Miệng hầm và lán trại được dựng tạm bợ phục vụ việc đào vàng. Ảnh: Tấn Việt |
Vụ 4 người vừa chết ngạt trong hầm vàng trái phép tại thôn Dung (thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, Quảng Nam) khiến người dân địa phương không khỏi bàng hoàng. Tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan để xử lý nghiêm.
Tai họa bất ngờ
“Mẹ ơi, ba đâu rồi?”- tiếng kêu ngơ ngác của cậu bé 5 tuổi, con thứ 2 của anh Nguyễn Kim Vui (SN 1988, trú thôn Dung, thị trấn Thạnh Mỹ), 1 trong 4 phu vàng vừa ngạt khí tử vong trong hầm vàng trái phép ở thôn Dung vào chiều 12/4 khiến những người thân của bé càng thêm quặn lòng. Trong phòng ngủ, chị Nguyễn Thị Hồng (SN 1986, vợ anh Vui) khóc như ngất lịm. Ở một góc nhà, ông Nguyễn Kim Quy (SN 1954, cha anh Vui) cũng thẫn thờ, chưa hết bàng hoàng với sự ra đi đột ngột của người con trai út.
Theo ông A Ho Thiết, trưởng thôn Dung, gia đình anh Vui thuộc diện hộ nghèo, năm nào cũng nhận hỗ trợ từ địa phương. Từ tiền điện, thực phẩm, hạt giống hay con giống tăng gia sản xuất địa phương đều hỗ trợ. Nhưng gia đình quá đông người, phần hỗ trợ không thấm tháp là bao. Phần anh Vui từ lúc cưới vợ, ai kêu gì làm nấy, cuộc sống luôn bí bách.
Trước ngày đại nạn xảy ra, vợ chồng anh Vui bàn nhau thuê quán cơm ngay thị trấn Thạnh Mỹ để buôn bán. Ngay ngày 12/4, anh nhận lời làm thuê tại hầm vàng với giá 100 nghìn đồng/ngày. Ai ngờ chuyến đào hầm đầu tiên đã gặp nạn. “Nghe thông báo đến nhận thi thể, cả nhà mới biết anh đi đào vàng thuê”, chị Hồng nghẹn ngào.
Ba nạn nhân khác cũng tử vong là Cút Văn Hiếu, Cút Văn Sơn, Cút Văn Nam (anh em ruột), là người dân tộc Khơ Mú tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Hiện thi thể 3 người này đã được đưa về quê nhà an táng. Một phu vàng khác bị thương là anh Cút Văn Dương hiện đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Bắc Quảng Nam.
Ngoài ra, hai người khác cùng tham gia đào vàng với các nạn nhân là Và Bá Nhia (SN 1993, dân tộc Mông, trú huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) và Cút Văn Hoàng (SN 1987, dân tộc Khơ Mú, trú huyện Kỳ Sơn) may mắn thoát chết. Hai người này hiện đang được Công an huyện Nam Giang lấy lời khai.
Chính quyền thụ động, không biết?
Trưa 13/4, PV Báo Giao thông có mặt tại hiện trường vụ ngạt khí. Khu vực hầm nằm sâu trong cánh rừng thuộc thôn Dung. Để di chuyển đến nơi, xe máy phải bỏ phía ngoài đồng, nhiều người dẫn nhau trèo lên lối mòn nhỏ vừa 2 bàn chân lên lưng chừng núi. Đến nơi, miệng hầm nằm lẩn khuất sau tảng đá lớn. Tại đây, 2 lán trại được dựng tạm bợ, 1 bếp củi cùng thức ăn vẫn còn trên đĩa, bên cạnh là máy phát điện. Ngoài ra còn có các đường dây điện truyền vào trong hầm. Điều này chứng tỏ hầm vàng tồn tại từ lâu.
Theo báo cáo của UBND huyện Nam Giang gửi UBND tỉnh Quảng Nam, khoảng 17h30 ngày 12/4, tại khu vực đồi phía sau khu dân cư tổ 5, thôn Dung xảy ra vụ ngạt khí làm 4 người chết, nhưng đến 19h cùng ngày, từ trình báo của 2 phu vàng thoát chết, UBND huyện Nam Giang mới biết thông tin. Đến khoảng 23h đêm 12/4, lực lượng cứu hộ mới đưa được thi thể các nạn nhân lên miệng hầm. |
Một người dân sống dưới chân núi cho biết, từ 2 năm trước đã có nhiều người từ Nghệ An vào đào vàng. Cứ khoảng 1- 2h sáng là lại nghe tiếng mìn nổ. Người dân cũng không biết trong hầm có gì, vàng hay chỉ là đá vôi. Tuy nhiên, theo ông A Lăng Mai, Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, phía UBND huyện chưa từng nhận báo cáo về việc xuất hiện 1 hầm lò trái phép tại thôn Dung. Sau khi sự việc đau lòng xảy ra, chính quyền địa phương mới biết.
Hiện chính quyền huyện Nam Giang đã quyết định hỗ trợ cho các nạn nhân 5 triệu đồng/người, 3 triệu đồng/ người bị thương. Chiều 13/4, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu đã có văn bản chỉ đạo các ngành chức năng khẩn trương làm rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân không kịp thời phát hiện, xử lý việc đào hầm trái phép dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như vụ việc đã nêu, đồng thời yêu cầu Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương điều tra, xử lý vụ việc theo quy định pháp luật.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận