Trước tình trạng chống đối, tấn công lực lượng làm nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19 ngày càng gia tăng, cơ quan chức năng đã thực hiện thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự để điều tra, truy tố, xét xử nhanh chóng các bị can phạm tội để giáo dục, răn đe.
Bị cáo Nguyễn Quang Duy tại phiên tòa
Xử nhanh, phạt mạnh
Sáng 1/9/2021, TAND huyện Mê Linh, TP Hà Nội đã tuyên phạt Đặng Văn Tình (SN 2003, trú xã Đạo Đức, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) mức án 42 tháng tù giam về tội “Chống và cố ý gây thương tích đối với người thi hành công vụ.”
Trước đó, khoảng 22h10 ngày 21/8/2021, tại chốt kiểm dịch xã Kim Hoa, huyện Mê Linh, Tình điều khiển xe máy, bịt biển kiểm soát, không chấp hành hiệu lệnh của tổ công tác mà điều khiển xe đâm vào Trung úy Lưu Trường Giang, cán bộ Công an huyện Mê Linh, khiến Trung uý Giang bị vỡ xương mâm gối chày trái, tỷ lệ thương tật 18%.
Chỉ 2 ngày sau đó, Công an huyện Mê Linh đã có quyết định khởi tố vụ án, bị can và 1 tuần sau, vụ việc được đưa ra xét xử.
Khoảng 16h30 ngày 31/7/2021, Nguyễn Quang Duy (30 tuổi, ngụ phường Phước Bình, TX Phước Long, tỉnh Bình Phước) điều khiển xe máy không đội MBH, lái xe bằng 1 tay (vì tay trái ôm 1 con gà), đeo khẩu trang không đúng cách đi đến chốt kiểm dịch thuộc khu Phước Sơn, phường Phước Bình.
Tại đây, khi ông Nguyễn Vũ Anh, cán bộ Công an phường Phước Bình yêu cầu Duy dừng xe, vào chốt để lập biên bản xử lý, Duy đã không chấp hành mà chửi, đấm ông Vũ Anh gây thương tích.
Ngày 3/8/2021, Cơ quan CSĐT Công an TX Phước Long khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt giam Duy về tội “Chống người thi hành công vụ”. Ngày 17/8/2021, vụ án được xét xử theo thủ tục rút gọn, Duy bị tuyên phạt 30 tháng tù giam.
Một vụ khác, khoảng 16h chiều 24/7, Phạm Văn Hiếu (SN 1987, trú ở xã Hòa An, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên) chạy xe máy tới ngã ba QL1A - QL25 ở thôn Ân Niên, xã Hòa An.
Lúc này, tổ kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 đề nghị Hiếu xuất trình giấy tờ và lý do ra đường, nhưng Hiếu đã chửi mắng, cầm đá đập vào dải phân cách rồi nằm lăn ra giữa đường, sau đó cầm MBH đập vào đầu một cán bộ trong tổ kiểm soát.
Ngay chiều 25/7, Công an huyện Phú Hoà có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Hiếu.
Ngày 26/7, Cơ quan CSĐT Công an huyện Phú Hòa đã có kết luận điều tra và ngày 27/7, Viện KSND huyện Phú Hòa đã có quyết định truy tố Hiếu về tội danh “chống người thi hành công vụ”. Ngày 30/7, vụ án được đưa ra xét xử, Hiếu bị tuyên phạt 9 tháng tù.
Áp dụng “thủ tục đặc biệt” của tố tụng hình sự
Các vụ án trên đã được điều tra, truy tố và xét xử theo “thủ tục đặc biệt” của tố tụng hình sự, là thủ tục rút gọn.
Thủ tục tố tụng rút gọn đã phát huy tác dụng tốt trong điều kiện hoàn cảnh dịch bệnh đặc biệt như hiện nay mà vẫn đảm bảo quyền và nghĩa vụ của bị can, bị cáo và người tiến hành tố tụng. Khoản 5, Điều 457 Bộ luật Tố tụng hình sự còn cho quyền bị can, bị cáo khiếu nại quyết định áp dụng thủ tục rút gọn nếu thấy quyền lợi của mình bị xâm phạm. Pháp luật cũng quy định đảm bảo quyền bào chữa của người bị áp dụng thủ tục rút gọn.
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội
Theo luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), thủ tục rút gọn được quy định trong Bộ luật Tố tụng Hình sự là một trình tự thủ tục tố tụng đặc biệt nhằm điều tra, truy tố, xét xử nhanh chóng những vụ án ít nghiêm trọng, người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang hoặc người đó tự thú; sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng; người phạm tội có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng…
“Áp dụng thủ tục rút gọn trong điều tra, xét xử vi phạm chống đối, tấn công lực lượng phòng chống dịch là đòi hỏi cấp thiết trong thời điểm tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và có dấu hiệu kéo dài, hoạt động tố tụng gặp nhiều trở ngại, nhiều vụ án phải tạm đình chỉ do đã quá thời hạn giải quyết”, luật sư Cường nhìn nhận.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, thực tế hiện nay có rất nhiều cá nhân tổ chức có hành vi cố tình vi phạm các quy định về phòng, chống Covid-19. Vì vậy, việc áp dụng thủ tục rút gọn là điều hết sức cần thiết để góp phần răn đe và phòng ngừa chung.
“Việc này nhằm giải quyết nhanh chóng để làm gương cho việc phòng ngừa tội phạm trong giai đoạn cấp thiết hiện nay. Việc áp dụng xét xử theo thủ tục rút gọn không chỉ phát huy được ưu điểm là tính kịp thời, cấp bách mà còn giảm tải đáng kể khối lượng công việc cho cơ quan tiến hành tố tụng, giúp tiết kiệm thời gian và kinh phí, Tạo điều kiện để có thể huy động nhân lực và vật lực vào mặt trận chống dịch. Đồng thời, thủ tục rút gọn vẫn đảm bảo tính răn đe, tính thượng tôn pháp luật”, luật sư Thơm cho hay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận