Ngày 1/5, tập đoàn năng lượng quốc doanh của Nga Gazprom cho biết xuất khẩu khí đốt từ Nga sang Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm 2022 đã tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu khí đốt từ Nga sang Trung Quốc được thực hiện qua đường ống mang tên "Sức mạnh Siberia" theo hợp đồng giữa Gazprom và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc.
Trong khi đó, bất đồng giữa Nga với phương Tây liên quan tới chiến dịch quân sự của Moscow tại Ukraine đã khiến lượng khí đốt Nga xuất khẩu sang các nước ngoài Liên Xô cũ giảm 26,9% từ đầu năm. Trong 4 tháng qua, lượng khí đốt Nga xuất sang các quốc gia này là 50,1 tỷ m3.
Ảnh minh họa. Ảnh - Getty
Bên cạnh đó, thêm một quốc gia châu Âu khác là Phần Lan có thể ngưng nhập khẩu khí đốt Nga khi truyền thông nước này đưa tin Chính phủ và các công ty tại Phần Lan đang chuẩn bị cho khả năng bị cắt nguồn cung khí đốt từ Nga.
Hãng tin Phần Lan Helsingin Sanomat dẫn lời các nguồn tin cho hay Gazprom đã đặt thời hạn cho Chính phủ Phần Lan tới 20/5 để đưa ra quyết định cuối cùng về việc liệu có chấp thuận thanh toán khí đốt Nga bằng đồng ruble hay không.
Ngày 28/4, Bộ trưởng các vấn đề châu Âu của Phần Lan Tytti Tuppurainen lên án yêu cầu này từ phía Nga, cho biết Phần Lan sẽ không chấp thuận trước hành động mang tính “tống tiền” của Moscow. Bà Tuppurainen cho biết công ty năng lượng Gasum của Phần Lan sẽ thanh toán theo các thỏa thuận trước đó với Nga.
“Chúng tôi sẽ không thanh toán bằng đồng ruble. Các công ty có quyền thực hiện dựa trên hợp đồng đã ký với đối tác Nga”, bà Tuppurainen nói.
Helsingin Sanomat đưa tin dòng chảy khí đốt từ Nga tới Phần Lan và đa số các đối tác khác tại châu Âu sẽ ngừng vào 21/5, bởi Gazprom đặt chung một thời hạn ra quyết định cho nhiều quốc gia.
Không giống một số quốc gia ở trung và đông Âu, Phần Lan phụ thuộc khá ít vào nguồn cung khí đốt từ Nga. Khí đốt chỉ chiếm 5% tổng lượng năng lượng tiêu thụ năm 2021 tại Phần Lan. Chính phủ nước này cũng có các biện pháp khẩn cấp để cung cấp năng lượng cho các hộ gia đình sử dụng khí đốt.
Theo Helsingin Sanomat, các doanh nghiệp sử dụng khí đốt làm nguyên liệu thô như các công ty hóa chất, gia công gỗ sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn nếu nguồn cung khí đốt bị cắt. Tuy nhiên, thời gian qua, các doanh nghiệp này đã có nhiều bước chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ nhất.
Doanh nghiệp lọc dầu Neste đã thử nghiệm thay thế khí đốt bằng khí propan. CEO Neste - ông Peter Vanacker tin tưởng rằng doanh nghiệp có thể xử lý tốt trong trường hợp nguồn cung khí đốt bị cắt.
Trước Phần Lan, Gazprom đã thông báo ngừng xuất khẩu khí đốt sang Ba Lan và Bulgaria sau khi hai quốc gia này từ chối thanh toán bằng đồng ruble.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận