Tư vấn

Xuất hiện chiêu trò hỗ trợ cài đặt sinh trắc học để lừa đảo

02/07/2024, 14:24

Lợi dụng việc nhiều người dân gặp khó khăn trong quá trình cập nhật thông tin, xác thực sinh trắc học, nhóm tội phạm này xuất hiện hỗ trợ nhằm lừa tiền.

Một số ngân hàng lớn như ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank)... vừa phát đi cảnh báo về hình thức lừa đảo mạo danh nhân viên ngân hàng hỗ trợ cập nhật sinh trắc học nhằm đánh cắp thông tin dịch vụ ngân hàng.

Trước đó, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, từ ngày 1/7, tất cả các giao dịch chuyển tiền trực tuyến hơn 10 triệu đồng/lần hoặc lũy kế hơn 20 triệu đồng/ngày buộc phải xác thực sinh trắc học (khuôn mặt, vân tay).

Xuất hiện chiêu trò hỗ trợ cài đặt sinh trắc học để lừa đảo- Ảnh 1.

Các ngân hàng lớn vừa phát đi cảnh báo về hình thức lừa đảo mạo danh nhân viên ngân hàng hỗ trợ cập nhật sinh trắc học nhằm đánh cắp thông tin dịch vụ ngân hàng (Ảnh minh họa).

Để hỗ trợ cho việc xác thực, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản hướng dẫn người dân thực hiện các thao tác xác thực sinh trắc. Các ngân hàng cũng có thông báo, hướng dẫn để người dân dễ dàng thao tác xác thực sinh trắc khuôn mặt. 

Tuy nhiên trong ngày đầu tiên áp dụng quy định việc xác thực sinh trắc học vẫn còn những khó khăn, ở một số ứng dụng ngân hàng, mặc dù người dùng đã thử nhiều lần vẫn chưa thực hiện thành công.

Lợi dụng tình huống một số khách hàng gặp khó khăn trong quá trình thao tác cập nhật thông tin sinh trắc học, các đối tượng lừa đảo đã giả danh nhân viên ngân hàng này, liên hệ khách hàng đề nghị "hỗ trợ" cài đặt sinh trắc học nhằm chiếm đoạt tài sản, thông tin…

Theo đó, một số cách thức lừa đảo phổ biến đang được các đối tượng thực hiện là: Gọi điện, nhắn tin, kết bạn qua các mạng xã hội (Zalo, Facebook,…) của khách hàng để hướng dẫn thu thập thông tin sinh trắc học.

Đối tượng lừa đảo còn lập nick gây nhầm lẫn như "Nhân viên ngân hàng", "Hỗ trợ khách hàng"... và trà trộn tương tác với những bình luận của khách hàng dưới các bài đăng trên trang mạng xã hội chính thức của ngân hàng. Sau khi đề nghị khách hàng liên hệ bằng cách  nhắn tin riêng (inbox) nhằm dẫn dụ họ thông tin về dịch vụ ngân hàng.

Sau đó, chúng yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, hình ảnh căn cước công dân, hình ảnh khuôn mặt… để được hỗ trợ. Thậm chí, đối tượng có thể yêu cầu cuộc gọi video để thu thập thêm giọng nói, cử chỉ...

Xuất hiện chiêu trò hỗ trợ cài đặt sinh trắc học để lừa đảo- Ảnh 2.

Các ngân hàng khuyến cáo, khách hàng chỉ thực hiện cập nhật thông tin sinh trắc học qua ứng dụng ngân hàng.

Tiếp đến, kẻ gian đề nghị khách hàng truy cập đường link lạ để tải và cài đặt ứng dụng hỗ trợ thu thập sinh trắc học trên điện thoại… Sau khi lấy được thông tin, các đối tượng sẽ tiến hành chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng của khách hàng.

Phía ngân hàng Vietcombank khẳng định ngân hàng không yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân qua các kênh như gọi điện, nhắn tin SMS, email, phần mềm chat (Zalo, Viber, Facebook messenger…). 

Vì vậy, khách hàng tuyệt đối không bấm vào đường link hay cung cấp thông tin bảo mật tài khoản, dịch vụ ngân hàng số (tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP), dịch vụ thẻ (số thẻ, mã OTP), thông tin tài khoản hay bất cứ thông tin bảo mật dịch vụ ngân hàng, thông tin cá nhân nào khác.

Vietcombank cũng khuyến cáo khách hàng không chia sẻ các thông tin cá nhân, thông tin dịch vụ ngân hàng, thông bị đối tượng lừa đảo lợi dụng nhằm chiếm đoạt tiền.

Thời điểm hiện tại, các ngân hàng cũng khuyến cáo, khách hàng chỉ thực hiện cập nhật thông tin sinh trắc học qua ứng dụng ngân hàng, tuyệt đối không cập nhật qua bất kỳ trang web hay ứng dụng nào khác để tránh rủi ro giả mạo, lừa đảo. Nếu không tự thao tác được, người dân có thể đến các quầy giao dịch của ngân hàng để được hỗ trợ trực tiếp.

Trước đó, Bộ Công an cũng khuyến cáo người dân không cung cấp dữ liệu cá nhân, mã OTP, không bấm vào đường link hay tải ứng dụng theo yêu cầu của người lạ, không mua bán, trao đổi, cho thuê, mượn tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, giấy tờ tùy thân; cài đặt bảo mật hai lớp và hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân lên mạng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.