Kể từ năm 1986, thời điểm thế giới sở hữu số đầu đạn hạt nhân cao kỷ lục (hơn 70.000), đến nay số đầu đạn hạt nhân đã giảm chỉ còn 1/5. Bên cạnh đó, trong giai đoạn tháng 1/2021- tháng 1/2022 số lượng vũ khí hạt nhân trên toàn cầu tiếp tục giảm nhẹ.
Nhưng số vũ khí hạt nhân toàn cầu được dự báo sẽ tăng trở lại lần đầu tiên kể từ Chiến tranh Lạnh trong khi nguy cơ sử dụng các loại vũ khí này đang ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ - Viện Nghiên cứu Hòa bình Thế giới Stockholm (SIPRI) dự đoán.
Theo SIPRI, việc Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine và phương Tây không ngừng viện trợ vũ khí cho Kiev đã làm gia tăng căng thẳng giữa 9 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân trên thế giới.
Ảnh minh họa. Ảnh - Hải quân Mỹ
SIPRI cảnh báo nếu các cường quốc hạt nhân không hành động lập tức, số đầu đạn hạt nhân toàn cầu sẽ nhanh chóng tăng lần đầu tiên sau hàng thập kỷ.
“Tất cả quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân đang củng cố hoặc nâng cấp kho vũ khí. Đa số các quốc gia này đang "mài sắc" các tuyên bố về hạt nhân cũng như vai trò của vũ khí hạt nhân trong chiến lược quân sự”, theo ông Wilfred Wan, Giám đốc Chương trình Vũ khí Hủy diệt Hàng loạt của SIPRI, nói và nhận định: "Xu hướng này rất đáng quan ngại".
Hồi cuối tháng 2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đặt các lực lượng hạt nhân Nga vào trạng thái báo động cao nhằm đối phó với “những tuyên bố gây hấn” của các nước đứng đầu NATO.
Nga hiện là quốc gia sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới với 5.977 đầu đạn, nhiều hơn Mỹ khoảng 550 đầu đạn.
Hai quốc gia này chiếm hơn 90% tổng số đầu đạn hạt nhân của thế giới. Song, SIPRI cho biết Trung Quốc cũng đang mở rộng kho hạt nhân, bao gồm xây dựng hơn 300 hầm chứa tên lửa.
Theo dữ liệu của SIPRI, số đầu đạn hạt nhân trên toàn cầu giảm từ 13.080 đầu đạn vào tháng 1/2021 xuống còn 12.705 vào tháng 1/2022. Khoảng 3.732 đầu đạn đã được triển khai tại các tên lửa, máy bay và khoảng 2.000 đầu đạn khác (chủ yếu của Nga và Mỹ) đang được đặt trong trạng thái sẵn sàng triển khai.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận