Thị trường

Yêu cầu thu nợ thuế của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy và 7 công ty con

20/06/2024, 09:29

Tổng cục Hải quan vừa yêu cầu cục hải quan các địa phương rà soát, thực hiện biện pháp thu hồi các khoản nợ thuế phát sinh của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy và 7 công ty con trực thuộc.

Các công ty trực thuộc gồm: Công ty TNHH MTV Đóng tàu Cam Ranh, Công ty TNHH MTV Đóng tàu và công nghiệp hàng hải Sài Gòn, Công ty TNHH MTV Đóng tàu Hạ Long, Công ty TNHH MTV Đóng tàu Phà Rừng, Công ty TNHH nhà nước MTV Công nghiệp tàu thủy Sài Gòn, Công ty TNHH MTV Đóng tàu Thịnh Long, Công ty TNHH MTV Đóng tàu Bạch Đằng.

Theo Tổng cục Hải quan, việc này được thực hiện theo Nghị quyết 220 về kế hoạch tổ chức thực hiện kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương xử lý SBIC.

Yêu cầu thu nợ thuế của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy và 7 công ty con- Ảnh 1.

Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy là một trong những doanh nghiệp trong diện rà soát, thu hồi các khoản nợ thuế phát sinh. Ảnh minh hoạ.

Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, tham mưu về thực hiện quyền chủ nợ đối với các khoản nợ thuộc trách nhiệm của Chính phủ tại SBIC (bao gồm nợ Chính phủ cho SBIC vay lại, nợ Chính phủ bảo lãnh cho Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC)/SBIC, nợ Chính phủ ứng trả thay từ quỹ tích lũy trả nợ) và các khoản nợ thuế, phí, lệ phí và nghĩa vụ nợ khác đối với Nhà nước.

Đồng thời, giao Bộ Tài chính rà soát, tổng hợp các khoản nợ thuộc trách nhiệm của Chính phủ tại SBIC (bao gồm nợ Chính phủ cho SBIC vay lại, nợ Chính phủ bảo lãnh cho DATC/SBIC và nợ Chính phủ ứng trả thay từ Quỹ tích lũy trả nợ).

Bộ Tài chính cũng được yêu cầu chỉ đạo Công ty Mua bán nợ Việt Nam thực hiện quyền chủ nợ, xử lý tài sản và quyền tài sản đối với các khoản nợ SBIC đã nhận nợ với Công ty Mua bán nợ Việt Nam (trái phiếu, hối phiếu có bảo lãnh của Chính phủ) khi thực hiện phá sản SBIC và các đơn vị thành viên.

Ngoài ra, phối hợp chặt chẽ với Tòa án trong việc xử lý các nghĩa vụ nợ SBIC liên quan đến Chính phủ nhằm giảm tối đa thiệt hại cho Nhà nước theo chỉ đạo của Bộ Chính trị…

SBIC thành lập năm 2013, trên cơ sở sắp xếp, tái cơ cấu lại Tập đoàn Vinashin.

Trước đó, năm 2010, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra Vinashin và chỉ ra hàng loạt sai phạm, thiếu sót, thua lỗ của tập đoàn này. Cụ thể, cuối năm 2009 (3 năm lên tập đoàn), tổng tài sản của Vinashin tuy có hơn 104.000 tỷ đồng nhưng hơn 80% vốn đi vay. Vinashin không còn bảo toàn được vốn Nhà nước giao, để thâm hụt gần 5.000 tỷ đồng.

Sau khi đội ngũ lãnh đạo của Vinashin bị xử lý hình sự, tập đoàn này bắt tay vào quá trình tái cơ cấu từ năm 2010, tới năm 2013 chuyển lại thành tổng công ty và đổi tên thành SBIC. Vốn điều lệ thời điểm đó của SBIC trên 9.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, SBIC phải gánh khoản nợ do Vinashin để lại trên 4 tỷ USD cả trong và ngoài nước.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.