Gần đây, Khoa Hồi sức truyền nhiễm, Viện Lâm sàng các bệnh Truyền nhiễm, BV TƯ Quân đội 108 đã tiếp nhận một số bệnh nhân nhiễm trùng máu do vi khuẩn Vibrio vulnificus (V. vulnificus). Bệnh diễn biến rất nặng, nhanh chóng xuất hiện sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, có tỷ lệ tử vong cao.
Điển hình là bệnh nhân Nguyễn Văn Đ. (sinh năm 1961, đến từ Huyện An Dương, TP. Hải Phòng), có tiền sử bệnh gan do uống rượu nhiều, trước đó có ăn hải sản chưa được nấu chín kỹ, nhập viện ngày 30/6 (ngày thứ nhất của bệnh) trong tình trạng đau bụng vùng thượng vị và quanh rốn, nôn và tiêu chảy nhiều lần kèm sốt cao 39-40 độ C.
Sau vài giờ bệnh nhân nhanh chóng rơi vào tình trạng sốc nhiễm khuẩn, suy đa phủ tạng (hôn mê, suy hô hấp, tuần hoàn, gan, thận, rối loạn đông máu và chuyển hóa nặng), kèm theo tình trạng nổi ban phỏng nước, xuất huyết, hoại tử diện rộng da, cân, cơ vùng tứ chi; Cấy khuẩn 2 mẫu máu đều dương tính với V. vulnificus. Mặc dù đã được điều trị kháng sinh mạnh ngay từ đầu, thở máy, lọc máu liên tục, thuốc vận mạch nâng huyết áp và các biện pháp điều trị hồi sức tích cực khác nhưng bệnh vẫn nặng lên nhanh chóng, tiên lượng tử vong, gia đình xin cho bệnh nhân về sau 4 ngày điều trị.
Theo BS.TS. Vũ Viết Sáng, Khoa Hồi sức truyền nhiễm, BV TWQĐ 108 V. vulnificus là vi khuẩn sống tự do trong nước biển hoặc nước lợ (vùng cửa sông) hoặc kí sinh trong các loài thủy sinh có vỏ như tôm, hàu… Vi khuẩn này có thể gây hoại tử cân cơ rất nhanh, do đó còn được gọi là “vi khuẩn ăn thịt người”. Nguy hiểm hơn, bệnh nhiễm trùng máu do V. vulnificus gây tử vong cao, lên đến 50%, thậm chí 90% nếu bệnh nhân có sốc nhiễm khuẩn tụt huyết áp tại thời điểm nhập viện và thường tử vong trong vòng 48 giờ mặc dù được điều trị tích cực. Vi khuẩn sinh ra nhiều độc tố gây độc tế bào và phá hủy tế bào cơ thể người …
BS. Sáng cho biết thêm, nguy cơ cao lây nhiễm bệnh do ăn hải sản sống hoặc nấu chưa kĩ, đặc biệt là hàu. Một thống kê 180 bệnh nhân nhiễm trùng do V. vulnificus cho thấy có 92,8% bệnh nhân có ăn hàu sống trong vòng hai ngày trước đó. Thời gian ủ bệnh là 3 tiếng – 6 ngày. Hoặc bị vết thương khi tham gia các hoạt động trên biển, như bơi lội, câu cá, cầm nắm hải sản. Đã có trường hợp bị nhiễm qua những vết thương rất nhỏ, như vết đâm bởi đuôi con tôm, vỏ hàu khi tắm biển. Ngoài ra, nhiễm trùng có thể xảy ra khi phơi nhiễm vết thương có từ trước với vi khuẩn V. vulnificus.
Tất cả mọi người đều có thể bị mắc bệnh theo cơ chế lây bệnh kể trên. Tuy nhiên, có những nhóm người dễ bị mắc bệnh hơn, bao gồm: Nghiện rượu; Bệnh gan mạn tính: viêm gan, xơ gan; Tan máu bẩm sinh; Suy giảm sức đề kháng, như đái tháo đường, suy thận mạn, u lympho; Đặc biệt là nam giới tuổi cao dễ mắc bệnh hơn nữ giới.
Để phòng tránh, BS. BS. Nguyễn Sỹ Thấu khuyến cáo: "Người dân không ăn hải sản chưa được nấu chín; Tránh bị thương khi tham gia các hoạt động có nguy cơ tiếp xúc vết thương với vi khuẩn, như: Tắm biển, câu cá biển, đánh bắt và chế biến hải sản… Nếu có vết thương hãy thận trọng khi tiếp xúc với nước biển, nước lợ, hải sản sống. Đồng thời cần khám tại các cơ sở y tế sớm khi có các biểu hiện đường tiêu hóa, sưng nóng đỏ đau tại vết thương, đau và/hoặc nổi ban, bọng nước ở chân tay sau khi nghi ngờ có tiếp xúc với nguồn bệnh".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận