Con đường bám dọc biên giới Việt - Trung không chỉ có ý nghĩa về quân sự mà còn là con đường ấm no, hạnh phúc cho hàng triệu đồng bào dân tộc vùng biên.
Con đường dệt mùa xuân
Cái được nhất của con đường bê tông vành đai biên giới là mỗi khi ai ốm đau cũng xuống bệnh viện huyện dễ dàng. Trường học đón được nhiều học sinh hơn, xe thu mua nông, lâm sản vào tận bản.
Đại úy Nguyễn Đức Thọ, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát biên phòng Đồng Văn (Đồn Biên phòng Hoành Mô, huyện Bình Liêu)
Từ thành phố địa đầu Móng Cái, chúng tôi chạy theo con đường thênh thang bám dọc biên giới Việt - Trung trải về phía Tây, đi qua các huyện Hải Hà, Bình Liêu của tỉnh Quảng Ninh. Đó là điểm bắt đầu của con đường tuần tra biên giới - con đường bê tông dài nhất trên đất liền viền quanh dải đất thiêng hình chữ S của Tổ quốc.
Vừa kết thúc ca tuần tra tại cột mốc 1327, Đại úy Nguyễn Đức Thọ, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát biên phòng Đồng Văn (Đồn Biên phòng Hoành Mô, huyện Bình Liêu) nhanh chóng điều khiển chiếc xe máy “công vụ” băng qua “thảm lụa” bê tông vành đai biên giới để về trạm.
Rất ngắn gọn và chi tiết, Đại úy Thọ báo cáo với Chỉ huy Đồn Biên phòng Hoành Mô: “Phía Trung Quốc vẫn đang thi công hàng rào bình thường và đang được anh em giám sát kỹ. Báo cáo hết”.
Theo Đại úy Thọ, khi một bên xây dựng công trình nào liên quan đến việc bảo vệ chủ quyền như cột mốc, hàng rào… đều được cả 2 bên giám sát.
Dẫn chúng tôi đi trên con đường tuần tra biên giới đến cột mốc 1322, các chiến sỹ biên phòng không giấu nổi niềm tự hào khi kể về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền ở vùng phên dậu của Tổ quốc. Theo lời họ kể, cuối những năm 1980, Đại tướng Phạm Văn Trà (nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) lúc bấy giờ đang là Tư lệnh Quân khu 3, thường xuyên đi kiểm tra tuyến biên giới Móng Cái, Bình Liêu nhìn thấy biên thùy miền Đông Bắc có nơi vào sâu 5 - 7km không có người ở, không có đường bám biên, chỉ có đường ngang xương cá, ông đã định hình nên ý tưởng, phải đưa dân ra bám biển, phải xây dựng một con đường tuần tra biên giới.
Từ những km đầu tiên ở Pò Hèn, Thán Phún, Lục Phủ (TP Móng Cái), giờ đây con đường biên giới đã và đang dần thành hình góp phần bảo đảm an ninh, chủ quyền và phát triển kinh tế cho các đồng bào dân tộc.
Thiếu tá Nguyễn Đức Hiệp, Phó chính trị viên, Đồn Biên phòng Hoành Mô (huyện Bình Liêu) cho biết, đường tuần tra biên giới có địa hình phức tạp, khó khăn vì yêu cầu số 1 khi xây dựng là phải bám sát biên giới quốc gia, trung bình cách đường biên 100m. Trường hợp đặc biệt được cách tối đa 1.000m.
Cuộc sống đổi thay
“Bây giờ đường tuần tra biên giới đã được bê tông hóa và dẫn đến tất cả các vị trí cột mốc. Khi nắm được thông tin trên thôn, bản nào có vấn đề gì về ANTT là cán bộ chiến sỹ của trạm cơ động rất nhanh. Sau 10-15 phút là có mặt ở những vị trí rất xa rồi, chứ không như ngày xưa mất hàng tiếng mới lên tới nơi. Anh em đi lại cũng đỡ vất vả hơn”, Thiếu tá Hiệp nói và cho biết, con đường còn phục vụ cho phát triển kinh tế ở địa phương.
Đứng tại chân cột mốc 1327 và nhìn toàn cảnh Bình Liêu mới thấy, con đường bê tông tuần tra biên giới tựa như sợi chỉ bện qua lưng núi, một bên núi cao, một bên thung lũng sâu thẳm.
Chúng tôi biết, nếu cứ đi mãi theo con đường trải rộng trước mặt, hành trình sẽ tới Lạng Sơn, Cao Bằng, hết Tây Bắc rồi song song với đường biên Việt - Lào, ngắm Tây Nguyên từ biên ải, theo mãi vào Nam bộ và kết thúc hành trình của mình tại Kiên Giang. Đó sẽ là hành trình trọn vẹn cho một con đường chủ quyền biên giới trên đất liền.
Những ngày Tết Canh Tý 2020 cũng là dịp kỷ niệm 100 năm thành lập huyện Bình Liêu nên đi đâu cũng thấy vẻ rạng ngời, hân hoan trên khuôn mặt người dân các dân tộc trên địa bàn.
“Bình Liêu giờ thay đổi nhiều lắm. Đường đất nhỏ hẹp tại các thôn, bản, khu phố đã được thay thế bằng đường trải nhựa, bê tông rộng rãi, đi lại vô cùng thuận lợi”, ông Hoàng Thế Xương (khu Bình An, thị trấn Bình Liêu) bộc bạch.
Đang tất bật thu gom mẻ thóc phơi giữa nhà, bà Tằng Thị Thanh (thôn Phiêng Chiểng, xã Đồng Tâm, huyện Bình Liêu) hào hứng nói: “Ngoài con đường biên giới được bê tông hóa, riêng thôn Phiêng Chiểng được đầu tư xây dựng các tuyến đường nông thôn và hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, gia đình tôi vì thế cũng không còn mang danh hộ nghèo”.
“Tất cả là nhờ có đường vành đai biên giới này đấy”, chị Chìu Nhì Múi (36 tuổi, bản Phai Lầu, xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu) cười nói với chúng tôi khi đang chuẩn bị đi lên đồi quế. Chị Múi cho biết: “Trước đây chỉ là đường mòn với cây cỏ xen sỏi đá, đi bộ còn khó huống gì xe máy, ô tô. Nay con đường đã được bê tông hóa, rộng thênh thang, xe tải nhỏ chở hàng vào đến tận bản nên ai cũng phấn khởi. Việc mua bán nông, lâm sản vừa thuận lợi, vừa được giá”, chị Múi nói.
Ấm tình dân quân miền biên ải
Đầu năm 2019, hưởng ứng mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng”, các chiến sỹ Đồn Biên phòng Hoành Mô đã vào tận các thôn, bản để tìm hiểu hoàn cảnh của mỗi gia đình. Khi thấy cháu Trần Tiến Hưng (7 tuổi, ở thôn Pắc Pộc, xã Hoành Mô) thuộc diện hộ nghèo khi bố mẹ Hưng không có việc làm ổn định, nhà đông con nên việc học hành của các cháu bị dang dở, Đồn Biên phòng Hoành Mô đã làm các thủ tục nhận Hưng làm con nuôi để chăm sóc, giáo dục.
Ngoài ra, Đồn Biên phòng Hoành Mô còn nhận đỡ đầu 14 cháu khác để thường xuyên hỗ trợ, giúp đỡ các cháu học tập và sinh hoạt đời sống.
Với Đại úy Nguyễn Đức Thọ, Tết Canh Tý 2020 là năm thứ 3 liên tiếp anh ở lại trực và ăn Tết cùng bà con miền biên ải Đông Bắc.
“Những nồi bánh chưng “đại đoàn kết dân tộc” sẽ được lính biên phòng và bà con dân bản chung tay nấu trước đêm Giao thừa”, Đại úy Thọ chia sẻ.
Thiếu tá Nguyễn Đức Hiệp cho biết, mấy năm gần đây, nhiều đoàn khám phá, du lịch cũng tìm đến biên giới đông hơn trước, con đường bê tông vành đai biên giới đã đưa người dân đến gần biên cương hơn, rồi chính đồng bào lại trở thành những “cột mốc sống”, những “người lính không mang quân hàm” gìn giữ từng tấc đất quê hương.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận