Quản lý

Xử lý thế nào 700 căn nhà xây lụi trên đất làm cao tốc?

03/10/2023, 06:30

Lãnh đạo thành phố Biên Hòa cho biết, sau khi thanh tra, sẽ xử lý rốt ráo vụ 700 căn nhà xây trái phép để sớm bàn giao mặt bằng cho dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

"Điểm nóng" về xây dựng trái phép

Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, nhiều năm nay một số phường ở Biên Hòa (Đồng Nai) gồm: Phước Tân, Tam Phước, Hóa An, Trảng Dài... được xem là "điểm nóng" xây dựng trái phép.

Năm 2022, thành phố Biên Hòa đã ra quyết định xử phạt 539 trường hợp vi phạm quy định xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp. Đồng thời, buộc phải xử lý tháo dỡ 242 căn nhà xây dựng trái phép. Trong đó, Phước Tân là địa phương có số lượng các trường hợp vi phạm bị xử lý tháo dỡ nhà xây dựng trái phép nhiều nhất.

photo-1696257438390

Trên địa bàn phường Phước Tân, TP Biên Hòa có tới gần 700 trường hợp xây dựng nhà trái phép.

Cụ thể, tại phường Phước Tân, theo ghi nhận của PV, ở khu phố Vườn Dừa, Miễu, Hương Phước… là nơi có số nhà xây trái phép đứng tốp đầu. Nguyên nhân là do hơn một thập kỷ trước, Phước Tân chỉ là một xã vùng ven, có quỹ đất nông nghiệp nhiều nhưng không canh tác. Giá đất ở đây rất rẻ, do đó nhiều người lao động nghèo tìm về Phước Tân sinh sống.

Thời điểm khoảng năm 2010, giá đất ở đây chỉ dao động từ 150-400 triệu đồng với mỗi lô đất diện tích từ 80-100m2. Nhiều người chấp nhận chi tiền để mua đất bằng giấy tay rồi lén lút xây nhà cấp 4 để ở.

Chị Nguyễn Thị Hường (37 tuổi) quê ở Nghệ An, cho biết, chồng mất sớm vì căn bệnh ung thư nên chị đành gửi con ở quê cho ông bà ngoại rồi vào Đồng Nai mưu sinh. Sau nhiều năm vất vả làm thuê, làm mướn, chị tích góp được ít tiền. Qua người quen giới thiệu, chị mua một lô đất 75m2 với giá 300 triệu đồng ở Phước Tân rồi cất nhà cấp 4, đón con vào ở.

"Chúng tôi biết xây nhà trên đất nông nghiệp là sai, nếu bị dỡ bỏ cũng phải chịu nhưng không mua đất kiểu này thi không biết lúc nào mới có nhà để ở", chị Hường nói.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Ân, ngụ ấp Vườn Dừa cho biết, gia đình ông sống ở Phước Tân đã 15 năm. Ngày đó Phước Tân chủ yếu là mỏ đá, ruộng… nên đa số người lao động nghèo mới dạt về đây để kiếm đất "cắm dùi".

Đất đai cũng hầu hết là nông nghiệp, rẫy tràm… nên mua bán bằng giấy tay, làm chứng tại văn phòng luật sư. Khi đó, một miếng đất lớn chia ra 10-20 người cùng mua, mỗi người mua xong xây căn nhà nhỏ để ở rồi cứ thế sống đến nay.

"Thời đó ở đây đa phần là xây nhà trái phép, mấy ai có tiền mua nổi đất có thổ cư đâu. Giờ làm cao tốc phát hiện khoảng 700 căn nhà xây dựng trái phép cũng đúng thôi. Bà con ở đây chủ yếu từ miền ngoài vào, làm lụng vất vả, có ít tiền mua đất, cất cái nhà ở là may rồi. Chúng tôi chỉ mong Nhà nước đảm bảo quyền lợi, cố gắng hỗ trợ cho bà con, nếu không cũng thiệt cho người dân ở đây", ông Ân cho hay.

Xây dựng trái phép, hệ lụy kéo dài

photo-1696257439109

Khu phố Vườn Dừa nơi nhiều nhà xây trái phép.

Theo kế hoạch dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu qua địa bàn Phước Tân sẽ thu hồi 741 thửa với diện tích 60ha. Tổng số hộ bị ảnh hưởng giải tỏa khoảng trên 1.700 hộ dân. Số hộ giải tỏa một phần (đất trống) khoảng 200 hộ; Số hộ bị giải tỏa trắng là khoảng 1.500 hộ.

Tuy nhiên, quá trình thống kê và lập danh sách sơ bộ đất đai để phục vụ dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đơn vị chức năng đã phát hiện 700 căn nhà mua bán giấy tay, xây dựng không phép...

Theo UBND phường Phước Tân, các tổ 4, 9, 22, 24 thuộc khu phố Vườn Dừa có đến gần 200 trường hợp xây dựng trái phép; Các tổ 13C, 13A khu phố Hương Phước có trên 120 trường hợp. Khu phố Miễu có khoảng 180 trường hợp và khu phố Hương Phước có khoảng 200 trường hợp.

Lãnh đạo phường này cho biết, hiện chưa nhận được hồ sơ kỹ thuật thửa đất của dự án nên chưa vạch chi tiết từng thửa đất cho từng hộ gia đình nằm trong dự án. Do đó, phường không thể thống kê chính xác mà chỉ thống kê sơ bộ các hộ mua bán chuyển nhượng bằng giấy tay. Sau khi thống kê sơ bộ, phường Phước Tân đã kiến nghị UBND thành phố Biên Hòa giao cho thanh tra liên ngành thanh tra 700 căn nhà trên.

Sau khi nhận báo cáo từ phường, lãnh đạo thành phố Biên Hòa cũng giao thanh tra vào cuộc để kiểm tra cụ thể từng mốc thời gian xây dựng của các căn nhà trên.

Chia sẻ với PV Báo Giao thông, ông Đỗ Khôi Nguyên, Chủ tịch UBND thành phố Biên Hòa cho biết, 700 căn nhà xây dựng trái phép tại Phước Tân là câu chuyện cũ, tồn tại từ rất lâu. Ông Nguyên cho rằng, trên thực tế bồi thường hỗ trợ tái định cư đều có quy định rõ ràng cụ thể về loại đất, nhà ở trên đất… Ngoài ra, ở địa phương còn căn cứ vào nhà xây dựng trước hay sau năm 2014 để xét đối tượng.

Trong đó, có đối tượng sẽ được bồi thường về đất, không hỗ trợ tài sản trên đất và các quy định đều rõ ràng nên người dân sẽ được đảm bảo mọi quyền lợi đúng quy định.

"Mua bán giấy tay có trường hợp được công nhận hoặc không được công nhận và có quy định cụ thể cho phép quy chủ. Hiện nay, việc xử lý bồi thường, tái định cư do đã có bài học kinh nghiệm từ dự án sân bay Long Thành nên khá thuận lợi. Do đó, 700 căn nhà xây dựng trái phép vẫn là câu chuyện phải xử lý bồi thường, xem xét tái định cư hoặc chỗ ở căn cứ theo luật", ông Nguyên nhấn mạnh.

Cũng theo ông Nguyên, để xóa tình trạng xây dựng trái phép, thành phố đã chỉ đạo tăng cường kiểm tra, chặn đứng việc xây dựng trái phép trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới.

Dự án đường cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu có chiều dài hơn 53km đi qua tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu với 3 dự án thành phần. Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 17.800 tỷ đồng, được khởi công vào tháng 6 vừa qua.

Trong đó, dự án thành phần 1 (Km0 - Km16) do UBND tỉnh Đồng Nai là chủ đầu tư với chiều dài khoảng 16 km.

Dự án thành phần 2 (Km16 - Km 34+200) do Bộ GTVT là cơ quan chủ quản (Ban QLDA 85 đại diện chủ đầu tư) với chiều dài khoảng 18,2km.

Dự án thành phần 3 (Km 34+200 - Km 53+700) do UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu làm chủ đầu tư với chiều dài khoảng 19,5km.

Giai đoạn 1, dự án được đầu tư với quy mô 4 làn xe theo từng đoạn tuyến. Giai đoạn hoàn thiện, tuyến cao tốc sẽ được mở rộng bảo đảm quy mô 6-8 làn xe. Theo kế hoạch, dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác đồng bộ năm 2026.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.