Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV TCT Đường sắt Việt Nam (bìa phải) báo cáo Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể tại hiện trường vụ hai tàu đâm nhau ở ga Núi Thành (Quảng Nam) - Ảnh: Xuân Huy |
Ông yêu cầu làm rõ nguyên nhân và tạm đình chỉ công tác các cán bộ liên quan đến việc để xảy ra các vụ tai nạn vừa qua.
Nguy cơ đã lường trước, sao vẫn để tai nạn xảy ra?
Mở đầu buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh vấn đề đảm bảo ATGT đường sắt đang hết sức cấp bách. “Ngay từ đầu năm 2018, khi tình hình đảm bảo ATGT đường sắt có nhiều dấu hiệu không tốt, tôi chủ trì họp, đã chỉ rõ dù chưa để xảy ra TNGT đường sắt nghiêm trọng nhưng nguy cơ tàu đối đầu nhau là có, nguy cơ TNGT liên quan đến phương tiện đường bộ cắt ngang đường sắt là hiển hiện.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cũng đã nhiều lần làm việc với TCT Đường sắt VN về vấn đề này. Vụ ATGT của Bộ cũng đã thường xuyên nắm bắt tình hình, nêu vấn đề, giải pháp và yêu cầu chấn chỉnh... Nhưng rồi tình hình đã hết sức phức tạp như hiện nay. Trong vòng 4 ngày xảy ra liên tục 4 vụ tai nạn nghiêm trọng”, Bộ trưởng nói và gay gắt đặt câu hỏi: Thời gian qua, TCT Đường sắt VN làm gì, Cục Đường sắt làm gì, Thanh tra Cục Đường sắt làm gì để đảm bảo ATGT? So với các loại hình vận tải khác, vận tải đường sắt còn rất yếu kém. Nếu không nâng chất lượng dịch vụ, không đảm bảo ATGT đường sắt thì ai sẽ đi tàu?
Từ vụ việc cụ thể này, Bộ trưởng yêu cầu cần làm rõ đâu là nguyên nhân khách quan, đâu là chủ quan, chỉ rõ sai ở đâu, liên quan đến những cá nhân cụ thể nào? Cơ quan, tổ chức nào đã thực hiện không đúng quy trình? Trách nhiệm của Cục Đường sắt đến đâu, trách nhiệm của HĐTV, Ban TGĐ TCT Đường sắt VN như thế nào?
Cuối cùng, Bộ trưởng nhấn mạnh: Mục tiêu lớn nhất của cuộc họp này là làm rõ giải pháp sắp tới là gì để đảm bảo ATGT đường sắt.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu TCT Đường sắt VN đình chỉ công tác ngay những cán bộ có liên quan trong việc để xảy ra tai nạn |
Truy rõ trách nhiệm từng cá nhân, đơn vị
Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch HĐTV TCT Đường sắt VN Vũ Anh Minh đã phân tích tình hình ATGT đường sắt trong năm 2017, 5 tháng đầu năm 2018, đề cập những nguyên nhân khách quan, chủ quan, các biện pháp đảm bảo ATGT đường sắt đã, đang và sẽ thực hiện…
Bốn kiến nghị đã được ông Minh gửi đến Ủy ban ATGT Quốc gia gồm tăng cường tuyên truyền, phát động xã hội hóa đảm bảo TTATGT; chỉ đạo cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm vi phạm; Chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua thực hiện quyết liệt quy chế phối hợp về đảm bảo ATGT tại các vị trí giao cắt…
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhận trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân về những yếu kém, sai sót của ngành Đường sắt trong thời gian qua, để liên tục xảy ra các vụ tai nạn nghiêm trọng và tương đối nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, tài sản. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng gửi lời xin lỗi chân thành tới các gia đình bị ảnh hưởng do TNGT, trong đó có các vụ TNGT đường sắt vừa xảy ra. |
Phía Bộ GTVT, ông Minh đề nghị tiếp tục nâng mức đầu tư ngân sách hàng năm cho quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt; Kiến nghị Thủ tướng sớm báo cáo Quốc hội thông qua việc dành 7 nghìn tỷ đồng từ nguồn dự phòng để thực hiện 4 dự án nâng cấp, cải tạo các công trình thiết yếu; Báo cáo Chính phủ sớm cân đối bố trí kinh phí thực hiện các hạng mục, dự án về lập lại hành lang ATGT đường bộ, đường sắt; Xây dựng hàng rào cách ly, đường gom để tiến tới xóa bỏ, giảm dần lối đi tự mở…
Cuối cùng, ông Minh cũng khẳng định, xin nhận trách nhiệm hoàn toàn và xin chịu mọi hình thức kỷ luật của Bộ GTVT.
Chưa đồng ý với báo cáo của ông Minh, Bộ trưởng Thể cho rằng: Hệ thống hạ tầng yếu kém rõ rồi. Những đề nghị về lâu dài tôi đồng ý hết. Nhưng giải pháp trước mắt là gì? Tình hình đang diễn biến phức tạp, đòi hỏi phải có những giải pháp cấp bách.
Tỏ rõ lo ngại về những ảnh hưởng tâm lý của đội ngũ công nhân gác chắn chưa thể yên tâm công tác sau những vụ việc dồn dập vừa qua, Bộ trưởng gợi ý: Rõ ràng trước mắt phải giải thích, ổn định tâm lý cho người lao động trên toàn hệ thống song song với việc quán triệt tinh thần, nêu bài học kinh nghiệm cho người lao động.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho rằng: “Giải pháp mà TCT Đường sắt VN đưa ra chưa đề cập được cụ thể cần làm gì, ở đâu. Trong 4 vụ tai nạn vừa xảy ra, vụ tại Thanh Hoá đã khởi tố vụ án, tạm giam nhân viên gác chắn nhưng người đứng đầu đơn vị này như thế nào? Theo tôi, phải tạm đình chỉ công tác người đứng đầu. Bình giảng vụ tai nạn. Mất mát là quá lớn nhưng bài học rút ra là gì, cần làm rõ”.
Ông Hùng cũng cho biết, Dự án hiện đại hóa Trung tâm Điều hành vận tải đường sắt triển khai chậm. “100 năm nay, đường sắt vẫn dùng thước và eke để kẻ biểu đồ chạy tàu. Chúng ta có dự án đã cả chục năm, có trung tâm điều hành, máy tính sẵn sàng rồi nhưng không hiểu vì sao không vận hành được. Chưa xong ở đâu, cần phải làm rõ. Vì dự án này nếu được khai thác sẽ rất tốt cho đường sắt trong tối ưu hóa biểu đồ chạy tàu”, ông Hùng thông tin.
Cho rằng vấn đề của đường sắt là tổ chức chưa khoa học, chưa hiệu quả, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhấn mạnh, đường sắt cần nghiêm túc xem vấn đề kỷ cương, kỷ luật, thực hiện chức năng nhiệm vụ như thế nào? “Kiểm tra vụ tai nạn xảy ra tại Thanh Hóa, dễ dàng nhận thấy đã có gác chắn tự động, hiện đại nhất rồi nhưng tai nạn vẫn xảy ra. Chứng tỏ vấn đề chính là ở con người”, Thứ trưởng Thọ nói và đồng tình: Để xảy ra vụ việc, trước tiên TCT Đường sắt VN cần đình chỉ người đứng đầu.
Nhấn mạnh làm thế nào để không xảy ra tai nạn nữa mới là quan trọng, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nói: Những giải pháp lâu dài đã bàn rất nhiều. Tại Hội nghị tổng kết 2017, triển khai kế hoạch 2018, chúng ta đều nhận định tai nạn, sự cố do nguyên nhân chủ quan ngày càng tăng.
“Đã nhận rõ được nguy cơ, sao vẫn chưa khắc phục và để xảy ra những vụ tai nạn đáng tiếc”, Thứ trưởng nói và nhấn mạnh: Bản thân TCT Đường sắt VN phải tự nhìn nhận, chấn chỉnh. Tôi sẽ tiếp tục làm việc với TCT Đường sắt VN, “mổ xẻ” từng vấn đề để đưa ra giải pháp cụ thể”, Thứ trưởng Đông nói.
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng yêu cầu TCT Đường sắt VN nghiêm túc kiểm điểm trong nội bộ TCT, từ Chủ tịch HĐTV đến cán bộ trong ngành; Rà soát, làm rõ nguyên nhân các vụ tai nạn, xem xét trách nhiệm từng cá nhân, đơn vị có liên quan.
Bộ trưởng cũng yêu cầu thành lập ngay Tổ công tác gồm thanh tra Bộ và các đơn vị có liên quan do Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông làm Tổ trưởng, chịu trách nhiệm tổng kiểm tra, rà soát, xem xét trách nhiệm của các cơ quan liên quan, đảm bảo khách quan minh bạch, đúng người, đúng tội.
“Trước mắt, cần tạm đình chỉ công tác những người liên quan trực tiếp tới các vụ tai nạn”, Bộ trưởng chỉ đạo.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng yêu cầu Thứ trưởng Đông cùng Cục Đường sắt VN, TCT Đường sắt VN và các đơn vị liên quan tổ chức họp trực tuyến với tất cả các địa phương có đường sắt đi qua, làm rõ trách nhiệm của Bộ, của địa phương trong việc quản lý đường ngang, lối đi tự mở cũng như phải làm xong gờ giảm tốc tại các đường ngang trong năm 2018.
TCT Đường sắt VN cũng cần tổ chức ngay Hội nghị trực tuyến tới tất cả các đơn vị, quán triệt các nội dung công việc, phát huy tinh thần trách nhiệm song song với việc nghiên cứu chế độ đãi ngộ hợp lý cho người lao động…
Yêu cầu TCT Đường sắt VN phải khẩn trương kết nối hệ thống camera, giám sát hoạt động trên tuyến đường sắt, Bộ trưởng cũng chỉ rõ việc xem xét lại hoạt động của Trung tâm cứu hộ cứu nạn các khu vực, Trung tâm Giám sát ATGT.
“Việc chạy tàu có thể chậm, có thể nhanh, nhưng trước hết phải an toàn”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận