Thể thao

“Xuân ấm” của gia đình người hùng thể thao Cao Ngọc Hùng

28/01/2017, 14:51
image

Với vợ chồng Cao Ngọc Hùng, đây là cái Tết vui nhất khi anh đã giành được một tấm HCĐ Paralympic.

HungHai4

Vợ chồng Hùng - Hải sẽ có một cái Tết đủ đầy.

Phía sau kỳ tích tại Paralympic của tuyển thủ điền kinh liệt chân Cao Ngọc Hùng chính là người vợ, người đồng nghiệp chung cảnh ngộ - Nguyễn Thị Hải. Hai người khuyết tật, bằng ý chí cùng sự bền bỉ phi thường của mình đã gây dựng nên một sự nghiệp đáng nể, cùng một tổ ấm điển hình của dân thể thao. Tấm HCĐ lịch sử mà Hùng giành được tại Rio, đã phần nào mang tới một “mùa xuân” mới cho gia đình anh.

Cuộc “phục thù” hoàn hảo

Cùng với Lê Văn Công (cử tạ), Võ Thanh Tùng (bơi), tuyển thủ ném lao liệt chân Cao Ngọc Hùng đã làm nên một kỳ Paralympic thành công ngoài sức tưởng tượng cho thể thao người khuyết tật Việt Nam. Tại sân ném lao Rio 2016, Cao Ngọc Hùng với chiều cao 1m66, nặng 65kg, trắng trẻo, thư sinh, lọt thỏm giữa hàng loạt đấu thủ vạm vỡ, gân guốc. Thế nhưng, anh đã khiến tất cả phải nể phục bởi sự tự tin, bền bỉ và khả năng phi thường của mình. Với một cú ném để đời, đạt mức 43,27 điểm tốt nhất kể từ  khi khởi nghiệp, Hùng đã mang về tấm HCĐ lịch sử cho điền kinh người khuyết tật Việt Nam sau hai thập kỷ tay trắng tại Paralympic.

Bước lên bục nhận huy chương, chàng trai quê Quảng Bình đã sung sướng, tự hào đến trào nước mắt. Đối với anh, đó không chỉ là món quà dành cho cậu con trai 1 tuổi đang chờ anh về làm thôi nôi, cũng không chỉ là chiếc huy chương “vợ chồng” khi mà vợ anh - VĐV điền kinh khuyết tật Nguyễn Thị Hải đã không được tham dự Paralympic, ở nhà chăm sóc hai con, đó còn là một cuộc “phục thù” hoàn hảo.

Bốn năm trước, ở Paralympic London, đáng lẽ anh đã có huy chương ở hạng F58 nhưng do thiếu VĐV, Ban tổ chức ghép F57 lên F58. Để bù cho sự khác biệt về thương tật, các VĐV F57 được cộng thêm một chiều dài nhất định vào thành tích của mình. Bởi thế, dù kết quả đứng thứ 3, song Hùng bị tụt xuống hạng tư một cách đầy nuối tiếc. Càng đáng nói hơn, chính ở kỳ Paralympic này, vợ anh cũng suýt đoạt HCĐ và khi đó hai người chưa yêu nhau.

Tổ ấm hạnh phúc trên hai đôi chân tật nguyền

Bị tàn tật ở chân từ nhỏ, 6 tuổi Hùng đã theo ba mẹ rời Hà Tĩnh vào Sài Gòn kiếm sống vì gia đình có quá đông anh em. Anh cũng chỉ học được đến lớp 9 thì phải nghỉ do điều kiện kinh tế không cho phép, nhất là khi mẹ anh lại bị tai biến nặng. Trên hành trình mưu sinh khốn khó ấy, anh được các thày chọn vào đội điền kinh người khuyết tật.

Còn Hải, cô gái Nghệ An cũng bị liệt chân từ năm 3 tuổi, rồi được một sơ thương tình đưa vào mái ấm An Bình (TP HCM). Ngã rẽ đến khi Hải được các thày khuyên nên tập thể thao. Ban đầu chị đăng ký môn bơi lội, nhưng không thích hợp nên đã chuyển sang tập luyện điền kinh. Lần đầu tiên lên SVĐ Thống Nhất, Hải gặp thày Đặng Văn Phúc, được thày cho tập thử môn ném đĩa, phóng lao và đẩy tạ rồi được tuyển luôn, dù lúc đó cô gái này chẳng biết gì về thể thao. 

Từ nhiều năm nay, Hùng còn tình nguyện hướng dẫn chơi thể thao cho các trẻ em khuyết tật,  bị thiểu năng miễn phí tại các quận, huyện. Trong đó, đội bóng đá thiểu năng, khuyết tật do anh tham gia dẫn dắt từng nhiều lần vô địch cấp thành phố.

Chồng là cao thủ ném lao, vợ thi đấu môn này cũng không kém. Thậm chí, nếu nói về bề dày thành tích và tổng số huy chương quốc tế, chị Hải còn nhỉnh hơn ông xã. Trước khi yêu nhau và nên duyên, Hùng và Hải từng có cả một thập kỷ sát cánh bên nhau trên sân điền kinh, thậm chí họ còn là một cặp chị em thân thiết.

Chị Hải thuộc lứa đàn chị vì nhiều hơn cậu em Cao Ngọc Hùng 5 tuổi. Mọi chuyện khởi nguồn khi Hùng ôm mối tình đơn phương, sâu lắng mà không kém phần nồng cháy. Hùng từng bị chị Hải thẳng thừng từ chối nhiều lần. Phải đến khi Hải đứng trước quyết định sang Anh lập nghiệp, còn Hùng rơi vào tình cảnh gần như tuyệt vọng. Số phận lại tạo cho họ một cơ hội để mãi mãi ở bên nhau trong một lần Hùng tỏ tình quyết liệt trước ngày Hải lên đường.

Cách đây 3 năm, hai người bước lên xe hoa về… nhà trọ. Dù còn nhiều vất vả, thiếu thốn, nhưng cuộc sống của họ luôn nhiều niềm vui, nhất là khi hai đứa con khỏe đẹp, lành lặn ra đời.

Tết vui nhất đời và những giấc mơ “khủng”

HungHai5

Gia đìnhCao Ngọc Hùng đi sắm Tết.

Với vợ chồng Cao Ngọc Hùng, đây là cái Tết vui nhất khi anh đã giành được một tấm HCĐ Paralympic. Vợ chồng anh cũng “mạnh dạn” sắm một chiếc TV to, một chiếc tủ lạnh mới, cũng như đầu tư một số vật dụng cần thiết cho hai con từ số tiền thưởng. Chị Hải bảo, mùa xuân về tới nhà mình từ sau cú ném lao quyết định của chồng tại Brasil cũng đúng, bởi kể từ đó cả nhà như tìm thấy một động lực và nguồn cảm hứng mới. Hùng từng nhiều lần nói đùa mà rất thật rằng, có lẽ Tết này chỉ ở nhà chơi với con thôi cũng đã đủ vui rồi.

“Sau mấy cái Tết buồn xa quê bởi điều kiện bó buộc, Tết này gia đình tôi đã chuẩn bị sẵn sàng về quê ăn Tết, với một hành trình qua cả quê nội ở Quảng Bình và quê ngoại tại Nghệ An. Người thân ở quê đang chờ đợi, còn chúng tôi đang náo nức cho cuộc trở về đặc biệt, với một tổ ấm qua 3 năm đã có 4 thành viên, hai vợ chồng cũng đã làm được điều gì đó”, chị Hải cho hay.

Mơ ước lớn mà vợ chồng Hùng - Hải luôn đau đáu là sẽ tiếp tục gắn bó lâu dài trên đỉnh cao với thể thao, mong một căn nhà nhỏ thay vì phải ở nhờ nhà chị gái và anh rể.

Hùng cho biết, anh mong muốn mở một quán phở do chính mình làm đầu bếp: “Ngày xưa, trước khi đến với thể thao, tôi mong sẽ trở thành một đầu bếp giỏi. Lúc còn phụ quán phở kiếm tiền, tôi đã học được cách nấu và khẳng định mình nấu ngon”. Trong khi đó, cô tuyển thủ kiêm dược sĩ bán thuốc Nguyễn Thị Hải lại mơ về một hiệu thuốc nhỏ của riêng mình.

Đó có thể là điều bình thường đối với người khác, song với vợ chồng Hùng- Hải, thực sự là những giấc mơ “khổng lồ” đòi hỏi quyết tâm và nỗ lực không ngừng nghỉ. Thế nhưng, với bộ đôi chiến thắng tật nguyền này, không có gì là không thể.

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.