Ở mỗi vùng, người dân lại có phong tục chọn các loại quả, bài trí mâm ngũ quả khác nhau tuỳ thuộc vào khí hậu, sản vật, quan niệm từng địa phương.
Trao đổi với Báo Giao thông, ThS. Nguyễn Văn Phương, Giảng viên Khoa Văn hóa-Du lịch (ĐH Thủ Đô Hà Nội) cho biết mâm ngũ quả là lễ vật dâng lên thần linh, tổ tiên ngày đầu năm mới.
Trong văn hoá truyền thống lễ vật không nhất thiết phải là loại quả nào, nhiều hay ít. Lòng thành của con cháu đến ngày Tết dâng lên ông bà tổ tiên thì chỉ cần chọn lễ vật tinh tươm nhất trong phạm vi điều kiện có thể của gia đình mình.
ThS. Nguyễn Văn Phương phân tích: "Con số 5 trong ngũ quả ứng với quan niệm về ngũ hành. Nhiều người cho rằng mâm ngũ quả phải đủ 5 loại quả, thậm chí còn yêu cầu 5 mầu khác nhau làm sao cho đủ ứng với ngũ hành (kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ). Tôi cho rằng đó là quan niệm bị đẩy xa so với ý nghĩa ban đầu của mâm ngũ quả ngày Tết.
Ngày xưa khi các gia đình chưa có điều kiện về kinh tế, mâm ngũ quả chỉ cần làm sao để cho xum xuê, sung túc. Trong đó chứa đựng tâm tư tình cảm của người nông dân mong muốn trong năm mới có mùa màng bội thu, mong muốn gia đình được đủ đầy".
Cũng theo ThS. Nguyễn Văn Phương, có một loại quả không thể thiếu trong các dịp lễ Tết ở trong gia đình người Việt đó là nải chuối. Bản thân chuối là thứ quả cực kỳ dân dã, nhà ai có vườn đều có thể trồng được chuối. Một nải chuối bao gồm rất nhiều quả, điều này thể hiện được sự sung túc, đề huề, cũng như ý nghĩa mong muốn gia đình đông con, nhiều cháu.
"Mâm ngũ quả không cần thiết phải rất nhiều quả. Chỉ cần thể hiện tấm lòng của con cháu nhớ đến nguồn cội, ông bà tổ tiên. Sự thành kính nằm ở sự tinh tươm, dù chỉ có một loại quả thôi nhưng khi ra chợ chọn những quả ngon nhất, tươi nhất đó chính là thể hiện tấm lòng dâng lên tiên tổ. Chứ không phải thể hiện ở số lượng bao nhiêu, hay bao nhiêu loại quả", ThS. Nguyễn Văn Phương lưu ý.
Ý nghĩa một số loại quả thường có trên mâm ngũ quả ngày Tết
Chuối: tượng trưng cho con cháu sum vầy, quây quần, đầm ấm hạnh phúc bên nhau và cùng nhau hứng lấy may mắn, luôn bao bọc và che chở cho nhau.
Phật thủ: tượng trưng cho bàn tay khổng lồ của Phật che chở cho cả gia đình.
Bưởi: thể hiện mong muốn an khang, thịnh vượng.
Lựu: mong muốn con đàn cháu đống.
Táo: tượng trưng cho sự phú quý, giàu sang.
Thanh long: tượng trưng cho rồng mây hội tụ, thể hiện sự phát tài phát lộc.
Dưa hấu: căng tròn, mát lành thể hiện sự ngọt ngào, may mắn.
Sung: gắn với biểu tượng sung mãn, sức khỏe và tiền bạc.
Đu đủ: nghĩ là đầy đủ, tượng trưng cho sự thịnh vượng.
Xoài: phát âm giống như “xài” tượng trưng cho cầu mong việc tiêu xài không thiếu thốn.
Mãng cầu: Mong muốn cầu được ước thấy.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận