Phải thừa nhận, việc ứng dụng khoa học công nghệ đảm bảo ATGT tại Việt Nam bước đầu có những kết quả nhất định. Đầu tiên là việc sử dụng phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ hiện đại vào tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm như: Máy bắn tốc độ có hình ảnh, thiết bị để kiểm tra nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế hay xây dựng, chia sẻ, kết nối cơ sở dữ liệu ATGT giữa Bộ Công an và Bộ GTVT.
Tuy vậy, nếu lấy mặt bằng của các quốc gia phát triển trên thế giới làm chuẩn thì Việt Nam vẫn có khoảng cách rất xa. Quá trình ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ trong điều hành, quản lý các vấn đề giao thông của Việt Nam mới chạm tới bước đầu. Việc sử dụng dữ liệu dữ liệu lớn (Big Data) chia sẻ giữa các ngành phục vụ công tác hoạch định chính sách, minh bạch trong hoạt động của cơ quan quản lý Nhà nước chưa đạt được hiệu quả cao nhất như mong muốn.
Tầm quan trọng của việc ứng dụng khoa học công nghệ trong đảm bảo ATGT là điều chúng ta không cần bàn cãi, nhưng việc triển khai đi vào thực tiễn là cả một quá trình dài, đòi hỏi nhiều yếu tố, đặc biệt là nguồn lực tài chính và con người; đồng thời phải được tổ chức thực hiện theo một chiến lược dài hơi.
Đơn cử, việc đầu tư lắp đặt hệ thống camera giám sát trên đường không chỉ đơn giản là lắp camera lên là có thể phát huy tính năng giám sát, mà nó là sự đầu tư cả một hệ thống xuyên suốt từ thiết bị, kết nối, bộ máy cán bộ, nhân viên đi theo. Đây là vấn đề khó, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang tinh giản biên chế, thu gọn bộ máy. Đó là lý do hiện nay, hệ thống camera thông minh mới được tổ chức thực hiện trên những tuyến trọng đường trọng điểm mà chưa thể nhân rộng.
Để giải quyết vấn đề kinh phí, nhiều nước trên thế giới đã rất thành công huy động nguồn xã hội hóa. Đơn cử tại Australia, họ cho phép doanh nghiệp đầu tư, lắp đặt và vận hành, bảo trì, bảo dưỡng hệ thống camera giám sát để phục vụ xử phạt. Nhà nước thuê lại hệ thống theo hình thức thuê công nghệ thông tin và lấy chính từ nguồn xử phạt vi phạm để sử dụng thuê dịch vụ đó.
Tại Việt Nam, với sự chuyển mình mạnh mẽ của các đơn vị sản xuất thiết bị giám sát giao thông thông minh, chúng ta hoàn toàn có thể đầu tư hệ thống giao thông thông minh, giám sát, xử lý vi phạm theo hình thức này. Nguồn thu từ xử phạt sẽ trả lại doanh nghiệp một phần, phần còn lại đưa vào ngân sách Nhà nước để tiếp tục tái đầu tư cho công tác bảo đảm ATGT. Tuy nhiên, đáng tiếc là hiện nay, chúng ta chưa có cơ chế thu hút doanh nghiệp tham gia lĩnh vực này. Trong điều kiện nguồn lực có hạn nếu việc ứng dụng khoa học còn phụ thuộc vào ngân sách nhà nước thì tốc độ hiện đại hóa trong đảm bảo trật tự ATGT ở nước ta sẽ còn chậm, việc quản lý phương tiện, người lái sẽ còn gặp nhiều khó khăn.
Ứng dụng khoa học công nghệ trong đời sống nói chung và đảm bảo ATGT nói riêng là một xu thế tất yếu không thể đảo ngược. Để thành công, cần phải được tiến hành với một bộ quy chuẩn hệ thống giao thông thông minh được thẩm định, đánh giá để các địa phương, đơn vị bám sát vào đó triển khai, đảm bảo được mục tiêu trước mắt nhưng không làm rò rỉ thông tin, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, bảo mật cá nhân.
Quan trọng hơn, nó phải đảm bảo được tính kế thừa, thiết bị cũ không bị lạc hậu, thiết bị mới có tính năng bổ sung, kết nối thành một thể thống nhất. Nếu không, sau khi thực hiện một thời gian, công nghệ lạc hậu, những công nghệ mới ra đời không tích hợp vào được hệ thống cũ, phải làm lại từ đầu sẽ rất lãng phí, khiến các cấp quản lý khó có được hệ cơ sở dữ liệu đầy đủ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận