Xã hội

Xử nghiêm xe cứu thương biển trắng lách chốt, chở người trái quy định

06/09/2021, 17:30

Đà Nẵng tăng cường kiểm soát xe cứu thương biển số trắng sau vụ chở 3 người từ TP.HCM, thông các chốt kiểm soát dịch vào thành phố.

Trốn khai báo y tế, đưa người từ vùng dịch vào Đà Nẵng

Mới đây, chiều 1/9, Tổ phòng chống Covid-19 cộng đồng tổ dân phố số 8 Mỹ Đa Tây 3 (phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) phát hiện xe cấp cứu chở 3 người dân từ quận 1 (TP.HCM) về nhà người thân ở đường Doãn Uẩn (phường Khuê Mỹ) nhưng không khai báo y tế tại các chốt kiểm soát và trung tâm y tế địa phương.

img

Hiện trường vụ TNGT giữa 2 xe cứu thương tại Đà Nẵng khiến một bệnh nhân tử vong vào chiều 24/8

Để trốn khai báo y tế và cách ly tập trung, xe dừng gần Trạm CSGT cửa ô Hòa Nhơn rồi sang 3 người lên xe cấp cứu BKS 43B - 055.43 của Công ty TNHH Home Care Tuấn Hoàng (23 Hoàng Trung Thông, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) để vượt các chốt kiểm soát dịch.

Theo Luật sư Mai Quốc Việt – Công ty Luật FDVN, việc xe cứu thương đưa người từ TP.HCM về Đà Nẵng nhưng trốn khai báo y tế là hành vi vi phạm “Đưa người, phương tiện không có nhiệm vụ vào ổ dịch tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch” được quy định tại điểm c, khoản 5, Điều 12, Nghị định 117/2020/NĐ-CP.

Trường hợp này có thể bị phạt hành chính đến 40 triệu đồng. Nếu làm lây lan dịch bệnh có thể bị xử lý hình sự với tội danh về “Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Trung tá Phạm Hồng Hải, Trạm trưởng Trạm CSGT cửa ô Hòa Nhơn - Phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng cho hay, xe cứu thương 43B - 055.43 chở 3 người từ vùng dịch về Đà Nẵng không đi qua chốt kiểm soát cửa ô.

“Tài xế là người địa phương, biết không thể qua chốt vì sẽ bị kiểm tra nên di chuyển lên đường tránh, chạy vào các chốt kiểm soát dịch địa phương. Các anh em ở chốt cơ sở khi thấy xe cấp cứu bật đèn, còi ưu tiên sẽ tạo điều kiện nhanh nhất cứu người. Còn tài xế lợi dụng sự hỗ trợ đó để đưa người từ vùng dịch vào thành phố”, Trung tá Hải nói.

Trạm trưởng CSGT cửa ô Hòa Nhơn cho biết thêm, tất cả phương tiện qua chốt cửa ô đều phải kiểm tra, ngay cả xe cứu thương.

“Lực lượng chức năng sẽ kiểm tra người trên xe cứu thương để xác định dịch tễ, người trên xe có phải đi cấp cứu hay không?. Việc này cũng chỉ mất 1-2 phút. Trường hợp bệnh nhân nặng, nguy cấp sẽ có lực lượng y tế tại chốt xác nhận để đi ngay, không để xe cứu thương lợi dụng đèn, còi ưu tiên để qua chốt cửa ô”, Trung tá Hải cho biết thêm.

Liên quan vụ việc, lãnh đạo Công an quận Ngũ Hành Sơn cho hay, đơn vị phối hợp với Công an quận Liên Chiểu điều tra việc những người này trốn tránh khai báo y tế, trốn cách ly, nguy cơ lây lan dịch bệnh trên địa bàn thành phố.

Cách nào quản lý xe cứu thương hoạt động bát nháo

Ghi nhận của PV Báo Giao thông, từ thời điểm Đà Nẵng phong tỏa (18/6) đến nay, xe cứu thương biển số trắng hoạt động, chạy khắp các tuyến đường thành phố, nhiều xe không làm nhiệm vụ cấp cứu vẫn bật đèn ưu tiên sáng choang, vượt đèn đỏ.

Mới đây, một xe cứu thương của Trung tâm Y tế quận Sơn Trà (TP Đà Nẵng) chở bệnh nhân 85 tuổi (là F1) đến Bệnh viện Đà Nẵng điều trị bệnh nền thì xảy ra tai nạn với xe cứu thương biển số trắng 43B - 055.25. Hậu quả bệnh nhân 85 tuổi tử vong, nữ điều dưỡng đi cùng bị thương nặng.

Một lãnh đạo Trung tâm Y tế quận Sơn Trà cho hay, trong khi xe của Trung tâm đang trực tiếp đi cứu người, giành giật sự sống từng giây, từng phút cho bệnh nhân thì xe cứu thương biển trắng không làm nhiệm vụ cứu người nhưng vào ngã ba, ngã tư không chú ý quan sát.

"Cũng như các phương tiện cá nhân khác, xe cứu thương không làm nhiệm vụ phải chú ý quan sát, hạn chế tốc độ khi qua nút giao. Vụ tai nạn ít nhiều gây ảnh hưởng tới việc cứu người”, lãnh đạo này cho biết.

Đại tá Phan Ngọc Truyền - Trưởng phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng thẳng thắn đánh giá, hiện nay tình trạng xe cứu thương lạm dụng sự ưu tiên chạy rất bát nháo, vi phạm luật giao thông và đã có hậu quả xảy ra.

Theo Đại tá Truyền, khi lực lượng chức năng dừng xe cứu thương kiểm tra sẽ có xung đột giữa lực lượng chức năng, tài xế và người nhà bệnh nhân. Kéo dài thời gian kiểm tra có thể gây nguy hiểm cho người bệnh trên xe, đặc biệt có trường hợp tài xế phản ứng thái quá.

“Trong quá trình xe chạy thì cũng chưa biết họ đang đi đón, hay chở người bệnh đến bệnh viện. Còn khi có thông tin đầy đủ, chính xác vi phạm như vụ xe chở người từ vùng dịch thì dễ dàng xử lý”, Đại tá Phan Ngọc Truyền cho hay.

Ông Lê Văn Trung - Giám đốc Sở GTVT TP Đà Nẵng, Giám đốc Sở GTVT kiêm Phó Ban ATGT TP Đà Nẵng cho biết, vừa có văn bản đề nghị Sở Y tế thành phố, UBND các quận, huyện, Phòng CSGT Công an thành phố chấn chỉnh hoạt động của các xe cứu thương, xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng xe cứu thương sai mục đích, lợi dụng quyền ưu tiên để phóng nhanh, vượt ẩu, vi phạm trật tự ATGT, gây TNGT.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.