20h tối nay (19/11), Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với TP.HCM và Hà Nội tổ chức lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi lẵng hoa tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19.
Các đại biểu tham dự Lễ tưởng niệm tại Hà Nội thả hoa đăng tưởng niệm nạn nhân Covid-19
Tại điểm cầu Hội trường Thống Nhất TP.HCM, nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước và TP.HCM đã có mặt như ông Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư; ông Trần Thanh Mẫn, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội; ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP.HCM; ông Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; bà Võ Thị Ánh Xuân, Phó chủ tịch nước; ông Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng...
Các nguyên lãnh đạo cũng có mặt, gồm nguyên Phó thủ tướng Trương Hòa Bình; nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân.
Tại điểm cầu Hà Nội, có bà Bùi Thị Minh Hoài, Trưởng ban Dân vận Trung ương, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Chủ tịch TP Hà Nội Chu Ngọc Anh và các lãnh đạo TP Hà Nội.
Các đại biểu, người dân dự lễ tưởng niệm tại Công viên Thống Nhất (điểm cầu Hà Nội)
Tưởng nhớ người đã mất
Phát biểu tại Lễ tưởng niệm, ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, trực tiếp là đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, lực lượng vũ trang, nhân dân TP.HCM và các tỉnh, thành phố trong vùng dịch đã "chiến đấu kiên cường", làm hết sức mình chăm lo, bảo vệ sức khỏe của nhân dân.
Nhưng do dịch bệnh chưa có tiền lệ, lây lan nhanh, cực kỳ nguy hiểm, đã có hơn 1 triệu người nhiễm Covid-19, dịch bệnh đã cướp đi sinh mạng của hơn 23 nghìn đồng bào, đồng chí thân yêu của chúng ta, đó là những công dân mẫu mực, những người lao động rất đỗi yêu thương, những cán bộ, thầy thuốc, nhân viên tận tụy với công việc, những chiến sỹ dũng cảm, những nhà thiện nguyện, tình nguyện viên nhiệt huyết, hết lòng, hết sức vì cộng đồng.
>>> Video: Lãnh đạo Đảng, Nhà nước thực hiện nghi lễ tưởng niệm:
"Nỗi đau đến tột cùng khi nhiều người đến lúc "nhắm mắt xuôi tay" không có người thân ở bên cạnh, không có một lời trăng trối; nhiều gia đình có 2-3 người tử vong, có những người đại dịch đã cướp đi cả cha mẹ và những người ruột thịt.
Có những em bé sinh ra không được nằm trong vòng tay yêu thương của mẹ, không được uống giọt sữa đầu đời - thật là đau xót! Đại dịch tàn ác đã phá vỡ hạnh phúc của biết bao gia đình đang êm ấm.
Đại dịch "tràn qua", để lại hàng ngàn người già yếu không còn nơi nương tựa, hơn 2.600 trẻ em mất cha mẹ, nhiều em còn quá nhỏ, trên đầu chít khăn tang nhưng vẫn hồn nhiên, thơ dại, chưa cảm nhận được sự mất mát quá lớn trong cuộc đời - thật là xót thương, nhói lòng, rơi lệ", Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN nói trong xúc động.
Bà Bùi Thị Minh Hoài, Trưởng ban Dân vận Trung ương và ông Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành uỷ Hà Nội thực hiện nghi lễ tưởng niệm
Theo ông Đỗ Văn Chiến, do dịch bệnh quá ác liệt, nguy hiểm nên mặc dù rất cố gắng, nhưng có nhiều người khi mất chưa được tổ chức lễ tang chu đáo theo phong tục, tập quán, để lại nỗi day dứt trong lòng người thân, đồng đội, đồng chí.
"Trong giờ phút thiêng liêng này, xin thắp nén tâm nhang tưởng nhớ và kính cẩn nghiêng mình tiễn biệt đồng bào, đồng chí và kiều bào ta ở nước ngoài đã tử vong và hy sinh vì dịch bệnh; nguyện cầu cho các linh hồn được siêu thoát; dịch bệnh Covid-19 sớm được tiêu trừ để nhân loại không phải gánh chịu thêm đau thương, mất mát nữa", ông Chiến nói.
Nén đau thương thành hành động phòng chống dịch bệnh
Là người đến dự lễ tưởng niệm tại Công viên Thống Nhất (Hà Nội) từ rất sớm, bà Nguyễn Thị Thanh (SN 1953) cho biết, bà đã đưa chồng từ Bình Dương ra Hà Nội. Chồng bà là một trong những nạn nhân không vượt qua khỏi dịch Covid-19.
"Khi chồng mắc Covid-19, lúc đó chúng tôi đang sinh sống ở Bình Dương. Chồng tôi được đưa vào Bệnh viện quốc tế ở tỉnh Bình Dương điều trị, nhưng không qua khỏi. Chồng tôi mất đến nay là tuần thứ 5. Hôm nay, tôi đến đây cầu siêu cho chồng và những người đã mất vì Covid-19...", bà Thanh nghẹn giọng.
Bà Thanh đến lễ tưởng niệm với đôi mắt hoe đỏ
Ngừng giây lát, bà Thanh chia sẻ thêm: "Ngay khi bước vào đây, tôi thấy khung cảnh thật trang nghiêm. Điều này khiến tôi rất xúc động, và tôi tin rằng chồng tôi ở thế giới bên kia cũng cảm thấy được động viên an ủi nhiều".
Chị Hoàng Hằng Nga (SN 1976, ở phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) chia sẻ, cuối tháng 8 đầu tháng 9, mẹ chị đã bị nhiễm Covid-19. Bà được đưa đi điều trị, suốt quãng thời gian đó, người thân trong gia đình không được gặp bà. Tới đầu tháng 10 vừa qua, bà đã mất.
Chị Nga đến với lễ tưởng niệm để cầu siêu cho mẹ và những bệnh nhân đã tử vong vì Covid-19
"Mẹ ra đi đột ngột, cả gia đình đau đớn khôn nguôi. Hôm nay tôi đến đây, không chỉ cầu siêu cho mẹ, mà còn mong muốn mọi người có ý thức giữ gìn cho bản thân cho mình, cho gia đình, tránh sự mất mát như trong thời gian qua", chị Nga tâm sự.
Lực lượng công an túc trực bảo vệ, đảm bảo tuyệt đối, an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy tại khu vực tổ chức Lễ tưởng niệm
Hàng loạt hoạt động tưởng niệm trên toàn quốc
Đại đức Thích Nguyên Chính, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Giáo hội phật giáo Việt Nam, Trợ lý Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, trong đêm tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh do đại dịch Covid-19, đúng 20h30 tối nay, hơn 18.000 ngôi chùa khắp cả nước sẽ đồng loạt đánh chuông tưởng niệm, trong đó có hơn 5.000 ngôi chùa tại TP Hà Nội.
Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19 cũng được tổ chức tại điểm cầu TP.HCM là hội trường Thống Nhất, điểm cầu TP Hà Nội được tổ chức tại sân khấu Đa năng, công viên Thống Nhất (quận Hai Bà Trưng).
Cùng với điểm cầu chính ở Dinh Thống Nhất, nhiều nơi ở TP.HCM cũng làm lễ tưởng niệm. Chùa Pháp Hoa trên đường Trường Sa, quận 3, sẽ tổ chức thả hoa đăng, cầu siêu cho người đã khuất.
Ngoài ra, tại các quận 1, 4, 5, 8, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình cũng làm lễ tưởng nhớ, thả hoa đăng trên kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé lúc 20h35 cùng ngày.
Cùng thời gian trên, thành phố vận động các cơ sở tôn giáo trên địa bàn đánh chuông; các tàu, thuyền, sà lan... đậu tại các cảng kéo còi tưởng niệm. Đồng thời, thành phố cũng kêu gọi người dân tắt đèn và thắp nến tại các nơi công cộng, đường đi bộ, công viên, khu dân cư, căn hộ, khách sạn, văn phòng, nhà dân.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận