Năm 2007, số người thiệt mạng vì tai nạn giao thông tại Việt Nam được thống kê là hơn 13.000 người. Đó là con số thực sự khủng khiếp. Những người ra đi vì tai nạn giao thông hầu hết đang trong độ tuổi lao động. Và đó là chưa kể tới những người bị thương, tàn phế, chấn thương sọ não nằm một chỗ không thể tự sinh hoạt mà phải có người khác hỗ trợ, phục vụ những sinh hoạt cá nhân tối thiểu nhất.
Có thể nói, hậu quả mà tai nạn giao thông gây ra đã vượt ngưỡng “chịu đựng” của Việt Nam khi đó.
Cần phải có 1 chế tài thực sự mạnh mẽ, quyết liệt để ngay lập tức kiềm chế, đẩy lùi vấn nạn này.
Và ngay từ đầu năm 2008, quy định bắt buộc mọi người khi điều khiển xe máy ra đường bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm đã được chính thức thực thi.
Tôi còn nhớ, thời điểm đó, đã có rất nhiều những ý kiến phản đối rất gay gắt, cực đoan xuất hiện trên nhiều diễn đàn.
Người ta lo ngại rằng, việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm sẽ làm hao tốn tiền của của người dân. Chẳng có lý do gì khi đi vài km hoặc chỉ đi từ nhà ra chợ nếu không đội mũ cũng bị xử lý. Và đây là điều luật khiến cho việc lạm dụng chức quyền, ăn tiền của người dân của một số cán bộ trong các lực lượng chức năng có điều kiện phát tác.
Nhưng với sự quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị, sự đồng lòng của truyền thông, quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đã có thể đi vào cuộc sống một cách gần như hoàn hảo.
Ngay trong năm 2008, quy định mới này đã lập tức phát huy tác dụng. Năm đó, con số người thiệt mạng vì tai nạn giao thông đã giảm được hơn 1900 người. Và cũng từ năm 2008, số người thiệt mạng, số người bị chấn thương sọ não do tai nạn cũng đã giảm dần.
Có thể khẳng định, quy định bắt buộc, tuyệt đối nói không với việc để đầu trần khi lái xe đã chính là liều thuốc cực đắng nhưng cực kỳ công hiệu.
Đến nay, thì người dân Việt Nam có thể nói đã chọn chiếc mũ bảo hiểm để làm bạn đồng hành, làm vật “hộ thân” mỗi khi ra đường.
Năm nay, 1/1/2020, một điều luật mới cũng đã chính thức có hiệu lực, đó là Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm nhất trong Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, đó là quy định nghiêm cấm hành vi điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Và cũng giống như năm 2008, rất nhiều những ý kiến phản đối, phản đối một cách gay gắt quy định này. Họ đưa ra nhiều lý lẽ, rằng đây sẽ là kẽ hở, là công cụ để lực lượng chức năng kiếm chác. Rằng sẽ có những người ăn hoa quả như vải, uống thuốc ho… cũng có thể bị xử lý vì sau khi ăn, hơi thở cũng sẽ có cồn.
Nhiều người cũng thể hiện quan điểm của mình trên mạng xã hội, thậm chí có những ý kiến rất tiêu cực, có những lời lẽ rất không hay ho về những người làm luật. Và họ hoàn toàn đã quên mất rằng, chỉ vài tuần trước, họ cũng đã lên mạng than khóc cho những nạn nhân kém may mắn bị mất mạng dưới bánh xe do những kẻ say xỉn cầm lái.
Điều đáng tiếc, một vài cơ quan báo chí đã hùa theo quan điểm này, thực hiện các thí nghiệm rất cảm tính trong các phóng sự để chứng minh việc người dân ăn vải, uống siro ho sẽ có thể bị xử lý vì hơi thở có cồn.
Những bài viết, phóng sự đưa tin phản biện chính sách nhưng lại được thực hiện một cách khá dễ dãi, thậm chí cẩu thả, đã được nhiều đối tượng sử dụng để lan truyền những thông điệp chống đối, điều hướng dư luận.
Tôi cho rằng, cách truyền thông đó là vội vàng, thiếu thận trọng, giống như cảnh trống đánh xuôi, kèn thổi ngược.
Lẽ ra, những người làm báo, ở trong những thời điểm quan trọng cần thể hiện rõ nét vai trò và chức năng của mình. Cụ thể ở đây, là thời điểm một điều Luật mới rất quan trọng, hết sức cần thiết, có thể giữ được mạng sống của nhiều người vừa được thực thi. Thay vì đi tìm kiếm những kẽ hở rất nhỏ để phản biện thì nên tuyên truyền để người dân hiểu, tuân thủ quy định mới.
Hoặc nếu có những bài phản biện trong đó có thực hiện những thí nghiệm thì cần được thực hiện công phu với nhiều đối tượng, nhiều thiết bị, nhiều thời gian và nên có sự tham vấn hoặc phải được thực hiện bởi những người có chuyên môn, có kinh nghiệm.
Báo chí, cần đóng vai trò là người đưa thông tin, tuyên truyền chứ không nên một mình đóng hai vai, vừa là nhà khoa học (nửa vời), vừa làm chức năng tuyên truyền. Đó là cách làm rất không hợp lý.
Những năm qua, đã có rất nhiều vụ tai nạn giao thông thương tâm do ma men cầm lái, cướp đi sinh mạng của rất nhiều người dân vô tội. Xã hội cũng đã lên án rất gay gắt vấn nạn sử dụng bia rượu vô tội vạ như hiện nay.
Nếu không phải bây giờ, thì đến khi nào chúng ta mới thực sự ngăn chặn được ma men? Nếu không cấm tuyệt đối, thì sẽ có rất nhiều những lý do để dân nhậu tiếp tục uống và rồi cầm lái, sẽ có rất nhiều những cách để thỏa hiệp, để nể nang. Đó là hiểm họa cho mạng sống của rất nhiều người vô tội khi bước chân ra đường, tham gia giao thông.
Đã đến lúc, không thể thỏa hiệp với ma men, không thể thỏa hiệp với vấn nạn sử dụng rượu bia bừa bãi.
Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ–CP quy định xử phạt trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đang rất cần thiết và phải được thực hiện nghiêm minh, quyết liệt nhất.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận