Ông Phạm Thành Lâm |
Y tế GTVT thực hiện chăm sóc và bảo vệ sức khỏe hơn 20 vạn cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành GTVT và người dân. Nhân ngày Thầy thuốc VN 27/2, ông Phạm Thành Lâm, Phó cục trưởng Cục Y tế GTVT trao đổi với Báo Giao thông về công tác đổi mới của y tế GTVT, hướng tới sự hài lòng của người bệnh.
Duy trì đường dây nóng tiếp nhận ý kiến phản ánh của người bệnh
Thời gian qua, các cơ sở khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của ngành GTVT triển khai những biện pháp nào để thực hiện chủ trương “Đổi mới toàn diện phong cách, thái độ phục vụ, hướng tới sự hài lòng của người bệnh”, thưa ông?
Cục Y tế GTVT luôn quan tâm và triển khai đến tất cả các đơn vị trực thuộc về chủ trương đổi mới kỹ năng giao tiếp, ứng xử, nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh, xây dựng hình ảnh đẹp của cán bộ y tế ngành GTVT. Y tế GTVT đã tổ chức cho cán bộ, nhân viên ký cam kết thực hiện quy tắc ứng xử, nâng cao y đức.
Chúng tôi thường xuyên kiểm tra, giám sát việc triển khai công tác thi đua, việc thực hiện quy tắc ứng xử ở các khoa, phòng. Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị số 09 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc “Tăng cường tiếp nhận và xử lý ý kiến phản ánh của người dân về chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh thông qua đường dây nóng”, Cục Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành duy trì hiệu quả đường dây nóng nhằm tiếp tục chấn chỉnh tinh thần, thái độ phục vụ của thầy thuốc, nhân viên y tế, kịp thời giải quyết những tình huống cấp cứu khẩn cấp, nâng cao chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.
Cùng với việc duy trì đường dây nóng, Cục Y tế GTVT cũng chỉ đạo các đơn vị quan tâm thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, lắp đặt camera giám sát, hòm thư góp ý, khảo sát đánh giá sự hài lòng của người bệnh, tăng cường bộ phận tiếp công dân… Hiện, phần lớn các bệnh viện và phòng khám đã hoàn thiện ứng dụng công nghệ tin học vào quản lý khám, chữa bệnh.
Còn công tác Y tế dự phòng trong ngành GTVT được Cục Y tế GTVT triển khai như thế nào, thưa ông?
Ngay từ đầu năm, Cục Y tế GTVT đã chỉ đạo các đơn vị tiếp tục phát huy nội lực, chủ động xây dựng kế hoạch và các biện pháp thực hiện nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Nhân dịp kỷ niệm 63 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2018), Cục Y tế GTVT phát động Chương trình hành động và phong trào thi đua thiết thực. Trong đó, nội dung quan trọng là nâng cao chất lượng hoạt động Y tế dự phòng, khám chữa bệnh để bệnh nhân ngày càng hài lòng hơn với các bệnh viện ngành GTVT. |
Trong đó, về công tác y tế lao động, chúng tôi yêu cầu tăng cường chỉ đạo hoạt động Y tế cơ sở; lồng ghép bồi dưỡng nâng cao kiến thức chuyên môn phòng chống bệnh nghề nghiệp cho cán bộ y tế cơ sở và người lao động; Kiểm định và quản lý môi trường lao động, lập hồ sơ vệ sinh lao động trong các đơn vị ngành. Phối hợp tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ -PCCN lần thứ 19 năm 2017.
Công tác vệ sinh phòng dịch, các đơn vị trong toàn ngành đã kiểm tra rà soát cơ số thuốc, hoá chất, vật tư chuyên dụng, chủ động đối phó với diễn biến phức tạp của dịch bệnh trước và sau thiên tai, bão lũ xảy ra. Duy trì hoạt động đường dây nóng, thường trực 24/24h.
Năm 2017, Y tế GTVT đã kiểm định môi trường lao động cho 105 đơn vị; Khám sức khỏe định kỳ 145.200 người; Khám sức khỏe phát hiện bệnh nghề nghiệp 8.210 người; Đào tạo vệ sinh viên 4.860 người; Phun thanh khiết môi trường 162.250.000 m2; Kiểm tra 86 bếp ăn tập thể; Kiểm tra 145 mẫu nước sinh hoạt; Tổ chức 30 buổi giao ban y tế cơ sở.
Máy chụp cắt lớp hiện đại được Công ty CP Bệnh viện Giao thông vận tải đầu tư để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh - Ảnh: Tạ Tôn |
Đầu tư trang thiết bị y tế, rút ngắn thời gian chờ khám bệnh
Việc hiện đại hóa, đầu tư trang thiết bị khám chữa bệnh là nhu cầu tất yếu để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Việc này được các đơn vị y tế GTVT thực hiện ra sao, thưa ông?
Các khoa khám bệnh ở các bệnh viện ngành GTVT đang nỗ lực rút ngắn thời gian chờ, tránh gây phiền hà và tăng sự hài lòng của người bệnh, đặc biệt đối với người bệnh bảo hiểm y tế. Trong đó, các đơn vị đặc biệt tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động khám chữa bệnh, bổ sung bảng chỉ dẫn, cung cấp thông tin về khám chữa bệnh BHYT, mở thêm các bàn khám bệnh, phát số điện tử hoặc hẹn giờ khám bệnh; Đồng thời, bố trí nơi xét nghiệm lấy máu cùng nơi khám chữa bệnh để người bệnh không mất nhiều thời gian chờ đợi; Công khai bảng giá viện phí theo quy định, minh bạch các khoản chi phí mà người bệnh phải chi trả hay được quỹ BHYT thanh toán..
Y tế GTVT cũng tăng cường ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến về y học phục vụ chẩn đoán và điều trị; Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Thuốc và Điều trị, kiểm soát việc sử dụng thuốc, chỉ định xét nghiệm đúng quy định; tăng cường kiểm tra việc kê đơn, bình bệnh án, bình đơn thuốc, tuân thủ đúng hướng dẫn chẩn đoán và điều trị, quy trình kỹ thuật, quy trình chuyên môn khác.
Nhiều đơn vị đã được đầu tư nâng cấp trang thiết bị y tế phục vụ công tác chẩn đoán điều trị hoặc được đầu tư xây dựng mới cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế tiên tiến như: Siêu âm Doopler, siêu âm mầu 3D, chụp cắt lớp vi tính CT-Scanner, chụp X-quang thường quy bằng phương pháp kỹ thuật số, phẫu thuật nội soi ổ bụng, nội soi khớp, máy xét nghiệm sinh hóa huyết học hiện đại, thận nhân tạo…, đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Nhiều bệnh viện, phòng khám đã có đội ngũ cán bộ có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ; bác sĩ, dược sĩ chuyên khoa I.
Các thầy thuốc tại một số đơn vị đã làm chủ các kỹ thuật khó, phức tạp trong khám chữa bệnh như: Phẫu thuật sọ não do chấn thương, phẫu thuật nội soi (tiêu hoá, tiết niệu, phụ khoa), thay chỏm xương đùi và thay khớp háng, phẫu thuật nội soi tai mũi họng, phẫu thuật đặt thể thuỷ tinh nhân tạo bằng phương pháp Phaco...
Cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận