Phun bê tông để bảo vệ mái hầm |
Dấu ấn trên chặng đường dài
Chiếc xe đang bon bon trên QL1 qua Phú Yên, bác tài khoát tay chỉ về phía trước, nơi có phiến đá khổng lồ trên đỉnh núi như chắn ngang giữa trời rồi bảo: “Đấy là đỉnh cao nhất của Đèo Cả…”. Hóa ra đấy là Đá Bia, địa danh nổi tiếng mà bất cứ ai đi qua cũng phải ngước nhìn, trầm trồ thán phục một tuyệt tác của thiên nhiên.
Dù vậy, không nhiều người hiểu hết những sự tích về chốn linh thiêng này cũng như nguồn gốc tên gọi của nó. Có lẽ mọi người quen gọi là núi Đá Bia bởi trên ngọn núi cao hơn 700 m ấy có một phiến đá khổng lồ cao đến 80m trông giống như một tấm bia. Ở độ cao ấy, mây thường che lấp khối đá bia tạo nên cảnh quan hùng vĩ.
Nơi đây còn lưu giữ một câu chuyện lịch sử hào hùng hàng trăm năm trước. Tương truyền vào năm 1471, khi thân chinh cầm quân tấn công Chămpa, vua Lê Thánh Tông dừng tại chân núi, cho quân lính trèo lên khắc tên, ghi rõ cương vực Đại Việt tại nơi này, đánh dấu ranh giới nước Chiêm Thành. Di tích này giờ đã được xếp hạng và trở thành một danh thắng độc nhất vô nhị.
Từ xưa đến nay, vượt qua Đèo Cả là nỗi ngán ngại của bất cứ lái xe nào. Phải đứng trên đỉnh núi Đá Bia nhìn xuống mới thấy hết sự hiểm trở của nó. Đấy là một con đèo dốc đứng với lối đi men theo sườn núi ngoằn nghèo. Những chuyến xe tải, container qua đây như những con rùa, nhích lên đèo một cách khó nhọc. Đã có không ít những vụ lật xe do đường cua dốc. Cứ vào dịp cao điểm cuối năm, nơi đây thường xuyên xảy ra cảnh tắc nghẽn hàng chục cây số. Nơi đây cũng được coi là một “điểm đen” TNGT khi mỗi năm luôn có hàng chục vụ TNGT xảy ra, gây thương vong cho nhiều người.
Vì thế, dự án hầm Đèo Cả được xây dựng không chỉ là tin vui với cánh lái xe, người dân, chính quyền địa phương mà cả với những ai quan tâm đến tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh Nam Trung bộ.
Công trường không ngày nghỉ
Hầm Đèo Cả đang được thi công nằm cách QL1 hiện hữu chừng ba cây số. Từ QL1 đi vào đã nhìn thấy hai miệng hầm như hai con mắt giữa núi rừng hoang vu. Đứng ở cửa hầm nhìn xuống phía Nam là một miền duyên hải mênh mông. Phía xa tầm mắt là mũi Đại Lãnh - cực Đông Tổ quốc. Nhìn về hướng Tây là núi Đá Bia sừng sững trong mây. Công trường nằm sâu trong núi nên không mấy ai biết được dự án vẫn đang được thi công khẩn trương.
Kỹ sư Lê Quỳnh Mai, Giám đốc Ban QLDA hầm đường bộ Đèo Cả đón chúng tôi tại cửa hầm phía Bắc vào buổi sáng ngày chủ nhật. Anh bảo: “Ở đây không có ngày nghỉ. Công trường thi công 24/24 h, ngày làm ba ca, bốn kíp liên tục để đáp ứng tiến độ yêu cầu…”.
Hầm đường bộ Đèo Cả được xây dựng thay thế cho Đèo Cả vốn rất hiểm trở. Đường hầm này nối liền hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, nằm trên tuyến đường QL1. Tổng chiều dài dự kiến là 13,4 km, trong đó hầm xuyên núi Đèo Cả dài 3,9km, xuyên núi Cổ Mã dài 500m, còn lại là đường dẫn và cầu trên tuyến (9km). Hầm đường bộ được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc, có hai trục hầm song song nhau, trong mỗi trục hầm thiết kế hai làn xe, khoảng cách giữa hai trục hầm là 30m. Vận tốc thiết kế là 80km/h, hầm có thể chịu được động đất cấp 7. Hiện, dự án này đang được thi công và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2016. |
Khi chúng tôi đến cũng là lúc anh em trên công trường thay ca. Kỹ sư trẻ Phạm Bình Minh của nhà thầu Lũng Lô cùng một nhóm công nhân vừa từ trong cửa hầm đi ra, người ướt đẫm mồ hôi, mặt dính đầy bùn đất. Hỏi ra mới biết chàng kỹ sư 9X này cũng là người Hà Nội, quê ở Mỹ Đức và vừa mới tốt nghiệp Đại học Mỏ địa chất.
Trước sự ngạc nhiên của chúng tôi, chàng trai đầy tự tin: “Qui trình đào hầm thì bọn em đều đã học trong trường, quan trọng là phải hiểu biết về địa chất và những nguyên tắc cơ bản trong vận hành máy móc. Với các loại thiết bị như hiện nay, độ chênh lệch khi thông hai cửa hầm có khi chỉ tính bằng cm…”.
“Thi công phần cửa hầm phức tạp nhất bởi địa chất phía bên ngoài thiếu ổn định vì thế vừa khoan vừa phải theo dõi địa chất. Để phòng trường hợp gặp “đất gãy” và có những bất ổn địa chất, thủy văn xảy ra nên đào đến đâu chúng tôi phải dựng ngay bể ắp (dàn thép đỡ mái hầm - PV) để tránh bị sụt.
Toàn bộ phần hầm có chiều dài hơn 4 nghìn mét nhưng để đào phần cửa hầm thì mỗi ngày chỉ được khoảng 1 m. Khi đào sâu vào khoảng 20 - 30 m, địa chất ổn định hơn nên mới đào được nhanh hơn, nhưng tối đa cũng chỉ được 4 - 5 m…”, Kỹ sư Minh kể về cách đào hầm.
Cửa hầm trên sườn núi cao hướng ra vịnh Vũng Rô nên những đợt gió cứ quất tung bụi đất. Trong cửa hầm, những kỹ sư, công nhân của nhà thầu Lũng Lô đang dùng cần khoan và dàn công tác bóc những lớp đất còn khá mềm. Đào được đến đâu, họ lại làm dàn thép rồi phun bê tông lên mái đến đó để tạo lớp trần cứng. Ở khu vực Đèo Cả đá mồ côi nhiều vô kể. Vì vậy cứ khi gặp đá lại phải dừng lại để dùng mìn tép phá đá. Bằng tay không, những kỹ sư phải nhét từng tép mìn vào những khe đá một cách rất tỉ mỉ và thận trọng.
Kỹ sư Hồ Đình Chung, Chuyên viên Ban QLDA hầm Đèo Cả cho biết, trong cả quá trình khoan hầm thời gian mở của hầm, phải thận trọng nhất để tránh các sự cố xảy ra. Nhưng lo nhất là gặp phải những hang các tơ ẩn sâu trong lòng núi. Khi đó sẽ mất nhiều thời gian xử lý.
Sẽ chỉ còn 4 cây số đường hầm
Trên toàn dự án nâng cấp, mở rộng QL1, hầm đường bộ Đèo Cả được coi là dự án thành phần quan trọng và có qui mô lớn nhất với tổng mức đầu tư hơn 12 nghìn tỷ đồng.
Ông Lê Đức Hiệp, Nguyên Phó cục trưởng Cục An ninh điều tra (Bộ Công an) là người bôn ba từ Nam ra Bắc nhưng trong ông vẫn còn đó một nỗi niềm đau đáu hướng về quê hương. Ông bảo, quê hương ông vốn giàu tiềm năng du lịch như: Mũi Đại Lãnh, di tích Đá Bia hay tiềm năng phát triển kinh tế biển khi có vịnh nước sâu tốt nhất Việt Nam là Vũng Rô… Thế nhưng, bao nhiêu năm nay quê ông vẫn nghèo, mà một trong những nguyên nhân là do “nút thắt” về giao thông.
Khi hay tin Nhà nước đầu tư hầm Đèo Cả, Cổ Mã và tới đây cả hầm Cù Mông, không chỉ ông mà nhiều bà con Phú Yên đang khấp khởi chờ mong. Những công trình này chắc chắn sẽ giúp địa phương có điều kiện phát huy những tiềm năng vẫn đang còn ẩn giấu. Về mặt nhân văn, việc không còn phải đi qua Đèo Cả treo leo, kéo dài tới hàng chục cây số sẽ giúp giảm đi những mất mát đau thương do TNGT gây ra.
Đưa chúng tôi từ cửa hầm phía Bắc sang cửa hầm phía Nam, lúc đến đỉnh đèo, anh lái xe cho xe rẽ vào vệ đường rồi chỉ lên sườn núi bảo: “Nhà báo cứ trèo lên đó rồi nhìn xuống đường sẽ thấy được sự nguy hiểm ra sao khi lưu thông qua con đèo này…”. Quả thật, chỉ cần bước lên vài chục bậc đá nhìn xuống đã thấy cung đường này hiểm trở thế nào. Con đường như một sợi chỉ vắt vòng vèo qua núi đá treo leo, dựng đứng. Và hầu hết trong 20 cây số đường đèo ấy gần như chỗ nào cũng gặp cua tay áo.
Chỉ hơn một năm nữa thôi, khi hầm Đèo Cả được hoàn thành, thay vì phải đi qua 20 cây số đường đèo hiểm nguy rình rập thì cánh lái xe chỉ còn mất bốn cây số đường hầm, giảm gần một giờ đồng hồ so với khi phải đi qua đèo. Giờ đây, ngay gần đó, hầm Cổ Mã cũng đã được thông nên việc lưu thông cũng sẽ bớt thêm một con đèo nữa. Những tuyến hầm ấy không chỉ phá thế cách trở về mặt địa lý mà còn là động lực làm thay đổi bộ mặt vùng Nam - Trung bộ và có ý nghĩa to lớn đối với việc lưu thông trên tuyến huyết mạch quốc gia.
Tiến Mạnh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận