ĐB Lê Hoài Nam, Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội đặt câu hỏi tại phiên chất vấn |
Quản lý chưa chặt chẽ
Mở đầu phiên chất vấn, ĐB Lê Hoài Nam, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP đặt vấn đề: “Có khiếm khuyết trong quản lý hay không, có tình trạng lợi dụng chức vụ để sử dụng không đúng mục đích tài sản công không?”. Bởi theo ĐB này, không chỉ biệt thự cổ, nhiều công trình Nhà nước cũng bị các cá nhân xâm chiếm trái phép, thậm chí hợp thức hóa thành tài sản tư nhân nhưng không được thanh tra làm rõ.
Kết luận phần chất vấn về quản lý biệt thự, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh đề nghị UBND thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 18 của HĐND. “Đề nghị UBND thành phố chỉ đạo sớm hoàn thành thanh tra quản lý biệt thự, nhà công vụ, nếu có sai phạm thì phải xử lý theo thẩm quyền”, bà Thanh nói. |
Đề nghị làm rõ việc loại bỏ 312 biệt thự khỏi danh mục bảo tồn và kiến nghị quản lý cả không gian xung quanh biệt thự, ĐB Nguyễn Xuân Diên đồng thời đặt câu hỏi: “Thành phố có kế hoạch rà soát các biệt thự như thế nào?”.
Trả lời các câu hỏi trên, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP Vũ Hồng Khanh cho biết, UBND TP đã rất thận trọng rà soát toàn bộ văn bản nên việc ban hành quyết định phân loại các biệt thự là phù hợp với thẩm quyền. Khẳng định trong một tuần nữa thành phố sẽ họp về vấn đề này, ông Khanh cũng thừa nhận: “Vấn đề do lịch sử để lại nên việc quản lý chưa chặt chẽ. Có những thời điểm UBND TP đã phải ba lần họp để nghe thanh tra và các bên liên quan về vấn đề này”.
Chưa hài lòng với phần trả lời trên, ĐB Nam “truy” tiếp: “Liệu trách nhiệm thanh tra đã làm triệt để hay chưa, khi sau hơn bốn tháng vẫn chưa có kết luận thanh tra về việc này? Theo tôi, nếu cần, phải thanh tra trách nhiệm các đơn vị bị thanh tra, thậm chí đưa ra cơ quan điều tra vì đây là tài sản lớn”.
Sẽ thẩm tra từng biệt thự
Theo ông Khanh, hệ thống hồ sơ nhà biệt thự có đầy đủ nhưng có những biệt thự tồn tại từ nhiều năm nay, nên hồ sơ phải tập trung quản lý. Khi tiếp nhận hồ sơ cần phải có thời gian nhất định để giải quyết.
Tuy nhiên, ông Khanh cũng cho rằng, để xác định một biệt thự cổ, cần bảo tồn thì có rất nhiều tiêu chí nên khi tiếp cận từng biệt thự cần có thời gian thanh tra, mời tư vấn, mời cơ quan chuyên môn... “Trong quá trình quản lý có những sai sót, thiếu chặt chẽ, thành phố đã biết và chỉ ra được một số trường hợp cụ thể. Quan điểm của UBND thành phố là rất quyết liệt. Nếu phát hiện cơ quan, cá nhân nào cản trở việc này, chúng tôi sẽ xử lý theo luật, không bao che, dung túng”, ông Khanh khẳng định.
Trả lời câu hỏi của đại biểu bao giờ có kết luận thanh tra, ông Khanh cho biết, theo quy định mỗi vụ việc thanh tra trong vòng 45 ngày nhưng nếu quy 312 biệt thự này thành 312 vụ việc khác nhau thì là vấn đề lớn. Vì vậy, thành phố sẽ cố gắng quản lý tốt nhất vấn đề này. Ông Khanh khẳng định, khoảng ngày 15/12, tất cả các đơn vị phải báo cáo Thanh tra thành phố về thực trạng hồ sơ hiện nay. Thanh tra sẽ thẩm tra từng biệt thự, nếu khó sẽ mời tư vấn, Bộ Xây dựng. Ngoài ra, sẽ thanh tra tiếp trách nhiệm các tổ chức, cá nhân vi phạm. Nếu có dấu hiệu vi phạm luật hình sự sẽ chuyển cơ quan điều tra.
Văn Huế
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận