Bộ trưởng Bộ GTVT, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Văn Thể: Cần xử lý những doanh nghiệp sản xuất MBH không đạt yêu cầu |
Giảm trên 15.000 người chết vì TNGT liên quan đến mũ bảo hiểm
Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người đi xe mô tô, xe gắn máy tại Việt Nam được Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức sáng nay (15/12), Bộ trưởng Bộ GTVT, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Văn Thể khẳng định, năm 2007, thực trạng TNGT ở Việt Nam hết sức nghiêm trọng, số người chết vì TNGT hơn 13.000 người. Vì vậy, Chính phủ xác định kéo giảm TNGT là vấn đề mang tính thời sự, cấp bách, là vấn nạn của quốc gia. Xuất phát từ thực trạng này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 32 về thực hiện ngay các giải pháp cấp bách kìm chế TNGT, giảm ùn tắc giao thông.
"Trước năm 2007, tuy đã có chủ trương đội mũ bảo hiểm (MBH) khi đi xe mô tô, xe gắn máy nhưng việc chấp hành chưa nghiêm. Khi nghị quyết 32 ra đời với quy định bắt buộc đội MBH đã nhận được sự đồng tình cao trong xã hội. Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát. Việc thực hiện thành công đội MBH đã tạo dấu ấn lớn đối với bạn bè quốc tế" - Bộ trưởng nói.
“Sau 10 năm thực hiện quy định bắt buộc đội MBH, đến nay hầu hết người dân đã chấp hành tốt, tại thành phố tỷ lệ đội đạt gần 100%. Ý thức của người dân tự bảo vệ mình đã được nâng cao. Kết quả này được thể hiện rõ ở kết quả 10 năm qua đã giảm được trên 15.300 người chết, giảm được trên 500.000 người bị thương. Bên cạnh đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ngày được hoàn thiện. Công tác tuần tra xử lý vi phạm được thực hiện nghiêm”, Bộ trưởng khẳng định.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, chính sách đã được điều chỉnh để thực hiện tốt hơn như phạt đối người ngồi sau không đội mũ. Tới đây đặc biệt cần nâng cao trách nhiệm của các doanh nghiệp sản xuất. Nếu bán ra thị trường loại mũ không đảm bảo chất lượng đã vô tình đưa người dân vào hoàn cảnh khó khăn, nếu xảy ra tai nạn hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.
Bộ trưởng khẳng định, đảm bảo ATGT phụ thuộc nhiều vào ý thức chủ quan, nếu không tập trung quyết liệt, bền bỉ, TNGT lại diễn biến phức tạp. Vì vậy, Bộ trưởng yêu cầu các cơ quan đơn vị đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo Chỉ thị thay thế Chỉ thị 32 của Chính phủ. Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân thực hiện nghiêm các quy định về an toàn giao thông để bảo vệ mình, bảo vệ xã hội. Cùng với đó, phải tăng cường tuân tra, kiểm soát, chấn chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh MBH. Chúng ta biểu dương những doanh nghiệp có sản phẩm tốt nhưng phải xử lý những doanh nghiệp sản xuất MBH không đạt yêu cầu. Hoàn chỉnh các quy định của pháp luật, nhất là Luật Giao thông đường bộ góp phần từng bước đẩy lùi TNGT.
Sau 10 năm thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm, tỷ lệ người tham gia giao thông đội mũ bảo hiểm cao nhưng vẫn còn tồn tại tình trạng sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm giả - (Ảnh minh họa) |
Mũ bảo hiểm giả còn nhức nhối
Cũng tại Hội nghị, nhiều đại biểu khẳng định, bên cạnh thành quả đã đạt được trong 10 năm qua thì một trong những vấn đề còn tồn tại là tình trạng MBH kém chất lượng.
Nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Hồ Nghĩa Dũng cho biết MBH không đạt chất lượng được bày bán tràn lan, công khai. Chúng ta chưa có chiến dịch truyền thông về vấn đề này.
"Tại sao thuốc ung thư giả, thực phẩm kém chất lượng lại gây bức xúc cho xã hội?", ông Dũng đặt câu hỏi. Ông Dũng cho rằng: MBH giả còn nguy hiểm hơn thuốc giả hay thực phẩm kém chất lượng nhưng lại không được chú ý. Cần phải xử lý người sản xuất đầu tiên. Người sản xuất thuốc giả bị truy tố nhưng người sản xuất MBH giả lại vô can. Cần có chiến dịch tuyên truyền, cưỡng chế, xử phạt về sản xuất MBH giả. Nếu không thì việc đội MBH chỉ mang tính chất hình thức.
TS Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y Tế Thế giới tại Việt Nam cho rằng, tuy tỉ lệ đội MBH nói chung vẫn duy trì ở mức 90%, nhưng số người đội mũ đúng cách, đảm bảo chất lượng chỉ đạt khoảng 70%. Một nghiên cứu của WHO năm 2013 cho thấy chỉ có 40% số MBH mới, có chứng nhận đạt tiêu chuẩn, vượt qua kiểm tra hấp thụ xung động. Tỉ lệ sử dụng MBH ở trẻ em, hiện mới chỉ duy trì được ở mức trên 50%. Quan sát tình hình đội MBH ở học sinh sử dụng xe đạp điện, xe máy điện còn cho thấy con số đáng lo ngại hơn với hơn 90% số học sinh này không đội MBH.
“Việt Nam cần xây dựng và triển khai chính sách đảm bảo ATGT tổng thể, trong đó cần xây dựng và áp dụng một hệ thống pháp luật toàn diện nhằm giải quyết những nguy cơ chính gây ATGT”, TS Kidong Park nói.
Thông tư không đủ mạnh để xử lý mũ giả?
Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng, văn bản quy phạm pháp luật về quản lý kinh doanh MBH có tính pháp lý cao nhất chỉ dừng ở cấp Thông tư liên tịch không giải quyết được triệt để các hành vi vi phạm, chưa có văn bản quy phạm pháp luật đủ mạnh để giải quyết các vấn đề còn tồn tại trong quá trình sản xuất, kinh doanh mặt hàng này.
“Số cơ sở sản xuất có khả năng chủ động sản xuất từ khâu đầu đến khâu cuối chỉ có khoảng 20/80 cơ sở, một số phải liên kết đầu tư thiết bị sản xuất, còn lại chủ yếu là các cơ sở nhỏ lẻ, không có địa chỉ rõ ràng, mua phụ kiện về lắp ráp từ rất nhiều nguồn khác nhau trên thị trường, vì vậy công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm rất khó khăn. Vẫn có hiện tượng một số cơ sở sản xuất cả MBH phù hợp quy chuẩn và mũ không phù hợp quy chuẩn”, ông Linh nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận