Giai đoạn nước rút, tỷ lệ lắp đặt camera cả nước còn thấp 12 - 15%
Sáng nay (1/12), bà Phan Thị Thu Hiền - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN đã đi kiểm tra tiến độ triển khai lắp đặt camera theo quy định tại Nghị định 10.
Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ VN, Sở GTVT Hà Nội kiểm tra công tác lắp đặt camera giám sát trên xe buýt
Tại Công ty TNHH Du lịch dịch vụ xây dựng Bảo Yến, bà Hiền cho biết, hiện nay cả nước có khoảng hơn 208 nghìn phương tiện sẽ phải lắp camera theo quy định của Nghị định 10. Tuy nhiên, đến thời điểm này, tỷ lệ lắp đặt rất thấp mới chỉ tương đương 12 - 15%.
Theo ông Đào Việt Long - Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, trên địa bàn TP có trên 34 nghìn xe song tính đến tháng 10/2021 mới có 16 nghìn đơn vị vận tải thực hiện lắp camera giám sát (tương đương 17%) cho thấy tỷ lệ lắp đặt thấp so với số lượng phải lắp.
Nhấn mạnh có một số doanh nghiệp đang chần chừ, bà Hiền chỉ rõ nguyên nhân do phương tiện hoạt động chưa hết do dịch covid-19 nên vận tải hành khách, vận tải hàng hoá còn phải nghỉ nhiều do nhu cầu đi lại của hành khách chưa cao; thứ hai do tâm lý doanh nghiệp chờ đợi Chính phủ có điều chỉnh lùi thời hạn xử phạt hay không.
Đoàn kiểm tra theo dõi hoạt động vận tải khách qua hệ thống PGS
Ông Phạm Quang Cường - Phó giám đốc Công ty TNHH Du lịch dịch vụ xây dựng Bảo Yến báo cáo về tiến độ lắp đặt của cho biết, tỷ lệ lắp camera tại 5 loại xe cao gần 70%. Hiện còn khoảng gần 31% số xe chưa lắp đặt, hiện để đảm bảo các điều kiện kinh doanh vận tải theo quy định, doanh nghiệp đã ký hợp đồng với Công ty TNHH Phát triển công nghệ điện tử Bình Anh dự kiến đến 15/12 sẽ hoàn thành 100% theo quy định.
Cũng theo ông Cường, việc lắp camera giúp DN giám sát được hành vi lái xe không tuân thủ quy định về ATGT hay tự ý giao xe cho người khác, phòng chống dịch Covid-19.
Đánh giá cao việc chấp hành điều kiện kinh doanh của DN Bảo Yến, bà Hiền nói: Thực tế thiết bị camera không chỉ có tác dụng phục vụ cho công tác quản lý nhà nước mà còn phục vụ cho cả quá trình hoạt động của doanh nghiệp.
"Việc lắp đặt camera đối với doanh nghiệp là thực sự cần thiết. Chính vì vậy chúng tôi mong muốn doanh nghiệp tăng tốc độ lên lắp đặt đảm bảo theo đúng quy định", bà Hiền đề nghị.
Ông Hoàng Mạnh Cường - Phó giám đốc Công ty CP ô tô xe khách Hà Tây cho biết, hiện đơn vị đã lắp đặt được 22 phương tiện, còn lại 40 phương tiện. Dự kiến sẽ hoàn thành trước ngày 31/12/2021.
Tuy nhiên, theo ông Cường, việc lắp đặt một camera/ xe chi phí bỏ ra khoảng 5 - 6 triệu đồng. Do đó, doanh nghiệp mong muốn đến thời điểm lắp đặt, dịch bệnh còn phức tạp số xe chưa được hoạt động công suất 100%, mong được Hà Nội xem xét cho phép những xe nào hoạt động sẽ lắp đặt trước. Cùng đó, doanh nghiệp mong muốn, tích hợp giữa hệ thống GPS và camera là một để đỡ chi phí.
Doanh nghiệp thực hiện lắp camera theo quy định
Qua 31/12 sẽ xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm
Tỏ rõ quyết tâm yêu cầu DN hoàn thành việc lắp camera, ông Long cho hay Sở GTVT Hà Nội đã giao cho các Đội TTGT địa bàn đến từng doanh nghiệp để tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp triển khai lắp đặt. Cùng đó, Thanh tra Sở cũng có trách nhiệm xây dựng phương án tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
"Căn cứ vào xử lý của Thanh tra chúng tôi giao cho Phòng nghiệp vụ của Sở GTVT để tổ chức chấn chỉnh và xử lý trách nhiệm của các doanh nghiệp vận tải khi không thực hiện theo đúng quy định Nghị định của Chính phủ", ông Long khẳng định.
Đồng quan điểm, bà Hiên nói: Chính phủ đã cho lùi thời gian xử phạt do thời gian dịch bệnh khó khăn nhưng không thể tiếp tục lùi được nữa.
"Sau ngày 31/12/2021, nếu các doanh nghiệp chưa lắp đặt camera theo quy định chúng tôi sẽ yêu cầu các Sở ngành xử lý nghiêm. Đồng thời, lưu ý các doanh nghiệp điều quan trọng nhất sau khi lắp xong phải khai thác, ứng dụng duy trì quản lý hiệu quả", bà Hiền yêu cầu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận