Tên lửa phóng từ thành phố Gaza (nơi phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine kiểm soát) về phía Israel
Báo động nguy cơ xung đột toàn diện
Người dân sống tại dải Gaza cho biết nhà cửa không ngừng rung lắc, bầu trời đêm 11/5 liên tục rực sáng vì tên lửa từ Israel. Một toà nhà dân 13 tầng tại dải Gaza đã bị đổ sụp sau nhiều lần hứng tên lửa.
Tại thủ đô Tel Aviv của Israel, tiếng nổ và còi báo động réo không ngừng. Người đi bộ trên đường phải lập tức tìm chỗ trốn, người đang ăn tối phải chạy ra khỏi cửa hàng phòng nhà sập, một số khác nằm rạp xuống đất.
Cơ quan Quản lý Sân bay Israel đã thông báo dừng các chuyến bay cất cánh từ sân bay Tel Aviv để cho phép lực lượng phòng không sử dụng không phận nhưng sau đó đã thu hồi thông báo.
Israel khẳng định đã điều 80 máy bay để tấn công Gaza, triển khai bộ binh, xe thiết giáp để củng cố sức mạnh cho lực lượng đã tập trung ở khu vực biên giới.
Trước tình hình này, theo hãng thông tấn Nga Tass, Chủ tịch Hội đồng Quỹ Phát triển và hỗ trợ Câu lạc bộ Thảo thuận Quốc tế Valdai, ông Andrei Bystritsky nhận định, bế tắc giữa Israel-Palestine không ngừng gia tăng, rất có thể leo thang thành xung đột quân sự toàn diện.
“Tình hình tại dải Gaza không hề đơn giản. Nguy cơ cao, theo sau đây sẽ là kịch bản rất đáng báo động thậm chí nguy hiểm. Các cuộc tấn công liên tục giữa Israel và Palestine có thể trở thành chiến tranh toàn diện với rất nhiều bên tham gia. Do đó, mọi chuyện sẽ kết thúc như thế nào là điều mà ai cũng đoán được”, theo ông Bystritsky.
Thực tế, bản thân Palestine và Israel âm ỉ những mâu thuẫn sắc tộc suốt thời gian dài, là một trong những cuộc xung đột phức tạp nhất trên thế giới nên chỉ cần một "mồi lửa nhỏ" cũng có thể bùng lên thành xung đột nghiêm trọng.
Tất cả xung đột nghiêm trọng vừa qua diễn biến rất nhanh, bắt đầu từ ngày 10/5 khi khoảng 300 người Palestine tới cầu nguyện tại khu nhà thờ Aqsa Mosque, thành phố cổ Jerusalem nhân tháng Ramadan và đụng độ với lực lượng an ninh của Israel. Binh sĩ Israel bắn đạn cao su, hơi cay, đạn phóng lựu vào đám đông người Palestine, xung đột giữa hai bên kéo dài trong cả ngày.
Chính trị chưa ổn định khiến tình hình càng tồi tệ
Nhà phân tích nhấn mạnh, trong bối cảnh xung đột không dừng, tình hình chính trị tại cả Palestine và Israel đều chưa ổn định, cả hai đang trong quá trình thành lập cơ quan quyền lực. Chính điều này càng làm xung đột tại Gaza thêm tồi tệ. Ông Bystritsky nhấn mạnh, đây không chỉ là bế tắc giữa 2 bên đối lập là Hamas và Israel mà còn phức tạp hơn thế.
Hiện nay, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đang đau đầu với cuộc tranh đấu chính trị trong nước sau nhiều cuộc bầu cử bế tắc. Ông Netanyahu đang tạm nắm quyền điều hành đất nước và phải đối mặt với không ít cáo buộc tham nhũng. Cùng lúc, các đảng phái đối lập lại sốt sắng thành lập một chính phủ thay thế.
Ở Palestine, Tổng thống Mahmoud Abbas, người đứng đầu Chính quyền Palestine (PA), lực lượng kiểm soát nhiều vùng ở Bờ Tây, vừa thông báo hoãn kế hoạch tổ chức cuộc bầu cử đầu tiên trong 15 năm với người dân nước này. Bầu cử dự kiến được tiến hành tại khu Bờ Tây do Israel chiếm đóng, Dải Gaza và Đông Jerusalem. Nhưng ông Abbas hiện có bất đồng với phía Hamas, lực lượng kiểm soát Dải Gaza.
Chuyên gia Nga tin rằng, việc hạ nhiệt xung đột tại Gaza là cần thiết với tất cả các bên. Nếu không, sẽ tái diễn một cuộc xung đột như năm 2014 từng khiến 2.100 người dân tại Gaza thiệt mạng, 73 người Israel tử nạn, hàng nghìn ngôi nhà bị thiêu rụi trong 7 tuần giao tranh.
Theo ông Bystritsky, "các cường quốc trên thế giới có thể đóng vài trò giúp cân bằng tình hình. Một số nước như Nga, các quốc gia Châu Âu, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ có thể tham gia, thúc đẩy bước tiến hoà bình để kiểm soát tình hình hiện nay.
Có rất nhiều vấn đề mà nước ngoài có thể giúp đỡ, chẳng hạn như nguồn lực tài chính. Người Palestine không thể tự lập hoàn toàn. Họ phụ thuộc nặng nề vào trợ cấp từ nước ngoài".
Từ Nhà Trắng, Phát ngôn viên Jen Psaki cho biết, ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Mỹ Joe Biden đó là giảm leo thang xung đột tại điểm nóng Gaza.
Trước đó, Uỷ ban Chữ thập đỏ Quốc tế kêu gọi các bên kiềm chế và nhấn mạnh cả hai về quy định tránh gây thương vong cho dân thường được nêu trong luật quốc tế.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận