Hoạt động của xe Limousine tại sân bay Tân Sơn Nhất đi Vũng Tàu hiện nay khá phức tạp và cần chấn chỉnh |
Taxi dù manh động
Theo Cục Hàng không VN, tại một số CHK, sân bay thời gian qua có nhiều vụ việc hành khách đi tàu bay bị các đối tượng cò mồi, taxi dù lừa chiếm đoạt tài sản, nâng giá cước khi đi taxi, lăng mạ, hành hung nhân viên an ninh sân bay…
Điển hình, tháng 3/2018, đối tượng cò mồi chuyên nghiệp Nguyễn Đức Thuận (Thuận sứt) đã có hành vi chào mời khách tại nhà ga T2 sân bay Nội Bài rồi dẫn xe ô tô vào vị trí trụ số 13. Khi anh Nguyễn Văn Định, nhân viên an ninh hàng không ra lệnh dừng xe kiểm tra thì Thuận đã xuống xe, túm cổ áo anh Định giữ lại để tài xế lái ô tô bỏ chạy. Tháng 5/2018, đối tượng Đinh Văn Chung điều khiển taxi BKS 30E-759.02 đón khách trái phép tại nhà ga T2 sân bay quốc tế Nội Bài. Khi anh Đoàn Minh Nam, nhân viên an ninh hàng không phát hiện, ngăn chặn thì Chung cho xe đâm thẳng vào anh Nam làm anh này ngã về phía trước. Sau đó Chung lùi xe lại, tiếp tục đâm trực diện vào anh Nam, hất anh này lên nắp capo trước của taxi và điều khiển xe bỏ chạy.
Tình trạng taxi dù đã gây mất ANTT, làm ảnh hưởng quyền lợi của hành khách, uy tín ngành Hàng không và làm xấu hình ảnh đất nước con người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Các đối tượng cò mồi thường xuyên có mặt ở sân bay chủ yếu là người dân các xã, phường lân cận sân bay. Trong số này có những đối tượng cò tiền án, tiền sự. Taxi dù chủ yếu là những loại xe Toyota loại 5 chỗ, 7 chỗ không có logo, biển hiệu. Theo đại diện CHK quốc tế Nội Bài, có khoảng 140 xe dù đang hoạt động trái phép, các đối tượng tập trung chủ yếu tại các xã giáp ranh như: Mai Đình, Quang Tiến, Phú Cường, Phú Minh…
Ông Đào Đăng Thắng, Phó giám đốc CHK quốc tế Nội Bài cho biết, hiện có 2.000 xe taxi của 14 hãng hoạt động thường xuyên nhưng giá taxi về các trung tâm hoặc đi các địa phương khá cao nên nhiều hành khách chọn taxi dù. Trong khi đó, chỉ mới có 3 tuyến xe buýt trợ giá về trung tâm Hà Nội nên chưa đáp ứng được nhu cầu. Vì vậy, cần kiến nghị thành phố mở thêm nhiều tuyến xe buýt từ sân bay đi về các bến xe, tàu, khu đô thị và các địa phương, lúc đó sẽ góp phần hạn chế tình trạng taxi dù. “Cần xác định tình trạng cò mồi taxi, xe dù ở sân bay là một tệ nạn và phải vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chứ riêng lực lượng an ninh sân bay không xử lý được”, ông Thắng nói.
Xe vừa bắt lại được thả ra
Theo ông Nguyễn Tài Minh, Phó giám đốc CHK quốc tế Cam Ranh, có thực trạng taxi dù được “bảo trợ” bởi một số lực lượng chức năng địa phương. “Hiện có 17 xe taxi dù hoạt động thường xuyên tại sân bay Cam Ranh. Khi phát hiện taxi dù hoạt động bắt khách trái phép, chúng tôi lập hồ sơ chuyển qua cho công an địa phương xử lý nhưng nhiều khi không triệt để. Thậm chí, có khi chúng tôi vừa mới bắt thì đã có lãnh đạo địa phương điện xin thả. Rồi có trường hợp hôm nay mới bắt, đưa phương tiện về cho địa phương xử lý nhưng ngày mai lại thấy những xe này hoạt động trở lại”, ông Minh nói.
Thống kê của Cục Hàng không VN, trong 6 tháng đầu năm 2018 tại 4 CHK: Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, lực lượng an ninh phát hiện 66 trường hợp taxi dù chào mời khách sai quy định, 191 vụ khai thác khách sai quy định. Qua theo dõi cũng thấy tình trạng vi phạm có xu hướng tăng dần theo từng năm. Tại CHK quốc tế Tân Sơn Nhất, trong những năm qua hoạt động taxi đã được chấn chỉnh, nhưng gần đây các hãng xe hợp đồng, chủ yếu là tuyến Tân Sơn Nhất - Vũng Tàu, Đồng Nai hoạt động rầm rộ gây nên tình cảnh bát nháo. Nhiều nhân viên của các nhà xe này còn vào khu vực hạ cánh chèo kéo khách gây mất ANTT. Cảng vụ Hàng không miền Nam đã yêu cầu CHK quốc tế Tân Sơn Nhất có các biện pháp chấn chỉnh, tuy nhiên cũng còn gặp khó khăn do các xe đưa phương tiện vào khu vực bến bãi đỗ và trả tiền theo quy định nên không xử lý được.
Ông Đinh Việt Sơn, Phó cục trưởng Cục Hàng không VN nhận định, tình trạng taxi dù tại các CHK, sân bay thời gian qua rất phức tạp, ảnh hưởng đến uy tín của ngành và đất nước, yêu cầu các đơn vị phải tăng cường kiểm tra nội bộ, nếu có dấu hiệu của việc tiếp tay cho taxi dù phải xử lý, điều chuyển công việc. Các CHK cần tăng cường phối hợp với địa phương, kinh nghiệm tại Tân Sơn Nhất là thành lập tổ phản ứng nhanh bao gồm lực lượng sân bay, công an địa phương, CSGT… khi có sự việc gì, các đầu mối báo cáo lên group của nhóm để lãnh đạo các đơn vị nắm và xử lý kịp thời. Ông Sơn cũng đề nghị lãnh đạo CHK quốc tế Nội Bài xem lại việc lực lượng an ninh sân bay tham gia điều tiết hoạt động taxi có phù hợp không, nếu không phù hợp thì chuyển về các hãng tự điều tiết và an ninh sân bay chỉ giám sát, tránh điều tiếng không hay.
Về lâu dài, Cục Hàng không VN sẽ phối hợp với địa phương mở thêm xe buýt từ sân bay về trung tâm, các tỉnh để phục vụ hành khách thuận tiện. Xúc tiến thành lập đồn công an tại các sân bay như mô hình tại Tân Sơn Nhất, Nội Bài để kịp thời xử lý các sự việc xảy ra.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận