Nguồn cơn lời tố cáo
Những ngày qua, trên các trang mạng xã hội xôn xao thông tin người dân ở thôn vùng 3 tại Yên Bái bị ép viết giấy vay nợ do chưa đóng đủ tiền làm đường giao thông nông thôn (GTNT).
Ngày 8/7, theo nội dung phản ánh tại tài khoản Facebook “Vân Hồ”, trưởng thôn đã ép một người phải ký giấy nợ 3.250.00 đồng và thế chấp đất đồi rừng vì còn thiếu tiền đóng góp làm đường. Tài khoản này đăng kèm 3 bức ảnh gồm: hợp đồng vay tiền, danh sách nộp tiền làm đường, danh sách thu tiền. Vụ việc khiến cộng đồng mạng, nhất là những người ở Yên Bái bức xúc.
Con đường bê tông được hoàn thành tại thôn Ngòi Ngần, xã Bảo Ái, huyện Yên Bình.
Để làm rõ, phóng viên đã gặp ông Lê Thế Vinh, Trưởng thôn Ngòi Ngần (xã Bảo Ái, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái), người được nhắc đến trong vụ việc. Ông Vinh nói ngay: “Tôi đang viết đơn tố cáo người bịa đặt, bôi nhọ chúng tôi lên mạng xã hội. Cả thôn, cả xã đang quyết tâm xây dựng cơ sở hạ tầng, để cùng nhau được hưởng lợi. Vậy mà người ta lại phá đám”.
“Người viết bài làm dâu tại thôn Ngòi Ngần này nhưng cư trú tại thôn Ngòi Ngù, xã Bảo Ái. Cô ấy viết mấy câu tung lên mạng khiến những người có trách nhiệm như chúng tôi phải khổ. Để khách quan, giờ tôi đưa anh đến gặp trực tiếp bố chồng cô ấy” - nói đoạn ông Vinh kéo phóng viên đi gặp ông Triệu Văn Thiên, là bố chồng của cô Đặng Thị H, chủ tài khoản Facebook “Vân Hồ”.
Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà sàn khang trang, ông Triệu Văn Thiên nói: “Chúng tôi không phải lúc nào cũng sẵn tiền trong nhà. Do không có tiền, nên sau khi đóng 4 triệu, tôi xin đi làm để trừ tiền đóng góp. Công việc của tôi là dùng dao cắt vỏ bao xi măng để đưa vào máy trộn bê tông, tôi đi làm hơn 2 ngày được tính công 750.000 đồng.
Tôi ủng hộ chủ trương này, có đường đi là tốt, nhưng nhà tôi chưa có tiền nên xin nợ lại. Ai ngờ con dâu tôi lại đưa chuyện lên mạng xã hội…”.
Thiếu 70 triệu, ép dân vay nợ thế chấp đất rừng?
Trên đường đi, trưởng thôn Vinh thông tin thêm, thôn Ngòi Ngần được hưởng chính sách Chương trình 135 của Nhà nước đầu tư 2 lần làm đường bê tông. Nhà nước cho toàn bộ vật tư, vật liệu, dân tự giải phóng mặt bằng, tự làm nền đường và tự đổ bê tông theo tiêu chuẩn quy định.
Căn cứ quyết định phê duyệt dự toán làm đường xóm Ngòi Bình thuộc thôn Ngòi Ngần, thôn đã 9 lần họp dân và 100% người dân nhất trí với mức đóng góp dự kiến hoàn thiện đoạn đường với số tiền khoảng gần 200 triệu đồng. Với số khẩu thực tế của xóm Ngòi Bình là 98 khẩu, chia ra dự kiến mức đóng tương đương 2 triệu đồng/khẩu. Còn 8 khẩu có hoàn cảnh khó khăn thì được miễn giảm không phải đóng tiền. Tất cả đã được nhân dân thôn đồng ý.
Sau khi phương án thi công được thống nhất, nhân dân trong xóm đã bầu ra tổ tự quản, tổ giám sát, thi công và thủ quỹ của xóm. Đến nay, mặc dù đoạn đường đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, nhưng nhiều hộ chưa đóng góp đầy đủ. Tính đến tháng 6/2023, xóm mới thu được khoảng 130 triệu đồng, còn thiếu gần 70 triệu đồng, trong đó có hộ ông Triệu Văn Thiên.
“Do tổ tự quản của xóm Ngòi Bình đứng ra vay tiền để trả trước cho bên thi công, nên tổ tự quản đề xuất với các hộ gia đình làm hợp đồng vay tiền để có trách nhiệm cùng nhau thanh toán. Tuy nhiên, trong hợp đồng có nội dung vay tiền làm đường bằng tài sản thế chấp là chưa đúng khiến một số hộ dân không đồng tình và lo lắng”, ông Vinh giãi bày.
Xã yêu cầu hủy giấy vay nợ thế chấp bằng tài sản
Hợp đồng cho vay tiền của ông Triệu Văn Thiên.
Trao đổi với bà Lý Thị Về (thành viên tổ tự quản thu chi làm đường nông thôn mới của xóm Ngòi Bình - người đại diện bên cho vay tiền trong tờ giấy vay nợ của nhà ông Thiên), bà cho biết: Ban đầu thôn tạm tính 1 triệu đồng/khẩu. Tuy nhiên, sau này do chi phí bị đội lên nên phát sinh thành 2 triệu đồng/khẩu.
Gia đình ông Thiên có 4 khẩu nhưng mới đóng 4 triệu đồng tiền mặt và 2,5 ngày công (tương đương 750 nghìn đồng), do vậy còn thiếu hơn 3 triệu đồng. Các thành viên trong tổ tự quản thống nhất nhờ một cán bộ xã in giấy để xác nhận họ còn nợ tiền, đảm bảo sau này sẽ trả.
Ông Nguyễn Minh Tiến, Chủ tịch UBND xã Bảo Ái khẳng định: “Hợp đồng cho vay nợ và phải thế chấp bằng rừng do tổ tự quản của xóm Ngòi Bình tự ý làm là chưa phù hợp. Xã yêu cầu hủy vì không có tính pháp lý. Tuy nhiên, thông tin do chị Đặng Thị H. đăng lên mạng là sai, mọi việc thu chi làm đường đã được hỏi ý kiến bà con”.
Ông Tiến nói thêm, chính quyền xã Bảo Ái đang phối hợp cùng thôn, xóm tiếp tục vận động, giải thích để người dân đồng thuận đóng góp thanh toán xong tiền làm đường.
Ông Nguyễn Xuân Trường, Chủ tịch UBND huyện Yên Bình cho biết, huyện đã nhận được báo cáo giải trình của xã, thôn, đồng thời yêu cầu Công an huyện Yên Bình xác minh làm rõ, nếu có dấu hiệu vi phạm sẽ xử lý theo quy định của pháp luật. “Qua vụ việc này, chúng tôi sẽ quán triệt đến tất cả các thôn bản, xã phường thị trấn của huyện Yên Bình không được ép người dân viết giấy vay tiền làm đường GTNT”, ông Trường khẳng định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận