Tín dụng đen được ví như cơn bão càn quét từ thành thị tới nông thôn |
Ngoài ra, còn hàng nghìn vụ lừa đảo, cưỡng đoạt tài sản… liên quan tới hình thức tín dụng bất hợp pháp này.
Tại “Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị định 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và các giải pháp của ngành ngân hàng góp phần hạn chế tín dụng đen” ngày 26/12, ông Phạm Huyền Anh, Vụ phó Vụ Thanh tra Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trích dẫn con số khiến nhiều người giật mình: Toàn quốc đã có 7.624 vụ án liên quan đến tín dụng đen với 56 vụ giết người, 398 vụ cố ý gây thương tích, 629 vụ cướp tài sản, 836 vụ cưỡng đoạt tài sản, 1.809 vụ lừa đảo, 3.581 vụ lạm dụng tín nhiệm, 165 vụ hủy hoại tài sản… Trong đó, 170 vụ lừa đảo, lạm dụng liên quan đến việc huy động vốn lãi suất cao với số tiền hàng nghìn tỷ đồng, vỡ nợ dây chuyền đang được lực lượng cảnh sát hình sự điều tra.
Tuy nhiên, theo Phó cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an Phạm Văn Tám, đây là con số thống kê trong 4 năm trước. Còn riêng năm 2018 có tới 84 vụ giết người, 855 vụ cố ý gây thương tích, 105 vụ cướp tài sản, 1.309 vụ lừa đảo tài sản… liên quan tín dụng đen. Hiện nay, lực lượng cảnh sát hình sự đang theo dõi, quản lý 124 băng nhóm với 831 đối tượng hoạt động có tổ chức về lĩnh vực cho vay nặng lãi.
Qua đây, ông Phạm Văn Tám ví tín dụng đen như “cướp ngày”, như “cơn bão” càn quét trên khắp cả nước. Sau khi dạt từ các vùng thành thị về hoành hành ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hiện nay tín dụng đen đang lan rộng ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, lan sang các đặc khu mới như Phú Quốc, Vân Đồn… thậm chí, ngay trong các sới bạc là lực lượng công an vừa triệt phá. Các đối tượng cho vay tín dụng đen lách luật bằng cách không ghi lãi suất trong hợp đồng, gói vay rất ngắn chỉ theo ngày, tuần, 30 ngày, 41 ngày và không bao giờ cho vay dài như ngân hàng.
“Nếu hết hạn sẽ cộng lãi, góp vào. Nên có người vay ban đầu chỉ 5 hay 50 triệu đồng, vài tháng sau nợ gốc nợ lãi đã lên vài trăm triệu đồng, vài tỷ đồng. Có trường hợp nhà đang ở nhưng mang thế chấp vay tín dụng đen không trả được thành ra phải đi thuê lại nhà mình”, ông Tám nói.
Một thông tin đáng chú ý ông Tám đưa ra liên quan tới dữ liệu khách hàng, lực lượng công an phát hiện ra có gói dữ liệu hàng trăm khách hàng như trong vụ Công ty Tài chính Thăng Long được tuồn ra từ ngân hàng. Do đó, ông Tám đề nghị ngành ngân hàng phải giáo dục đạo đức, chính trị cán bộ trong ngành ngân hàng. Hay như quy trình thẩm định lãi suất vay từ ngân hàng đang “tiếp tay” cho đối tượng vi phạm.
“Chúng tôi đề nghị Thống đốc chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng, đối với các vụ án cho vay nặng lãi thì có địa phương yêu cầu giám định lãi suất nhưng ngân hàng làm rất lâu như vụ việc ở Thanh Hóa mất gần 2 tháng sau mới có kết luận về lãi suất. Đến khi thi hành lệnh bắt thì đối tượng đã trốn mất”, ông Tám nêu.
Trước đề nghị này, Phó thống đốc NHNN đã yêu cầu cơ quan thanh tra, giám sát của NHNN khẩn trương rà soát lại hoạt động của các công ty tài chính cho vay tiêu dùng, không để những đơn vị này tiếp tay cho xã hội đen cho vay nặng lãi. “Bộ luật Dân sự quy định quy định lãi suất tối đa là 20%/năm mà anh cho vay tới 50-60% là không chấp nhận được”. Thanh tra phát hiện nếu có đơn vị tiếp tay cho tín dụng đen sẽ bị xử phạt hành chính nặng hoặc rút giấy phép.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận