Tên lửa Hsiung Feng IIE được phóng trong một cuộc tập trận |
Hình ảnh vệ tinh cho thấy, tên lửa hành trình mới được lắp đặt trên đảo Đài Loan là loại có khả năng tấn công Hong Kong cũng như một số thành phố Trung Quốc đại lục. Đây được xem là lời cảnh báo của chính quyền Đài Bắc đối với bất cứ mối đe dọa dùng vũ lực nào nhằm vào hòn đảo này từ Bắc Kinh.
Sức mạnh tên lửa mới của Đài Loan
Tạp chí quân sự Kanwa Defense Review có trụ sở tại Canada mới đây đã đăng tải trên Facebook hình ảnh vệ tinh cho thấy, tên lửa Hsiung Feng IIE do Đài Loan sản xuất đã được lắp đặt tại một căn cứ ở TP Đào Viên, cách Đài Bắc khoảng 50km về phía Tây và cách Phúc Châu, thủ phủ của tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc 250km.
Tổng biên tập tạp chí Kanwa Defense Review, ông Andrei Chang cho rằng: “Việc triển khai tên lửa bắt đầu từ cuối quý I/2018, có nghĩa là quân đội Đài Loan có thể thực hiện các cuộc tấn công chiến lược chống lại các lực lượng từ đại lục”.
Theo ông Chang, tên lửa hành trình với tầm bắn dao động từ 1.000 - 1.500km có khả năng thực hiện các cuộc tấn công chính xác nhắm vào các thành phố lớn như Hong Kong, Thượng Hải và các tỉnh như Quảng Đông và Chiết Giang nếu một cuộc xung đột vũ trang nổ ra giữa đại lục và đảo Đài Loan.
“Các lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân, các cơ sở dự trữ dầu chiến lược gần Zhoushan (ở tỉnh Chiết Giang, phía Đông Trung Quốc), đường sắt Bắc Kinh - Cửu Long và các tuyến đường sắt, đường hầm cao tốc khác cũng nằm trong tầm ngắm của tên lửa bố trí trên lãnh thổ Đài Loan”, chủ biên tạp chí quân sự nhận định.
Trước các thông tin này, người đứng đầu lực lượng vũ trang Đài Loan đã từ chối đưa ra bất kỳ bình luận nào về việc triển khai tên lửa Hsiung Feng IIE và nói rằng, bất kỳ báo cáo nào về loại vũ khí này đều là “những suy đoán của giới truyền thông”.
Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Chen Chung-chi nói rằng: “Nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa hoàn toàn tự tin và đã được chuẩn bị tốt để bảo vệ lãnh thổ khỏi các cuộc tấn công”.
Ý nghĩa chính trị lớn hơn năng lực quân sự
Bình luận trên tờ SCMP, chuyên gia tên lửa ở Hong Kong Song Zhongping cho rằng: “Đài Bắc chỉ có thể sử dụng tên lửa Hsiung Feng IIE như một rào cản và là “hành động biểu thị chính trị” của Đảng Dân tiến cầm quyền, chứ không phải một vũ khí quân sự thực sự nhắm mục tiêu vào đại lục”.
Theo ông Song, Hsiung Feng IIE được phát triển bởi Viện Khoa học và Công nghệ Quốc gia Chungshan của Đài Loan (NCSIST), chỉ là phiên bản thấp hơn của tên lửa hành trình tầm xa Tomahawk do Mỹ sản xuất. “Tên lửa Đài Loan sẽ không phải là vấn đề lớn bởi hệ thống phòng thủ tên lửa của Bắc Kinh có thể đánh chặn Tomahawk”, chuyên gia kiêm bình luận viên quân sự trên Phoenix TV cho hay.
Chuyên gia từ Hong Kong cũng nói rằng, Trung Quốc từ lâu đã có các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ các khu vực trọng yếu dọc bờ biển và việc triển khai tên lửa hành trình của Đài Loan luôn được theo dõi chặt chẽ bởi Lực lượng Tên lửa Trung Quốc (trước đây là Quân đoàn Pháo binh II, đơn vị ông Song từng công tác).
Chính vì lẽ trên, việc để lộ hoạt động triển khai tên lửa hành trình Hsiung Feng IIE được cho là chiêu bài chính trị đối phó với việc Bắc Kinh triển khai hơn 1.500 tên lửa tầm ngắn và tầm trung nhắm vào Đài Loan từ các khu vực duyên hải Đông Nam Trung Quốc kể từ sau cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan giai đoạn 1995-1996.
Trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc đại lục đang gia tăng, hồi đầu tuần, lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn cho biết, bà đang tìm cách tăng ngân sách quốc phòng năm tới lên 5,6%, đạt mức 346 tỷ đài tệ (tương đương 11,3 tỷ USD).
Giới truyền thông Đài Loan cũng trích dẫn một nguồn tin nói rằng, NCSIST đã phát triển thành công tên lửa hành trình không đối đất Wan Chien, có khả năng đánh vào các căn cứ ven biển phía Nam của đại lục. Tuy nhiên, theo chuyên gia Song Zhongping, tình hình chưa có gì đáng lo ngại vì độ chính xác của Wan Chien còn thấp hơn tên lửa Hsiung Feng IIE.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận