Theo Ria Novosti, Đại diện Bộ Quốc phòng Armenia Artsrun Hovhannisyan đã lên tiếng bình luận về phản ứng của Baku trước tuyên bố về chiếc Su-25 Armenia bị bắn rơi.
"Azerbaijan đã vội vàng bác bỏ thông tin này với những công thức vụng về và lố bịch khi tuyên bố rằng Không quân Azerbaijan không có loại máy bay này (F-16). Chúng tôi cũng biết rất rõ rằng chúng (máy bay F-16) không thuộc về Azerbaijan, mà là của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ” – ông Hovhannisyan cho biết tại cuộc họp giao ban của bộ này.
Chiều ngày 29/9 theo giờ khu vực, Bộ Quốc phòng Armenia cho biết một máy bay chiến đấu F-16 của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn hạ một máy bay cường kích yểm trợ tầm gần Su-25 của Armenia trong không phận của nước cộng hòa này, phi công đã thiệt mạng.
Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan gọi sự tham gia của máy bay Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc xung đột ở Karabakh là "một sự thật rõ ràng". Theo ông Pashinyan, Ankara đang tìm kiếm lý do để can thiệp rộng hơn.
Trong khi đó, trợ lý của Tổng thống Azerbaijan phủ nhận thông tin về vụ bắn rơi máy bay, nói rằng hệ thống kiểm soát trên không của nước này không ghi lại các chuyến bay của máy bay Su-25 của Không quân Armenia.
Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên của khối NATO, Armenia là thành viên của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO).
Đại sứ Armenia tại Nga Vardan Toghonyan nói với hãng Ria Novosti rằng Yerevan vẫn chưa nộp đơn lên Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể về tình hình ở Nagorno-Karabakh, nhưng nhấn mạnh rằng sau vụ tấn công máy bay quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ, vấn đề này đang được thảo luận.
Đụng độ ở Nagorno-Karabakh leo thang từ cuối tuần trước. Baku và Yerevan buộc tội nhau khơi mào các cuộc chiến thù địch. Thiết quân luật và lệnh tổng động viên đã được phát đi ở Armenia.
Theo lệnh tổng động viên, nam giới trong độ tuổi từ 18 đến 55 bị cấm xuất cảnh. Trong khi đó, một lệnh giới nghiêm đã được công bố ở Azerbaijan và nước này cũng đã thực hiện huy động một phần để chuẩn bị cho chiến tranh.
Trong một động thái có liên quan, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan tuyên bố rằng, do bùng phát xung đột ở Nagorno-Karabakh ngày càng trầm trọng, hiện có nguy cơ đe dọa sự tồn vong của nhân dân Armenia.
Ông Pashinyan đã kêu gọi cộng đồng thế giới lên án hành động của Baku và Ankara, đòi Thổ Nhĩ Kỳ rút khỏi khu vực.
"Sự hiện diện quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Nam Kavkaz không hứa hẹn điều gì tốt đẹp", - ông Thủ tướng Pashinyan nhận định.
Nhà lãnh đạo của Armenia kêu gọi cộng đồng thế giới buộc Thổ Nhĩ Kỳ rút khỏi Nam Kavkaz, Erevan kêu gọi cộng đồng quốc tế lên án hành động của Baku và Ankara ở Karabakh.
Xung đột giữa Armenia và Azerbaijan bắt đầu vào tháng 2 năm 1988, khi Khu tự trị Nagorno-Karabakh tuyên bố ly khai khỏi Azerbaijan SSR. Trong cuộc xung đột năm 1992-1994, Azerbaijan mất quyền kiểm soát đối với Nagorno-Karabakh và bảy vùng lân cận. Kể từ năm 1992, các cuộc đàm phán đã được tổ chức về giải quyết hòa bình xung đột trong khuôn khổ Nhóm OSCE Minsk, do Nga, Hoa Kỳ và Pháp chủ trì. Khu vực Nagorno-Karabakh có dân cư chủ yếu là người Armenia trở thành vấn đề tranh chấp giữa Armenia và Azerbaijan khi hai quốc gia độc lập từ Đế quốc Nga vào năm 1918. Sau khi Liên Xô thiết lập quyền kiểm soát đối với khu vực, họ tạo ra tỉnh tự trị Nagorno-Karabakh (NKAO) thuộc thành phần Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết Azerbaijan vào năm 1923.Vào những năm cuối cùng của Liên Xô, khu vực lại trở thành một vấn đề tranh chấp giữa Armenia và Azerbaijan. Năm 1991, một cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức tại tỉnh tự trị Nagorno-Karabakh và khu vực Shahumian lân cận với kết quả là hành động tuyên bố độc lập. Xung đột sắc tộc quy mô lớn dẫn đến Chiến tranh Nagorno-Karabakh 1991–1994, kết thúc với thỏa thuận ngừng bắn và tạo ra đường biên giới như hiện nay. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận