Căn bệnh lupus ban đỏ khiến võ sư Kim Hoàng mất đi thị lực, sức khỏe suy yếu, nhưng anh không đầu hàng |
Không đầu hàng căn bệnh lupus ban đỏ
Tại talkshow chủ đề "Sống như những đóa hoa" do Hội Cựu học sinh THPT 1993-1996 Hà Nội vừa tổ chức, câu chuyện vượt lên số phận chiến đấu với căn bệnh lupus ban đỏ của võ sư Kim Hoàng khiến nhiều người xúc động.
Võ sư Nguyễn Kim Hoàng sinh năm 1978 tại Hà Nội, là một trong những thế hệ đầu tiên ở Việt nam tiếp cận với Pencak Silat. Với khởi đầu là người yêu võ thuật, Kim Hoàng nhanh chóng bén duyên với bộ môn thể thao mới và vinh dự được lựa chọn vào đội tuyển Quốc gia. Tuy nhiên, võ sư Hoàng lại giã từ nghiệp thể thao để chuyên tâm theo con đường đèn sách tại Đại học Mở Hà Nội. Vừa đi học, võ sư Hoàng vừa mở các lớp võ miễn phí với số lượng môn sinh ngày một đông.
Đến cuối năm 2010, căn bệnh lupus ban đỏ khiến thầy Hoàng mất đi thị lực và gây suy thận nặng. Điều đáng nói, thời gian đầu dù được vợ đưa đi chữa chạy nhiều bệnh viện nhưng không phát hiện ra căn bệnh lupus ban đỏ. Chỉ đến khi biến chứng rõ ràng giảm thị lực, suy thận, rồi rối loạn tiểu đường... thì việc điều trị căn bệnh lupus ban đỏ với võ sư Hoàng là quá muộn.
Chị Tố Lan (vợ anh Hoàng) chia sẻ, khi phát hiện ra được căn bệnh tự miễn này, cả gia đình vô cùng suy sụp. Chị tìm kiếm Đông - Tây y kết hợp chạy chữa nhưng "sốc" nhất là một lương y có tiếng chữa trị căn bệnh này lắc đầu cho hay "không thể chữa được", "chỉ cố thêm được 1 năm nữa".
“Có lúc, tôi còn tưởng mình đã bỏ lại cuộc đời, nhưng tinh thần là một người học võ, một người còn nhiều duyên nợ với Pencak Silat, tôi không cho phép mình được gục gã và bỏ cuộc giữa chừng”, anh Hoàng chia sẻ.
Trong hoàn cảnh đối mặt với bệnh tật qua những cơn đau kéo dài, võ sư Hoàng vẫn luôn có suy nghĩ lạc quan, anh vẫn duy trì các lớp võ miễn phí. Đến thời điểm hiện nay, khi biến chứng của lupus ban đỏ gây tổn thương đến thùy não trái, sức khỏe suy yếu đi nhiều nhưng anh Hoàng vẫn cố gắng duy trì một lớp võ miễn phí vào chiều tối thứ 6 hàng tuần.
Trong hành trình mạnh mẽ chống lại bệnh tật của anh Hoàng không thể thiếu vắng người vợ của anh. "Cảm ơn vợ, người luôn đồng hành đồng cam cộng khổ cùng mình chiến đấu với bệnh tật, duy trì suốt 8 năm qua", anh Hoàng xúc động chia sẻ.
Phát hiện sớm lupus ban đỏ có thể điều trị được
Trao đổi tại talkshow "Sống như những đóa hoa", BS. Lê Hữu Doanh, Phó Giám đốc BV Da liễu TƯ cho biết, lupus ban đỏ thuộc nhóm bệnh tự miễn, nghĩa là hệ miễn dịch của chính bệnh nhân sản xuất ra một kháng thể chống lại các cơ quan của chính cơ thể mình.
Tùy mỗi bệnh nhân, ngẫu nhiên kháng thể tự sinh ấy sẽ tàn phá một hay nhiều cơ quan khác nhau, chính vì lẽ đó bệnh được gọi là bệnh “hệ thống”. Cũng vì lẽ này nên nhiều bệnh nhân không kịp thời phát hiện ra bệnh, dẫn đến chậm điều trị. Tùy tuổi bắt đầu bệnh, việc điều trị tích cực đúng cách hay không và bệnh có đáp ứng nhanh với điều trị hay không mà tiên lượng.
BS. Doanh cho hay, nếu được phát hiện sớm, căn bệnh này hoàn toàn có thể khống chế được. Chính vì thế, không nên chủ quan với các dấu hiệu ban đầu như: sốt, mệt mỏi, đau nhức xương khớp, viêm thận, mẩn đỏ vùng má... nếu thấy bất thường cần nghi ngờ và sàng lọc sớm căn bệnh này.
"Với gia đình có cha mẹ mắc căn bệnh này, dù chưa có nghiên cứu khẳng định bệnh có di truyền nhưng nguy cơ mắc bệnh ở con cái thường cao hơn thông thường. Bệnh cũng thường phát ở độ tuổi thanh, thiếu niên chính vì vậy, nên cho trẻ đi sàng lọc; đồng thời, duy trì thăm khám định kỳ theo năm theo dõi để phát hiện sớm bệnh", ông Doanh khuyến cáo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận