông Bộ cho hay, đã hàng chục năm nay, ông chôn chặt nỗi đau này trong lòng. Bởi không chỉ mất đi người vợ trẻ và đứa con thơ, mất đi những người đồng nghiệp thương quý, mà ông luôn cảm thấy day dứt khi ở thời điểm đó, ông là Trưởng đoàn.
“Anh Nguyễn Quốc Uy, Kế toán trưởng nhà hát trước khi xuống tàu còn nhờ tôi cầm hộ túi, anh Lương Kiến Chu là diễn viên chính của đoàn, rất đẹp trai và tài năng, em là người dân tộc Tày, quê ở Định Hóa. Em Lê Thị Kha là nữ diễn viên rất đẹp, nhà tận Cao Bằng. Khi Kha mất, nhà chỉ còn mẹ già và hai em gái lại đường xa cách trở... Họ đều là anh em, đồng nghiệp chung một mái nhà đoàn kịch, là người thân của tôi”, ông Bộ xúc động nhớ lại.
Đau đáu ân tình với những người đã khuất, suốt 31 năm qua, ông Bộ thường xuyên qua lại, chăm sóc khu mộ này. Dù đảm trách công việc của hội, dù các con đã về hết Hà Nội học tập và công tác, nhưng ông không chịu về hẳn. Cứ ngày giỗ Tết và mỗi dịp đi công tác qua, ông lại vào khu mộ thắp hương, dọn cỏ, quét lá. Trừ khi phải đi công tác không về kịp, ông mới nhờ người vợ sau này lên thắp hương tại khu mộ. Còn ngày giỗ chung 4/7, chưa bao giờ ông vắng mặt trong suốt hơn 30 năm qua.
“Trước đó, tôi đã mất một cậu con trai do cháu bị viêm phổi. Khi vợ và con gái nhỏ ra đi trong thảm họa chìm tàu, tôi tưởng mình không sống nổi, ngày nào tôi cũng ngồi ở bậc cửa nhà hướng về phía hồ Núi Cốc để than khóc vợ con. Còn vợ tôi bây giờ chính là một trong số những diễn viên trẻ được chúng tôi tuyển gấp về để thay thế các anh chị em đã mất. Cô ấy thương cảm với nỗi đau của tôi, nguyện cùng tôi ở lại mảnh đất này để tiện chăm lo, hương khói cho người đã khuất đến hết đời”, ông Bộ nói.
Về những nhân chứng sống sót trên chuyến tàu định mệnh ấy, ông Bộ cho hay, họ đều né tránh việc nhắc lại thảm họa năm xưa, có lẽ bởi sự ám ảnh quá lớn của thảm kịch. Người phụ nữ mang thai 6 tháng bơi được 1km vào bờ sống sót là chị Ngô Thị Hiền, cấp dưỡng của đoàn. Em bé trong bụng chị Hiền ngày ấy giờ đã là một diễn viên của Nhà hát Tuổi trẻ. Ám ảnh về vụ tai nạn đến nỗi chưa một lần bà Hiền cho con ra hồ Núi Cốc, dù chỉ là ngồi trên thuyền. Anh Bùi Văn Thanh, diễn viên của đoàn cùng con gái 4 tuổi may mắn nắm được mảnh giấy dầu phủ che nắng trên đầu tàu cũng cố nổi đến khi được những người dân trong vùng cứu vớt. Lúc đó, con gái anh Thanh vẫn ôm chặt cổ bố trong vài tiếng đồng hồ. “Cháu là em bé duy nhất trong 6 em bé trên tàu hôm đó sống sót”, ông Bộ nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận