Để đến được ngọn thác cao hơn 50m ấy, du khách phải vượt rừng già bằng cách ngồi sau những cuốc xe ôm...
Trên cuốc xe ôm băng rừng
Chỉ mới bước sang tháng 4, trời chuyển mùa mưa sớm. Những cơn mưa đầu mùa khiến cánh rừng già ở Kon Chư Răng, huyện Kbang, Gia Lai thêm tươi mới.
Nhóm xe ôm chuẩn bị khởi hành băng rừng, ngắm thác K50
Và cũng chính những cơn mưa ấy đã biến thành những thảm sương dày mỗi sớm mai, khiến cho cung đường đến ngọn thác thêm phần khó.
Người đàn ông có gương mặt già hơn tuổi, dáng người nhỏ, chạy xe đến đón tôi đi là anh Luân. Anh được tuyển chọn vào đội xe ôm tham gia chở du khách ngắm thác từ hai năm gần đây.
“Đường từ trụ sở Khu Bảo tồn khoảng chừng 17km nhưng không dành cho những người yếu tim! Anh ngồi sau bấu chặt vào, đừng có đong đưa kẻo xe lệch bánh là nguy hiểm đấy”, nói rồi anh vặn ga.
Rời trụ sở Khu Bảo tồn chừng hơn 200m, thử thách đầu tiên là đoạn đường đất trơn trượt như bôi mỡ. Chiếc xe máy men theo dấu bánh xe phía trước lún sâu xuống mặt đất để nhích từng đoạn một.
Thác K50 hùng vĩ giữa đại ngàn của khu Bảo tồn Kon Chư Răng
“Mấy hôm rồi mưa ấy, nên đường trơn lắm”, người lái xe vừa lên ga lại giảm tốc, đôi chân dài ngoằng của anh “bơi” liên tục trên lớp bùn để giữ cho xe khỏi ngã.
Sau khi vượt tầm 3km đường đất, tiếng xe gầm gào, đất bắn tung tóe. Cả người lái lẫn người ngồi sau đều gần như nín thở qua cầu. Bắt đầu từ đoạn đường này đã có một đường bê tông dễ đi hơn.
Mỗi khi ngang qua một gốc cây to, những thân cây tán đẹp, tôi đều được hướng dẫn viên kiêm xe ôm là anh Luân giới thiệu. Nào là đây là cây gỗ hương được đánh số mấy, đường kính bao nhiêu, ước cao bao nhiêu.
Anh kể đã học ngành lâm nghiệp và có tới 6 năm gắn bó với nghề giữ rừng. Ngày ra trường, anh bắt đầu công việc giữ rừng tại Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Hà Nừng (xã Sơn Lang, Kbang), sau đó thi vào Khu Bảo tồn, cũng ngót nghét 3 năm. Ngoài công việc của nhân viên kỹ thuật, cơ quan còn tạo điều kiện cho anh tham gia chở khách vào thác để kiếm thêm thu nhập.
Mỗi chuyến đưa đón, anh được khách trả công 400.000 đồng. Mùa “cõng” khách diễn ra từ tháng 3 - 7 hàng năm và dịp lễ, Tết, chủ yếu vào các ngày thứ Bảy và Chủ nhật. “Lúc cao điểm, có ngày, tôi chở 3 cuốc, có tháng cũng kiếm thêm được vài triệu đồng. Còn ngày thường, thỉnh thoảng mới có khách”, anh Luân chia sẻ.
Trải nghiệm khác lạ
Du khách thích thú khi đặt chân tới thác K50
Đang vui chuyện, anh Luân chợt bảo tôi ngồi ôm cho chặt, bởi phía trước mới là đoạn đường “nhọc” nhất. Trước đây, đoạn đường gần 7km này du khách chỉ lội bộ, việc mang vác lều bạt, ba lô, thức ăn đã có các porter (người dẫn đường kiêm khuân vác đồ đạc) đảm nhận.
Hơn 2 năm trở lại đây, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng đã đầu tư đường bê tông rộng 1,2m chạy đến gần thác. Vừa kể, anh Luân vừa về số, rú ga vượt dốc. Mỗi khúc cua, mỗi cú bẻ lái đều khiến tim tôi đập thình thịch. Dốc lên thăm thẳm, xe máy cứ như gầm rú. Còn lúc xuống dốc chỉ có nín thở.
“Mỗi lần em xuống dốc, có người sợ quá, hết nghiêng bên này lại nghiêng sang bên kia. Đặc biệt là khách Tây, họ ít ngồi xe máy nên rất khó chạy xe. Mà ở những đoạn dốc như thế này. Có nhiều người không chịu được thử thách, nhất quyết đòi xuống lội bộ”, anh kể.
Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng có hơn chục người hành nghề xe ôm giống anh Luân.
Một trong số đó là anh Phan Văn Công. Anh kể, mình vốn là một lâm tặc cộm cán, được cảm hóa thành nhân viên lái xe cho Khu Bảo tồn. Ngoài những lúc cùng lãnh đạo đi công tác, anh tham gia đội xe ôm chở khách du lịch lên thác. Không những vậy, anh còn kiêm luôn việc nấu ăn phục vụ du khách.
Việc làm thêm cũng giúp anh một khoản thu nhập kha khá. Đợt cao điểm, lượng khách đông, có tháng anh có thêm 7 - 8 triệu đồng. Ngoài ra, vợ anh cũng được cơ quan tạo điều kiện nhận làm nhân viên cấp dưỡng. Nhà cách nơi làm việc tầm 7km, chị có điều kiện hơn để chăm sóc 2 con nhỏ, anh cũng yên tâm công tác, không quay lại đường cũ.
Chờ mô hình du lịch xanh
Cùng với việc tạo điều kiện cho nhân viên, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng còn giúp cho thanh niên Bahnar các vùng lân cận có thu nhập từ du lịch. Anh Đinh Văn Quý (làng Đak Tơ Nglông, xã Sơn Lang) cho hay, những năm gần đây, thác K50 hút khách du lịch, các nhân viên bảo vệ rừng có thêm chút công việc mới đó là chở khách, nấu ăn, vận chuyển hàng hóa, kiêm cả hướng dẫn viên du lịch...
Theo anh Quý, trước đây, đường đi lại khó khăn, phải đi bộ mất hơn 6 tiếng mới đến thác, còn phải gùi vác đồ đạc lỉnh kỉnh khoảng 35 - 40kg phục vụ du khách. Giờ chỉ mất vài chục phút đã đến nơi. Vậy nên 2 năm trở lại đây, anh đã đào tạo thêm khoảng 30 thanh niên trong làng tham gia phục vụ các đoàn khách, tiền công 400.000 đồng/người/ngày.
Ông Trịnh Viết Ty, Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng chia sẻ, đơn vị có 27 viên chức vừa làm công tác văn phòng, vừa làm công tác bảo vệ rừng. Đa số nhà ở xa, công việc nhọc nhằn nhưng không có thêm khoản phụ cấp gì. Trong số này có 13 người trực tiếp bảo vệ và quản lý gần 16.000ha rừng tự nhiên.
“Nhà xa, lương thấp, sau khi trừ tiền xăng xe đi lại, sửa xe, ăn uống thì chẳng còn gì. Chính vì vậy, chúng tôi tạo điều kiện cho anh em ngoài ca trực tham gia cùng người dân trong làng phục vụ khách du lịch để có thêm thu nhập”, ông Ty nói.
Cùng với Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng chính là vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng. Hiện đơn vị đã trình UBND tỉnh và chờ thẩm định Đề án phát triển du lịch sinh thái. Nhiều doanh nghiệp lớn có kinh nghiệm trong lĩnh vực này cũng mong muốn cùng với Khu Bảo tồn đầu tư phát triển du lịch xanh.
“Đây là hướng đi đúng đắn nhằm tạo việc làm tăng thu nhập cho người dân Bahnar vùng đệm. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng, hoàn thiện tuyến đường để thuận tiện cho du khách vào tham quan thác K50”, ông Ty cho biết thêm.
Thác K50 hay thác Hang Én nằm trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, huyện K’Bang, phía bắc tỉnh Gia Lai. Thác K50 thuộc thượng nguồn sông Côn, chảy từ Gia Lai xuống Bình Định.
Ngọn thác có tên gọi là Hang Én vì đằng sau dòng nước là hang mà nhiều én cỏ sinh sống. Còn tên gọi K50 để chỉ độ cao hơn 50m của thác.
Nơi đây cách trung tâm TP Pleiku khoảng 150km. Mùa đẹp nhất để khám phá thác là mùa khô từ tháng 3 - 6 hàng năm. Lúc này trời có nắng đẹp, không mưa nhiều và dòng thác chảy êm hơn.
Giữa không gian rừng núi bao la, thác K50 được xem là một kiệt tác nghệ thuật của tự nhiên.
Tới đây, du khách có những trải nghiệm thú vị như cắm trại qua đêm ở nơi không sóng điện thoại, không wifi, thưởng thức âm thanh ì ầm của tiếng thác đổ, tiếng hú của vượn rừng...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận