Trao đổi với PV Báo Giao thông về vụ việc để lây nhiễm Covid-19 trong quá trình cách ly tại TP HCM, LS Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp Hà Nội cho biết: Khi dịch bệnh còn bùng phát ở nhiều quốc gia, việc công dân nước ngoài vẫn nhập cảnh vào Việt Nam, thậm chí có những trường hợp nhập cảnh trái phép và người Việt Nam từ nước ngoài trở về thì chuyện phát sinh ra lây nhiễm trong cộng đồng là có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Bởi vậy, người dân cần bình tĩnh không hoang mang và thực hiện nghiêm túc các biện pháp cách ly, phòng bệnh và xử lý y tế đối với những người mang mầm bệnh.
Việc quan trọng lúc này là cần khai báo y tế một cách chính xác đối với những người có liên quan đến các bệnh, thực hiện tốt công tác vệ sinh phòng bệnh, cách ly y tế, xử lý tế để tránh mầm bệnh có thể lây lan trong cộng đồng.
Về nguyên tắc, nếu thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa, đặc biệt là cách ly y tế đối với những người nhập cảnh một cách triệt để thì sẽ không thể nảy sinh những ca mắc trong cộng đồng.
Những ca bệnh trong cộng đồng chỉ có thể phát sinh khi có người nhập cảnh trái phép hoặc việc khai báo y tế, cách ly y tế có những sai sót, chủ quan hoặc nhầm lẫn.
Trong quá trình cách ly y tế mà để các bệnh nhân tiếp xúc với nhau hoặc người bệnh tiếp xúc gần với người khác thì đây là vấn đề sai sót nghiêm trọng có thể dẫn đến việc lây lan dịch bệnh trong khu vực cách ly, có thể lây lan ra ngoài cộng đồng.
Bởi vậy, trong vụ việc này cần làm rõ trách nhiệm của cán bộ y tế, người được phân công quản lý bệnh nhân, việc để những người có nguy cơ mang mầm bệnh, người mắc bệnh tiếp xúc gần với người khác dẫn đến việc lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.
"Một thời gian dài vừa qua Việt Nam đã làm tốt công tác phòng bệnh, không xuất hiện những cả lây nhiễm trong cộng đồng khiến đời sống kinh tế xã hội đang dần dần ổn định. Việc phát hiện ca lây nhiễm trong cộng đồng lần này nếu không xử lý tốt thì có thể xuất hiện những đợt bùng phát dịch bệnh tiếp theo, sẽ ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội.
Bởi vậy việc khoanh vùng, cách ly, xử lý y tế là rất cần thiết đồng thời qua sự việc này cần nâng cao ý thức trách nhiệm của các cán bộ y tế cũng như của người dân trong việc phòng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này", ông Cường nhấn mạnh.
Theo ông Cường, hành vi vi phạm về cách ly, cưỡng chế cách ly sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại điều 11, Nghị định 117/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế, cụ thể như sau:
Điều 11. Vi phạm quy định về cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không tổ chức cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế đối với trường hợp phải thực hiện việc cách ly y tế theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều này;
b) Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;
c) Không lập danh sách và theo dõi sức khỏe của những người tiếp xúc với người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế theo quy định của pháp luật.
2. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không tổ chức cách ly y tế đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;
b) Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu;
c) Cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế tại địa điểm không đủ điều kiện thực hiện cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế theo quy định của pháp luật.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế đối với hành vi quy định tại các điểm a, b khoản 1 và các điểm a, b khoản 2 Điều này.
Trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm về các biện pháp đảm bảo phòng dịch thì sẽ bị xử phạt theo điều 12 của nghị định này cụ thể như sau:
Điều 12. Vi phạm quy định về áp dụng biện pháp chống dịch
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế;
b) Không báo cáo với Ủy ban nhân dân hoặc cơ quan y tế dự phòng trên địa bàn về trường hợp mắc bệnh dịch theo quy định của pháp luật.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Che dấu tình trạng bệnh của mình hoặc của người khác khi mắc bệnh truyền nhiễm đã được công bố là có dịch;
b) Không thực hiện hoặc từ chối thực hiện biện pháp vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch;
c) Không tham gia chống dịch theo quyết định huy động của Ban Chỉ đạo chống dịch; ....
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận