Chuyện dọc đường

Yêu cầu toàn dân đăng ký tài sản được không?

Nếu có Luật Đăng ký tài sản, khi bất kỳ công dân nào đăng ký tài sản mới mà không chứng minh được nguồn gốc tài sản thì sẽ bị truy nguồn gốc.

img

Ảnh minh họa

Hôm qua, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí có đưa ra hai thông tin rất đáng quan tâm.

Thứ nhất, người đứng đầu ngành kiểm sát cho biết, trong nhiệm kỳ qua, tổng số tài sản thu hồi trong các vụ án tham nhũng đạt gần 80.000 tỷ đồng. Đây có lẽ là con số khiến bất cứ ai cũng phải giật mình, bởi số tiền quá lớn. Nếu như trước đây số tiền tham nhũng chỉ vài tỷ đồng, vài chục tỷ đồng đã được coi là ghê gớm, thì nay đã lên tới con số 80.000!

Thông tin thứ hai đáng chú ý mà Viện trưởng Viện trưởng VKSND Tối cao đưa ra là ông đề xuất ban hành Luật Đăng ký tài sản, coi đây là công cụ để tăng cường minh bạch về tài sản.

Cơ sở để ông Trí đưa ra đề xuất này là thực tế hiện nay việc kê khai tài sản chỉ thực hiện ở trong hệ thống chính trị. Trong khi đó, khi một cán bộ công chức nào đó đã tham nhũng thì không bao giờ tự mình đứng tên, chỉ để những người ngoài xã hội đứng tên.

Bởi thế mà có những người mới 20-30 tuổi đã đứng tên những tài sản cả trăm tỷ, nghìn tỷ đồng. Tất cả đều biết hết nhưng không xử lý được, vì liên quan đến quyền sở hữu của công dân.

Ở đây, tôi hiểu đề xuất của ông Trí là nếu có Luật Đăng ký tài sản, khi bất kỳ một công dân nào (không cứ là cán bộ công chức) đăng ký một tài sản mới mà không chứng minh được nguồn gốc tài sản thì sẽ bị truy nguồn gốc.

Người bị truy nguồn gốc nếu không giải trình được những lý do hợp lý, cơ quan chức năng sẽ có cơ sở pháp lý để xử lý. Tuy nhiên, liệu chúng ta có đủ cơ sở để xây dựng luật này hay không?

Bộ luật Dân sự hiện hành nêu rõ tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Ngoài ra, tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Đối với tài sản là bất động sản, những tài sản phải đăng ký gồm quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản là bất động sản.

Như vậy, chỉ có đất đai là tài sản bắt buộc phải đăng ký. Còn những tài sản là động sản thì không phải đăng ký, trừ một số động sản đặc biệt được quy định riêng (như phương tiện giao thông, cổ vật, bảo vật)...

Quyền sở hữu tài sản của công dân là quyền của công dân đối với tài sản thuộc sở hữu của mình, bao gồm: Quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu. Nghĩa vụ tôn trọng tài sản của người khác là nghĩa vụ tôn trọng tài sản thuộc quyền sở hữu của người khác. Bởi thế, nếu bây giờ quy định mọi công dân phải đăng ký đối với tất cả tài sản của mình là rất khó.

Tôi hiểu đích đến của đề xuất là nếu có Luật Đăng ký tài sản, sẽ không còn chỗ ẩn nấp cho nhóm tài sản tham nhũng, điều đó rất tốt. Mặc dù vậy, chúng ta lại chưa có cơ sở pháp lý nào để thực hiện.

Theo tôi, đề xuất trên vẫn rất cần được nghiên cứu, bàn thảo. Tuy nhiên, trước mắt, chúng ta cứ thực hiện cho nghiêm Nghị định 130 về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn là đã tốt lắm rồi. Những người có chức vụ quyền hạn mới có điều kiện để tham nhũng, chứ ngay bây giờ mà đặt vấn đề kiểm soát tài sản của toàn dân e rằng rất khó.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.