Có quy định, xử lý xe trá hình vẫn gặp khó
Ông Nguyễn Công Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, hiện nay, số xe tuyến cố định là 17.419 xe, giảm đến 399 xe, trong khi đó, số lượng xe hợp đồng tăng hơn 232.000 phương tiện, gấp hơn 14 lần xe tuyến cố định. Đây là một thực trạng đáng lo ngại.
Các khách mời tại tọa đàm bàn giải pháp kiểm soát, xử lý xe dù, bến cóc, xe trá hình tuyến cố định.
Ông Nguyễn Văn Lập, Giám đốc Bến xe Nước Ngầm cho biết, số lượng xe hợp đồng lấn át xe tuyến cố định, điều quan trọng nhất hiện nay là công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra xử nghiêm các vi phạm của xe hợp đồng như: dừng đón trả khách, bán vé, gom khách lẻ...
"Các sai phạm này đã được cơ quan chức năng thấy rõ, nhưng tại sao không được xử lý đến nơi đến chốn?", ông Lập đặt câu hỏi và cho biết, qua những vụ việc hành khách bị hành hung khi đi xe trá hình, có thể thấy rõ những rủi ro mà người dân gặp phải khi sử dụng loại phương tiện này, nhưng cơ quan quản lý, lực lượng chức năng lại chưa thể xử lý triệt để.
Chia sẻ về khó khăn, Thiếu tá Trần Anh Tuấn, Phó trưởng Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cho rằng, khó khăn lớn nhất đó là số lượng xe hợp đồng quá lớn, trong khi địa bàn rộng mà lực lượng chức năng lại mỏng về quân số.
Bên cạnh đó, hạn chế trong ứng dụng công nghệ thông tin, chế tài xử lý chưa đảm bảo tính răn đe đã khiến nhiều đơn vị vận tải kinh doanh theo loại hình xe hợp đồng tìm mọi phương thức, thủ đoạn để né tránh cơ quan chức năng, trốn tránh khi bị xử lý.
Đồng quan điểm, ông Cao Văn Hiệp, Phó chánh Thanh tra, Sở GTVT Hà Nội cho biết, để chứng minh hành vi vi phạm của xe hợp đồng trá hình hay còn gọi là xe limousine lách luật hoạt động trái phép không dễ và mất nhiều thời gian.
Xử lý xe trá hình phải quyết liệt như xử lý nồng độ cồn
Ông Nguyễn Công Hùng cho biết, hiện đã có quy định phương tiện kinh doanh vận tải phải có thiết bị giám sát hành trình, do đó, khi các địa phương cấp phép hoạt động kinh doanh vận tải phải kiểm soát chặt dữ liệu từ thiết bị này, khai thác và nắm bắt được hoạt động của phương tiện, từ đó kịp thời phát hiện vi phạm và xử lý.
Ông Hùng cho rằng, xử lý vi phạm vận tải cần quyết liệt như xử lý vi phạm nồng độ cồn. Nếu kinh doanh vận tải mà không đổi biển số kinh doanh (biển màu vàng) hoàn toàn có thể khởi tố, quy trách nhiệm hình sự, thu hồi giấy phép.
"Cần quyết liệt thực hiện các giải pháp để lập lại trật tự kỷ cương, thu hút doanh nghiệp và hành khách vào bến. Hiện xe trá hình sai phạm rõ ràng nhưng không thể xử lý, điều này là không công bằng với các doanh nghiệp tuyến cố định", ông Hùng nhấn mạnh.
Phía lực lượng chức năng, ông Cao Văn Hiệp cho biết, tới đây, lực lượng TTGT sẽ có những đợt cao điểm thanh, kiểm tra, xử lý tình trạng này, để thực hiện mục tiêu chuyên đề triệt tiêu các điểm xe dù, bến cóc, đảm bảo sự bình đẳng cho các phương tiện vận tải trước mắt và lâu dài.
Phía CSGT, thiếu tá Trần Anh Tuấn cho rằng, cơ quan quản lý cần xem xét việc hạn chế số lượng cấp phép cho các doanh nghiệp vận tải, để họ có trách nhiệm hơn trong hoạt động.
Cùng đó là tăng cường tuyên truyền để người dân biết những tồn tại hạn chế của các loại hình vận tải không chính thống, từ đó có lựa chọn đúng đắn hơn khi sử dụng.
Đại diện cơ quan quản lý nhà nước, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó cục trưởng Cục Đường bộ VN cho biết, Bộ GTVT đang hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.
Khó khăn, vướng mắc từ khi thực hiện Luật Giao thông đường bộ 2008 đến nay đó là chưa có sự phân định rõ ràng giữa các loại hình kinh doanh vận tải.
Kỳ họp vào tháng 5 tới đây, dự kiến Quốc hội sẽ thông qua hai dự án Luật Trật tự an toàn giao thông và Luật Đường bộ, khi ban hành sẽ tạo hành lang pháp lý mới để điều chỉnh hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ.
Giao trách nhiệm xử lý xe dù, bến cóc cho người đứng đầu địa phương
Nói về việc xử lý xe dù, bến cóc, Thiếu tá Nguyễn Huy Hiệp, Phó trưởng Công an phường Mỹ Đình 2, Công an Quận Nam Từ Liêm cho biết, trong trách nhiệm và thẩm quyền của lực lượng công an phường, Công an phường Mỹ Đình 2 đã tham mưu cho công an quận báo cáo UBND quận thành lập các đoàn liên ngành, kiểm tra sâu tính pháp lý của các văn phòng đại diện các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn.
UBND quận Nam Từ Liêm đã có chỉ đạo thành lập đoàn liên ngành kiểm tra, tuy nhiên, việc xử lý rất hạn chế và đang gặp nhiều khó khăn do vướng mắc ở cơ chế pháp luật với từng lực lượng.
"Thanh tra giao thông chuyên xử lý các vấn đề xe hợp đồng trá hình, trong khi địa bàn rộng, lực lượng ít. Còn thẩm quyền của công an quận lại hạn chế nên không thể triển khai đồng bộ mà phải phối hợp với các lực lượng khác xử lý. Song, việc này lại không được thực hiện thường xuyên nên kết quả không được như ý muốn, nhất là với các loại hình vận tải mới xuất hiện", thiếu tá Hiệp cho biết.
Nhấn mạnh vai trò và trách nhiệm của địa phương rất quan trọng trong quản lý hoạt động vận tải, xử lý xe dù bến cóc, bởi lực lượng thanh tra giao thông không thể sát sao bằng địa phương, ông Lập cho rằng, cần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu địa phương về công tác quản lý vận tải trên địa bàn.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Tuyển, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT TP Hà Nội cho biết, để số lượng xe chọn chuyến lấn át xe tuyến cố định là điều cần phải xem lại, nhận diện được điều này, TP Hà Nội hiện đã giao trách nhiệm cho chính quyền địa phương trong xử lý xe dù, bến cóc, xe trá hình tuyến cố định.
"Mặt khác, cần có sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng để có tính răn đe hơn nữa, đơn cử như phối hợp với Bộ TT&TT để ngăn chặn các doanh nghiệp chào mời dịch vụ vận tải xe dù bến cóc trên mạng xã hội, internet", thiếu tá Trần Anh Tuấn chia sẻ thêm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận