Nhiều ông lớn ngân hàng được triệu tập
Dự kiến, ngày 18/9, TAND cấp cao tại TP.HCM sẽ mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ ly hôn vợ chồng “vua” cà phê Trung Nguyên giữa bà Lê Hoàng Diệp Thảo (sinh năm 1973) và ông Đặng Lê Nguyên Vũ (sinh năm 1971, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn cà phê Trung Nguyên). Phiên tòa dự kiến kéo dài trong vòng 3 ngày, Hội đồng xét xử gồm 3 thẩm phán cao cấp là ông Nguyễn Hữu Ba, ông Trương Văn Bình và ông Phan Đức Phương.
Về phía nguyên đơn, đại diện cho bà Thảo có ông Đặng Ngọc Hoàng Hưng và ông Hoàng Anh Tuấn. Tại phiên phúc thẩm lần này, bà Thảo có 5 luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình là luật sư Lê Thành Kính, luật sư Lê Thị Hoài Giang, luật sư Đoàn Thị Hồng Trang, luật sư Phạm Công Hùng và luật sư Lê Thị Kim Liên.
Về phía bị đơn, đại diện ủy quyền cho ông Đặng Lê Nguyên Vũ có bà Lê Thị Ước (mẹ ông Vũ) và ông Nguyễn Chính. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Vũ có 3 luật sư: luật sư Trương Thị Hòa, Hoàng Hữu Nhân và luật sư Nguyễn Minh Tâm.
Được biết, TAND cấp cao cũng triệu tập các ngân hàng với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan như: Ngân hàng Thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank); Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB)...
Nhiều nút thắt cần được tháo gỡ
Trước đó, ngày 27/3, cấp sơ thẩm đã tuyên án vụ ly hôn, bà Thảo được quyền nuôi 4 người con, còn ông Vũ có nghĩa vụ cấp dưỡng số tiền nuôi 10 tỷ đồng/năm tính từ năm 2013 cho đến khi các con trưởng thành.
Đối với tài sản bất động sản, ông Vũ được giao quản lý 6 bất động sản trị giá khoảng 350 tỷ đồng. Bà Lê Hoàng Diệp Thảo được giao quyền sử dụng đất và tài sản của 7 bất động sản trị giá 375 tỷ đồng. Cổ phần tại Trung Nguyên và khối tài sản có giá trị khác khoảng 1.764 tỷ đồng được gửi tại các ngân hàng và cổ phần các công ty con, tòa phán quyết chia tỷ lệ 6:4 nghiêng về phía ông Vũ. 40% phần cổ phần bà Thảo nhận được toà cũng yêu cầu buộc bà Thảo chuyển giao ông Vũ để nhận bằng tiền mặt.
Sau bản án sơ thẩm, vợ chồng ông chủ cà phê Trung Nguyên đều có kháng cáo. Bà Thảo yêu cầu hủy bản án sơ thẩm, mong muốn được đoàn tụ cùng chồng. Bà không đồng ý với quan điểm của tòa về việc chia tài sản theo tỷ lệ 6/4, chuyển toàn bộ cổ phần đồng nghĩa giao quyền điều hành công ty cho ông Vũ.
Phía ông Vũ kháng cáo, yêu cầu tòa chia lại tài sản theo tỷ lệ 70% thuộc về mình với lý do ông đã đóng góp nhiều hơn cho Trung Nguyên, 30% phần bà Thảo.
Cơ quan VKSND TP.HCM cũng có bản kháng nghị toàn bộ bản án với 10 nội dung không đồng ý với cấp tòa cùng cấp. VKSND TP cho rằng bản án sơ thẩm tuyên không đầy đủ các quan điểm mà cơ quan công tố này nhận định tại phiên xử. Đặc biệt, đã có vi phạm tố tụng khi giải quyết yêu cầu phản tố của ông Vũ. Cụ thể, hồi 2015, bà Thảo lần đầu đệ đơn ly hôn. Đến giữa tháng 7/2016, ông Vũ có yêu cầu phản tố đòi phân chia tài sản gửi ngân hàng đứng tên bà Thảo.
Tuy nhiên, từ khi thụ lý yêu cầu này, thẩm phán giải quyết không đúng thủ tục yêu cầu phản tố như thủ tục khởi kiện của nguyên đơn. Điều này vi phạm điều 48, 202, 203, 208 và 210 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 .
Ngoài ra khoản tiền 1.765 tỷ đồng ở tại 3 ngân hàng do chủ tịch Tập đoàn cà phê Trung Nguyên cung cấp, tòa tuyên án chỉ còn số dư hơn 1.300 tỷ đồng. HĐXX chưa xác minh nguồn gốc và đường đi của dòng tiền, chưa đảm bảo việc phân chia tài sản chung cho đương sự, gây khó khăn cho việc thi hành án.
VKSND cũng cho rằng việc cấp TAND TP.HCM tuyên chia tài sản tỷ lệ 6/4 là không phù hợp Khoản 2, Điều 59, Luật Hôn nhân và gia đình. Đồng thời việc buộc bà Thảo chuyển giao toàn bộ cổ phần cho ông Vũ đổi lấy tiền mặt là không công bằng.
Vì cổ phần chưa được tính giá trị, giá trị thương hiệu, ngoài ra cổ đông còn có các quyền quản trị công ty, quyền tài sản đối với cổ phần, quyền được chia cổ tức, quyền về thông tin kiểm soát trong công ty.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận