17 địa phương không tổ chức khai giảng trong ngày 5/9
Sáng nay, lễ khai giảng năm học 2021-2022 đã diễn ra tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Đây là lễ khai giảng vô cùng đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 đang hoành hành tại nhiều nơi, đặc biệt các tỉnh thành phía Nam. Do đó, tuỳ thuộc vào tình hình thực tế, các địa phương lựa chọn hình thức khai giảng trực tiếp hoặc trực tuyến.
Học sinh Hà Nội dự lễ khai giảng trực tuyến trong sáng 5/9
Đối với những tỉnh không có nguy cơ cao như Hải Phòng, Bắc Giang đã tổ chức lễ khai giảng trực tiếp nhưng hạn chế số lượng học sinh tham dự.
Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, nhiều tỉnh thành thuộc đồng bằng Sông Hồng, Miền Trung, miền Tây Nam Bộ đã lựa chọn hình thức khai giảng phát trên sóng truyền hình và các nền tảng trực tuyến.
TP.HCM là địa phương đầu tiên quyết định không tổ chức tựu trường, khai giảng năm học 2021-2022. Thay vào đó, từ ngày 1 đến ngày 5/9, với giáo dục trung học (THCS, THPT kể cả giáo dục thường xuyên), các trường tổ chức lớp, hướng dẫn kỹ năng, phương pháp học tập trực tuyến và củng cố kiến thức. Từ ngày 6/9, các trường bắt đầu giảng dạy chương trình năm học mới. Đối với bậc tiểu học, từ ngày 8/9 đến ngày 19/9, các em được hướng dẫn tổ chức lớp, kỹ năng, phương pháp học tập trên Internet và củng cố kiến thức. Từ ngày 20/9, học sinh bắt đầu chương trình năm học mới.
Tương tự các tỉnh Bạc Liêu, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Thuận cũng thông báo các trường không tổ chức khai giảng. Học sinh phổ thông và giáo dục thường xuyên tựu trường, bắt đầu học từ 6/9.
Ngoài ra 12 tỉnh thành khác tại Nam Bộ đã thống nhất lùi lễ khai giảng vào thời điểm thích hợp.
Học sinh háo hức dự lễ khai giảng dù không được đến trường như thường lệ
Bước vào năm học mới, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, UBND TP.HCM đã quyết định miễn học phí học kỳ 1 đối với toàn bộ trẻ mầm non, học sinh các trường phổ thông công lập và ngoài công lập trên địa bàn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 (trừ các cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài).
Tại Hà Nội, nhiều trường cũng đã quyết định giảm 75% học phí đối với học trực tuyến và giảm 50% khi học sinh quay lại trường học.
Kỷ niệm đặc biệt của thày và trò
Năm học 2021-2022, Hà Nội có khoảng 2,1 triệu học sinh các cấp. Lễ khai giảng năm học mới được phát sóng truyền hình trực tiếp sóng Đài Phát thanh và truyền hình Hà Nội và trên các nền tảng trực tuyến.
Sau nhiều tháng không được đến trường, bé Tú Uyên (trường Tiểu học Lê Ngọc Hân, Hai Bà Trưng), năm nay bước vào lớp 4, rất hào hứng dậy từ sớm, mặc đồng phục, đầu tóc gọn gàng để đón buổi khai giảng năm học mới dù chỉ là trực tuyến. "Con mong dịch Covid qua nhanh để con được đến trường gặp cô giáo mới", Tú Uyên tâm sự.
Tương tự, em Phạm Văn Nam Anh, lớp 7D, Trường THCS Nguyễn Du, cũng bày tỏ: “Từ năm học trước cũng học và tổng kết online rồi nên buổi khai giảng này em cũng buồn khi không được đến trường gặp gỡ thày cô, vui đùa cùng bạn bè sau những ngày nghỉ dài. Mong dịch bệnh trôi qua thật nhanh để chúng em được tới trường học trực tiếp…”
Học sinh chăm chú dự lễ khai giảng qua ti vi
Chia sẻ về lễ khai giảng đặc biệt này, cô Nguyễn Thị Hoa, Hiệu trưởng trường Tiểu học Đức Thượng cho biết: "Có lẽ đây là lễ đón học sinh lớp 1 đặc biệt nhất của chúng tôi trong cuộc đời làm nghề giáo.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang có diễn biến phức tạp, nhà trường đã cân nhắc rất kỹ và lên phương án chi tiết để dù không được đến trường, các con học sinh đầu cấp vẫn cảm nhận được không khí ấm áp, thân thiện của môi trường tiểu học, làm quen với trường, với lớp, với bạn, với cô để xóa đi những bỡ ngỡ buổi ban đầu.
Việc học trực tuyến thời gian tới đây chắc chắn sẽ có nhiều khó khăn, thử thách nhưng với tâm huyết và nỗ lực hết sức có thể, chúng tôi sẽ biến thử thách thành cơ hội. Chúng tôi sẽ cố gắng để các con được học trong môi trường thấm đẫm tình yêu thương, được rèn luyện các kỹ năng về công nghệ để bắt kịp xu hướng giáo dục hiện đại ..".
Mỗi giáo viên, học sinh là một chiến sĩ
Trước thềm năm học mới, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhận định: “Cả nước đang gồng mình phòng chống dịch bệnh Covid-19 với những diễn biến rất phức tạp, khó lường. Trong bối cảnh đó, ngành Giáo dục xác định nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2021-2022 là: Vừa chủ động, linh hoạt thực hiện các giải pháp ứng phó với đại dịch Covid-19, vừa phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ năm học, tiếp tục thực hiện đổi mới, kiên trì mục tiêu chất lượng giáo dục và đào tạo”.
Qua đây, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã đã phát động phong trào thi đua đặc biệt cho năm học 2021-2022. Theo đó, mỗi trường học, mỗi cơ sở giáo dục là một pháo đài chống dịch; mỗi giáo viên, giảng viên, nhân viên, học sinh, sinh viên là một chiến sĩ.
Người đứng đầu ngành Giáo dục yêu cầu các cơ quan quản lý giáo dục các cấp phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, giữ gìn kỷ cương, tinh thần đoàn kết thống nhất, ưu tiên cao nhất mọi nguồn lực để thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo hướng dẫn của ngành y tế và chính quyền địa phương; đồng thời quan tâm công tác bảo đảm chất lượng, hiệu quả giáo dục;
Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục, đơn vị trong công tác chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và thực hiện các nhiệm vụ được giao, bảo đảm an toàn cho người học và giáo viên, nhân viên, cán bộ quản lý giáo dục, không để xảy ra tình trạng lây lan dịch bệnh trong nhà trường; phối hợp tốt với ngành y tế tổ chức tiêm phòng cho học sinh khi có điều kiện.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận