Thị trường

Xuất khẩu nông sản qua biên giới Trung Quốc lộ nhiều yếu điểm

25/07/2022, 18:14

Đó là thực tế được Bộ Công thương nêu trong "cẩm nang hướng dẫn xuất khẩu rau quả chính ngạch sang thị trường Trung Quốc" vừa được Bộ công bố.

Xuất khẩu qua biên giới lộ nhiều yếu điểm

Những yếu điểm làm ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động xuất khẩu hàng hóa giữa hai nước, đặc biệt là hàng nông sản, được Bộ Công thương nhấn mạnh đó là, ùn tắc hàng hóa, chậm thông quan khi có thay đổi về chính sách tại khu vực cửa khẩu; Các doanh nghiệp xuất khẩu qua cửa khẩu phụ, lối mở thiếu chiến lược phát triển lâu dài, hạn chế về nghiệp vụ chuyên môn.

Ngoài ra, cơ sở hạ tầng cửa khẩu biên giới đường bộ chưa được đầu tư nâng cấp kịp thời theo nhu cầu và quy mô thương mại song phương; Và tổ chức sản xuất, chất lượng, đóng gói sản phẩm không đảm bảo, không đáp ứng các quy định của thị trường nhập khẩu…

img

Việc ùn tắc nông sản, chậm thông quan ở biên giới Trung Quốc kéo dài nhiều năm nay, khiến tình trạng mua bán "lốt" xe diễn ra nhức nhối. Loạt bài điều tra của Báo Giao thông ghi nhận sự việc doanh nghiệp phải chi trăm triệu "tiền luật", mua "lốt" xe qua cửa khẩu

"Vì vậy, việc thúc đẩy hoạt động sản xuất, xuất khẩu qua biên giới chuyển sang hình thức chính ngạch là rất cần thiết để tạo ra động lực nâng cao chất lượng hàng hóa, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, tiêu chuẩn kỹ thuật không chỉ của thị trường Trung Quốc mà còn của các thị trường khác trên thế giới", Bộ Công thương đánh giá.

Theo Bộ Công thương, "cẩm nang hướng dẫn xuất khẩu rau quả chính ngạch sang thị trường Trung Quốc" sẽ làm rõ những vấn đề về thị trường Trung Quốc nhằm giúp các địa phương, người sản xuất, doanh nghiệp, tổ chức tham gia vào chuỗi giá trị hàng nông sản… có cơ sở thông tin khi xuất khẩu sang thị trường này

Doanh nghiệp cần chuẩn bị gì?

Để chuyển sang hình thức xuất khẩu chính ngạch, Bộ Công thương cho hay, các doanh nghiệp cần tuân thủ toàn bộ các quy định của Trung Quốc đối với hàng nhập khẩu, trong đó có các quy định về thuế, phí cũng như về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, bao bì, nhãn mác….

Tức là, giao kết hợp đồng thường được thực hiện theo thông lệ quốc tế với các quy định rõ ràng về mặt hàng, đơn giá, quy cách, về chất lượng hàng hóa, đóng gói, phương thức vận tải, phương thức giao hàng, phương thức thanh toán, giải quyết tranh chấp…

img

Doanh nghiệp cần tăng cường áp dụng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VIETGAP và GLOBALGAP nhằm đáp ứng đầy đủ các quy định về kiểm nghiệm kiểm dịch ngày càng nghiêm ngặt của Chính phủ Trung Quốc

Còn với yêu cầu tiêu chuẩn, theo Bộ này, các nhà sản xuất và xuất khẩu phải tuân thủ các quy định về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.

Về kiểm dịch thực phẩm và tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, Bộ Công thương cho biết, các quy định mới của Trung Quốc hiện nay đã tiệm cận thị trường châu Âu (EU).

Cụ thể, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn và Cục Quản lý nhà nước về quản lý thị trường nước này đã ban hành Tiêu chuẩn an toàn thực phẩm quốc gia - Giới hạn dư lượng tối đa thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm (GB 2763-2019). Tiêu chuẩn này áp dụng từ ngày 15/2/2020.

Khi một sản phẩm được cấp Giấy chứng nhận chất lượng sẽ được dán nhãn an toàn sản phẩm. Mọi hàng hóa lưu thông trên thị trường Trung Quốc đều phải có nhãn mác kèm theo các thông tin liên quan bằng tiếng Trung Quốc.

Mới đây nhất, Trung Quốc đã ban hành Lệnh số 248 về “Quy định về đăng ký và quản lý doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nhập khẩu nước ngoài” và Lệnh số 249 về “Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu” có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.

Với những quy định trên, Bộ Công thương lưu ý, trong danh mục 376 thực phẩm, nước này vừa ban hành tiêu chuẩn quy định hơn 10.000 mức giới hạn dư lượng tối đa (MRLs) với 564 loại thuốc bảo vệ thực vật, tăng lần lượt 42% và 16,7% so với tiêu chuẩn năm 2019.

Trung Quốc cũng ban hành danh mục gồm 500 loài sinh vật gây hại thực vật thuộc đối tượng phải kiểm dịch thực vật đều là các loại sinh vật gây hại phổ biến thường kèm các loại trái cây tươi Việt Nam như: Rệp, ruồi đục quả…

"Nếu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không nằm trong danh mục được Trung Quốc cho phép thì sản phẩm của bạn không đáp ứng tiêu chuẩn kiểm dịch thực vật và điều kiện về an toàn thực phẩm để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc...

Do đó, cần tăng cường áp dụng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VIETGAP và GLOBALGAP nhằm đáp ứng đầy đủ các quy định về kiểm nghiệm kiểm dịch ngày càng nghiêm ngặt của Chính phủ Trung Quốc.", Bộ Công thương nhấn mạnh.

Còn về truy xuất nguồn gốc, theo Bộ này, mã số vùng trồng là điều kiện cần thiết và bắt buộc đối với xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

“Theo quy định, trái cây tươi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc phải được thu mua từ những vùng trồng và đóng gói tại những cơ sở đã được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cấp mã số và được Tổng cục Hải quan Trung Quốc công nhận”, cẩm nang nêu rõ.

Những lô hàng từ vùng trồng hoặc cơ sở đóng gói không đăng ký mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói với Bộ NN&PTNT và không được Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) chấp nhận sẽ không được nhập khẩu vào Trung Quốc.

Hiện, có 10 loại trái cây của Việt Nam được phép xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, bao gồm thanh long, xoài, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, mít, chôm chôm, măng cụt, sầu riêng. Ngoài ra, còn có 2 sản phẩm trồng trọt được phép xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc là ớt và thạch đen.

Còn một số loại nông sản Việt Nam như khoai lang tím, tổ yến đang ở giai đoạn cuối cùng tiến trình hoàn tất thủ tục.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.