Thị trường

Xuất khẩu ngành nông nghiệp lập kỷ lục, còn nhiều dư địa bứt phá

29/12/2021, 12:09

Năm 2021 kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản ước đạt mức cao kỷ lục 48,6 tỷ USD, tăng gần 15% so với năm trước, vượt mức đề ra 4,6 tỷ USD.

Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt mốc kỷ lục 48,6 tỷ USD

Phát biểu tại Hội nghị “Tổng kết Ngành Nông nghiệp năm 2021 và Triển khai Kế hoạch năm 2022” diễn ra hôm nay 29/12, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến cho biết, năm 2021 kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản ước đạt mức cao kỷ lục 48,6 tỷ USD, tăng gần 15% so với năm trước, vượt mục tiêu đề ra 4,6 tỷ USD.

Trong đó, nông sản chính ước đạt 21,49 tỷ USD (tăng 13,5%); lâm sản chính 15,96 tỷ USD (tăng 20,7%); thủy sản trên 8,89 tỷ USD (tăng 5,6%); chăn nuôi 434 triệu USD (tăng 2,1%).

img

Xuất khẩu ngành nông nghiệp tăng gần 15% so với năm trước, vượt mục tiêu đề ra 4,6 tỷ USD

Đáng chú ý, năm 2021, tiếp tục có 10 nhóm mặt hàng chủ lực của ngành nông nghiệp có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Năm nay, giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp tăng 2,85-2,9%.

Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết, thời gian tới, ngành NN&PTNT xác định từng bước chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp từ Trung ương đến địa phương; tập trung thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, coi đây là giải pháp đột phá tạo động lực mới cho tăng trưởng, phát triển ngành.

Bộ NN&PTNT cũng sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng khác để phân tích, đánh giá, dự báo thị trường trong và sau dịch bệnh, từ đó đề ra giải pháp ứng phó kịp thời, linh hoạt.

Đặc biệt, ngành nông nghiệp thực hiện cơ cấu ngành đi vào thực chất, hiệu quả hơn; quy mô và trình độ sản xuất được nâng cao, chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa trên cơ sở phát huy các lợi thế từng vùng, miền, chuyển dịch theo hướng hiện đại.

Dư địa xuất khẩu rau quả của Việt Nam còn nhiều

Nhận định xuất khẩu ở góc độ DN, ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) cho biết, hiện nhiều khách hàng tại thị trường châu Âu, Nhật Bản, Israeal sẵn sàng đặt hàng số lượng lớn nếu chúng ta có những vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn GlobalGAP.

Sở dĩ đưa ra nhận định trên, theo ông Khuê, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong năm 2021 sang các thị trường quan trọng trên thế giới như Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu… đều tăng trưởng.

Dư địa xuất khẩu rau quả của Việt Nam còn nhiều. Hơn nữa, với điều kiện đất đai thổ nhưỡng thuận lợi, Việt Nam có nhiều vùng có thể trồng nhiều loại cây rau quả ôn đới phục vụ cho thị trường nước ngoài như ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên.

Theo ông Khuê, để đạt được điều đó, cần Bộ NN&PTNT cũng như Bộ Công thương tổ chức thông tin về thị trường một cách kịp thời, nhanh nhạy, giảm rủi ro cho các doanh nghiệp.

Đồng thời, các ngân hàng cần tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư vào doanh nghiệp, kéo dài thời gian vay từ 8-10 năm để các doanh nghiệp có thời gian trồng, chế biến, xuất khẩu nông sản.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.