Đó là chia sẻ của bà Đỗ Thị Thúy Hương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (Vasi) với PV Báo Giao thông, xung quanh những tác động từ cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Là nhóm ngành có tỷ trọng xuất khẩu lớn nhất sang Nga (chiếm hơn 40%), bà Hương đánh giá, cuộc xung đột này tác động gián tiếp lên ngành sản xuất điện thoại và linh kiện, máy vi tính…thông qua các “ông lớn”, trong đó phải kể đến tập đoàn Samsung của Hàn Quốc.
Bởi Việt Nam chính là cứ điểm sản xuất lớn nhất trên thế giới về lắp ráp điện thoại thông minh của Samsung với tỷ trọng khoảng 80% tổng số điện thoại thông minh của Samsung phát hành trên toàn thế giới.
Nhân viên Samsung tại dây chuyền sản xuất. Ảnh: Minh họa
Trong khi đó, Hàn Quốc là đồng minh của Mỹ, tuân thủ theo quy định về Quy tắc Sản phẩm Trực tiếp Nước ngoài (FDPR), là biện pháp hạn chế xuất khẩu toàn diện đối với Nga do Mỹ áp đặt.
Tức là, các quốc gia đã sử dụng công nghệ và phần mềm của Mỹ trong 57 mặt hàng và công nghệ, bao gồm chất bán dẫn, thông tin và liên lạc, cảm biến, laser và hàng không vũ trụ,…chỉ có thể xuất khẩu các sản phẩm đó sang Nga sau khi được Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho phép.
Điện thoại thông minh (smartphone) mới nhất được trang bị chất bán dẫn và các ứng dụng di động tiên tiến nên có khả năng chúng được coi là mặt hàng chiến lược.
Năm 2021, Samsung đã bán được 30 triệu smartphone tại Nga, đứng đầu thị trường với 30% thị phần. Do đó, theo bà Hương, nếu bị hạn chế theo FDPR, Samsung sẽ mất lợi thế ở thị trường lớn này. Chuỗi sản xuất ở Việt Nam cũng sẽ chịu "đòn" chung.
Ngoài tác động hệ lụy từ Samsung, bà Hương cho rằng, chiến sự tại Ukraine có nguy cơ hạn chế nguồn cung cấp năng lượng toàn cầu, dẫn đến giá dầu và khí đốt tự nhiên tăng cao.
Việc này dự báo sẽ ảnh hưởng nặng nề đến Châu Âu và có khả năng lan sang Mỹ và các thị trường toàn cầu khác, tác động tiêu cực lên chuỗi cung ứng và Việt Nam cũng không ngoại lệ khi phụ thuộc lớn vào chỗi cung ứng toàn cầu.
Đánh giá một cách tổng quan, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, cho biết thuận lợi đối với phục hồi kinh tế Việt Nam hiện nay là kinh tế thế giới phục hồi tích cực, kể cả phương án có khủng hoảng Nga - Ukraine.
“Kể cả có rủi ro chiến tranh Nga - Ukraine và giá dầu tăng mạnh tác động tới kinh tế thế giới thì với phương án xấu nhất đó tác động tới kinh tế Việt Nam chỉ khoảng 1-1,2 điểm % và năm nay vẫn có thể đạt được 3-3,5%. Và khả quan hơn có thể đạt tăng trưởng 6-6,5% nhờ cơ hội xuất khẩu được dự báo tăng 15-17% và thu hút đầu tư tăng lên", ông Cấn Văn Lực nói.
Vị chuyên gia dự báo, các hoạt động kinh tế cơ bản đã được mở lại, dự báo tốc tăng trưởng doanh thu bán lẻ hàng hoá dịch vụ dự báo cả năm sẽ tăng 6-8%, gần bằng trước đại dịch là 10-12%.
Đầu tư công năm nay dự kiến sẽ được đẩy nhanh và mạnh; Đồng thời, có thêm nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình phục hồi kinh tế, là những lực kéo cho phục hồi kinh tế Việt Nam.
Năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Nga đạt 2,24 tỷ USD tăng 38,3% (đứng thứ 39 trong số các đối tác thương mại của Nga);
Kim ngạch xuất khẩu đạt 4,89 tỷ USD, tăng 20,9% so với năm 2020 (đứng thứ 12 trong các đối tác nhập khẩu chính của Nga). Việt Nam xuất siêu sang Nga 2,65 tỷ USD trong năm 2021.
Các mặt hàng có tỷ trọng lớn nhất trong xuất khẩu của Việt Nam sang Nga gồm: Điện thoại các loại và linh kiện (chiếm 33,48% tổng kim ngạch xuất khẩu); Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (13,28%); Hàng dệt may (10,55%)...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận