Phương tiện thi công nạo vét luồng hàng hải ở khu vực TP HCM. |
Công an mở các đợt cao điểm xử lý “cát tặc”
Tại hội nghị này, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nêu rõ, tính đến tháng 5/2017, cả nước có 824 mỏ cát, sỏi được cấp phép. Đến hết năm 2016, có 90 dự án nạo vét, khơi thông luồng hàng hải, đường thủy nội địa có tận thu sản phẩm cát được Bộ GTVT cấp phép. Các cơ quan có thẩm quyền đã cấp hơn 500 giấy phép bến bãi kinh doanh, tập kết, trung chuyển cát. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có hàng trăm bến bãi hoạt động tự phát.
Với tình hình khai thác cát như hiện nay thì nguồn tài nguyên này ở nước ta sẽ sớm cạn kiệt và gây ra tình trạng xói mòn, sạt lở bờ sông, làm thay đổi dòng chảy tự nhiên, thất thoát tài nguyên, tác động xấu đến các công trình ven bờ, gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của người dân sinh sống ở khu vực liền kề, mất an ninh trật tự, gây bức xúc trong nhân dân.
Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản, chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương tăng cường quản lý hoạt động khai thác cát, sỏi. Đồng thời, tăng cường các biện pháp phòng ngừa, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi. Trong 3 tháng đầu năm 2017, lực lượng công an đã xử lý 2.128 vụ, bằng 48% số vụ cả năm 2016; xử lý 749 đối tượng vi phạm, bằng 25% so với tổng số đối tượng của cả năm 2016; tịch thu 26 tàu thuyền hút cát, xử phạt 13,1 tỷ đồng, bằng 31% cả năm 2016.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Công an mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm trong lĩnh vực này, chỉ đạo công an các địa phương phối hợp với các cơ quan tăng cường kiểm tra, xử lý đối với các hoạt động khai thác cát trái phép, trường hợp vi phạm chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự. Bộ Công thương phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh cát trái phép.
Việc tạm dừng các dự án được cấp phép khiến doanh nghiệp rất lo lắng về việc hoàn thành tiến độ theo hợp đồng. Hàng trăm phương tiện, nhân công đang túc trực tại công trường cũng có tâm lý hoang mang, doanh nghiệp thiệt hại rất lớn khi dự án không triển khai được nhưng vẫn phải tốn chi phí để giữ nhân công, phương tiện. Quan trọng hơn, trong khi nhu cầu khơi thông luồng hàng hải ngày càng cấp thiết thì việc tạm dừng các dự án được cấp phép có thể ảnh hưởng đến tiến độ thi công và lâu dài là ảnh hưởng đến hoạt động giao thông bằng đường hàng hải của các tàu thuyền ra - vào cảng biển. Tính đến tháng 6/2017, Bộ GTVT đang tạm dừng thi công 9 dự án; chấm dứt thu hồi 16 dự án; đang xem xét thủ tục 12 dự án luồng tuyến hàng hải. Còn các dự án luồng tuyến đường thủy nội địa đã chấm dứt, thu hồi 48 dự án; đang xem xét thủ tục 2 dự án. Việc tạm dừng các dự án nạo vét, khơi thông luồng hàng hải, luồng đường thủy nội địa tận thu sản phẩm cát để bổ sung, hoàn thiện thủ tục theo quy định của pháp luật. |
Xã hội hóa nạo vét luồng hàng hải là cần thiết
Cũng tại hội nghị nói trên, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cho biết, hiện Bộ quản lý, khai thác 42 tuyến luồng hàng hải và các khu chuyển tải trong vùng nước cảng biển với chiều dài hơn 885km. Đây là các tuyến giao thông hàng hải huyết mạch nên hàng năm Nhà nước có trách nhiệm nạo vét, duy tu theo chuẩn tắc thiết kế để bảo đảm giao thông hàng hải với kinh phí dự kiến trên 1.000 tỷ đồng.
Dự án Lộ Tẻ - Rạch Sỏi đang trong giai đoạn thi công nền đường nhưng gặp khó khănvì giá cát tăng gần 200%. Ảnh Phan Tư |
“Tuy nhiên, do ngân sách chỉ bố trí được khoảng 600 - 700 tỷ đồng để thực hiện nạo vét từ 12 - 16 tuyến luồng quan trọng, không có kinh phí nạo vét các tuyến luồng khác. Nguồn ngân sách còn hạn chế do đó chủ trương xã hội hóa theo hình thức nạo vét thông luồng, kết hợp tận thu sản phẩm nạo vét, không sử dụng ngân sách là cần thiết”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công nói.
Tại cuộc họp, đại diện nhiều địa phương cũng cho biết, hiện nay nhiều đối tượng vẫn lén lút khai thác cát trái phép trên các tuyến sông Hồng, sông Đà, sông Lô, sông Thái Bình, sông Lai Vu, sông Mã, sông Lam, sông Hiếu, sông Trà Khúc, sông Hương, sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, sông Tiền, sông Hậu… Việc khai thác cát, sỏi trái phép chuyển sang thực hiện vào ban đêm, ngày lễ, ngày nghỉ. Có những trường hợp “cát tặc” đã sử dụng bạo lực đe dọa, đối phó với các lực lượng chức năng, tranh giành địa bàn, phương tiện để khai thác trái phép. Nguyên nhân được chỉ ra là công tác quản lý của các bộ, ngành, địa phương chưa thật quyết liệt, chưa hiệu quả, chặt chẽ, một số quy định còn bất cập, phân công trách nhiệm chưa rõ ràng, một số nơi buông lỏng, dư luận cho rằng có lợi ích nhóm, bao che cho các hoạt động khai thác cát, sỏi.
Nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và cơ quan có liên quan khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị định ban hành Quy chế quản lý hoạt động nạo vét, duy tu các tuyến luồng hàng hải, vùng nước cảng biển và đường thủy nội địa, trình Thủ tướng trước ngày 30/9/2017. Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xem xét, đánh giá tình trạng biển xâm thực, nghiên cứu, lập phương án sử dụng nguồn cát nhiễm mặn được thu hồi từ các dự án nạo vét để bồi đắp vào các khu vực bị biển xâm thực; tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn, phát triển bền vững khu vực bị ảnh hưởng từ việc khai thác cát.
Bộ TN&MT được giao sớm hoàn thiện Chỉ thị của Thủ tướng về nhiệm vụ, giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác cát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/7/2017. Đồng thời, khẩn trương ban hành văn bản quy định quản lý cát, sỏi lòng sông, bãi sông, quy định rõ thẩm quyền và trách nhiệm khi có vi phạm. Hướng dẫn các địa phương lập thăm dò, quy hoạch, khai thác cát, sỏi, khắc phục các bất cập hiện nay. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động nạo vét, khơi thông luồng, kết hợp thu hồi cát, đề xuất các biện pháp tăng cường quản lý dự án, nhất là dự án gây bức xúc dư luận nhân dân.
Có thể thấy, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương vào cuộc để xử lý nạn “cát tặc”, khai thác cát trái phép. Bởi, tình trạng khai thác cát trái phép gây hệ lụy đến thất thoát tài nguyên khoáng sản quốc gia, sạt lở ở nhiều khu vực. Đồng thời, cũng ảnh hưởng đến chủ trương lớn của Chính phủ trong việc kêu gọi xã hội hóa nạo vét, duy tu luồng hàng hải, khiến nhiều dự án có giấy phép thực hiện, được giám sát chặt chẽ cũng bị “vạ lây”. Chủ trương của Chính phủ là không cấm và dừng các dự án khai thác cát, nạo vét duy tu luồng hàng hải, đường thủy nội địa đã được các cơ quan chức năng cấp phép và giám sát chặt chẽ. Chỉ yêu cầu giám sát, xử lý nghiêm tình trạng khai thác cát trái phép, “cát tặc” đang lộng hành ở các địa phương. Vì vậy, đối với các dự án đã có giấy phép, thời gian qua thi công đảm bảo, có sự giám sát chặt chẽ rất cần sự đánh giá công tâm, khách quan của các cơ quan quản lý để sớm được khởi động lại.
Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận