Xe chở vật liệu (phục vụ xây dựng Khu đô thị Mỗ Lao, Hà Nội) quá tải trọng phá đường, gây ô nhiễm môi trường và nguy hiểm cho người tham gia giao thông |
Cam kết xử lý triệt để xe quá tải
Theo ông Trần Bá Đạt, Phó vụ trưởng Vụ ATGT (Tổng cục Đường bộ VN), so với trước khi triển khai kiểm soát tải trọng xe (KSTTX) trên phạm vi toàn quốc (tháng 4/2014), tỷ lệ xe quá tải đã giảm từ 50% xuống còn 8,3% vào những tháng cuối năm. Tuy nhiên, theo ông Đạt, dù số lượng xe quá tải giảm sâu nhưng chưa bền vững. Cá biệt, vẫn còn tình trạng chủ hàng ép doanh nghiệp chở quá tải móc nối “cò” vượt trạm cân. Một số lái xe còn chống đối lực lượng chức năng. Bên cạnh đó tại nhiều nơi, lãnh đạo tỉnh chưa vào cuộc, một bộ phận vì lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm…
Tại hội nghị, Bộ trưởng cũng yêu cầu Tổng cục Đường bộ VN trong năm 2015 tập trung thực hiện đề án cầu treo dân sinh giúp người dân vùng sâu, vùng xa có được cuộc sống tốt hơn. Theo Bộ trưởng, người dân đã phải nhường đường, nhường nhà để có mặt bằng cho nhiều dự án đường cao tốc, quốc lộ… nhưng họ không được hưởng lợi trực tiếp từ dự án. Việc đi lại qua cao tốc để sản xuất còn khó khăn hơn. Vì thế phải hướng tới giúp đỡ người dân bằng việc nhanh chóng xây dựng cầu treo dân sinh… |
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Đinh La Thăng chất vấn trực tiếp đại diện các Sở GTVT về công tác KSTTX, đặc biệt là xe quá kích thước thùng hàng (xe HOWO). Khi đại diện các Sở GTVT trình bày dài dòng về các lĩnh vực khác nhau, lập tức Bộ trưởng yêu cầu tập trung vào hiện trạng và các giải pháp KSTTX. Thậm chí, Bộ trưởng truy vấn lãnh đạo Sở GTVT có nắm chắc trên địa bàn tỉnh có bao nhiêu xe quá tải?
Các địa phương được chỉ định tham luận tại Hội nghị cũng là nơi tình trạng xe quá tải còn diễn ra phức tạp. Đại diện Sở GTVT Thanh Hóa cho biết, hiện tỉnh có 400 xe HOWO cơi nới thùng. Sau một thời gian xử lý, hiện tại còn hơn 20 xe.
Phó Giám đốc Sở GTVT Bắc Giang cho biết, trên địa bàn có 159 xe HOWO đã xử lý được 32 xe. Tuy nhiên, ngay sau phần tham luận của Bắc Giang, ông Nguyễn Văn Huyện cho biết, Bắc Giang là số ít tỉnh chưa xử lý được nhiều tình trạng xe cơi nới thùng, đặc biệt là đối với xe HOWO.
Tại Hội nghị, nhiều địa phương cam kết phấn đấu năm 2015 sẽ xóa bỏ được tình trạng xe chở quá tải. Tuy nhiên, theo Phó giám đốc Sở GTVT Nghệ An: “Để đạt được kết quả này, lãnh đạo tỉnh cần dành thời gian trực tiếp vi hành kiểm tra xe quá tải, không can thiệp vào xe quá tải, xử lý nghiêm các tiêu cực”.
“Cuộc chiến” còn phải tiếp tục
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã yêu cầu Tổng cục Đường bộ VN tập trung thực hiện 10 chữ: “Giảm tai nạn giao thông, không còn xe quá tải”. Theo Bộ trưởng, chủ trương siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và KSTTX lẽ ra phải làm từ lâu. Đây là cuộc chiến đầy cam go, không thể một sớm một chiều giải quyết ngay. Đến nay, dù đã thu được một số kết quả quan trọng nhưng “cuộc chiến” còn phải tiếp tục. Trong năm 2015, Tổng cục Đường bộ VN phải tập trung kiểm soát chặt chẽ, chấm dứt tình trạng xe vượt tải trọng lưu hành. Không thể có chuyện lãnh đạo Sở không biết có bao nhiêu xe quá tải, chỉ có làm hay không thôi.
“Đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Nếu không làm được việc này, các nhiệm vụ khác của Tổng cục Đường bộ VN cũng vô ích. Không kiểm soát được tải trọng xe, Tổng cục còn phải chịu tiếng làm bừa, làm ẩu vì đường vừa sửa xong đã hỏng. Vì thế cần xác định trọng điểm, địa phương nào khó, nhiều xe quá tải thì tập trung làm trước. Nếu các Cục trưởng không nắm được tình hình xe quá tải ở các địa phương thuộc diện quản lý của mình phải xử lý trách nhiệm ngay”, Bộ trưởng yêu cầu.
Chỉ đạo thêm về các biện pháp chống xe quá tải, Bộ trưởng yêu cầu phải nâng cao tinh thần trách nhiệm người đứng đầu. Cần phải quyết tâm chống tiêu cực trong lực lượng thực thi công vụ. Người dân, doanh nghiệp sẵn sàng thực hiện nhưng người thực thi công vụ không công tâm, không xử đúng người, đúng tội, sẽ tạo ra sự bất bình đẳng, so bì, không thực hiện. Nếu làm tốt sẽ tạo ra thị trường vận tải cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng.
Về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực đường bộ, Bộ trưởng yêu cầu thời gian tới phải tăng cường áp dụng công nghệ, vật liệu mới, nhất là việc tổ chức sàn giao dịch vận tải. Đặc biệt phải tiến tới hiện đại hóa công tác bảo trì, sửa chữa.
Bộ trưởng cũng yêu cầu tiếp tục kiểm tra kiểm soát hệ thống biển báo. “Chúng ta đầu tư bao nhiêu tiền của mà cứ sử dụng biển báo cũ là không được. Đường tốt rồi, phải tăng tốc độ lên. Có những biển báo không thể thực hiện được, toàn đánh đố. Những biển báo chưa hợp lý trong khi chưa thay thế biển mới, phải nhổ đi. Dứt khoát phải bỏ những biển cài bẫy người đi đường”, Bộ trưởng quyết liệt.
Tiến Mạnh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận