Đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp trái phép trên Biển Đông |
Ngày 8/5, trước những động thái ngang ngược gần đây của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa mà Việt Nam khẳng định chủ quyền, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình khẳng định: “Những hoạt động tôn tạo, mở rộng đảo, đá mà Trung Quốc đang tiến hành đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông, gây lo ngại sâu sắc trong cộng đồng quốc tế, trong đó có ASEAN”.
Hành động của Trung Quốc là phi pháp
Trả lời câu hỏi của Báo Giao thông về việc Trung Quốc mời Mỹ và các nước khác sử dụng những cơ sở dân sự mà họ đang xây dựng trên biển Đông cho hoạt động tìm kiếm cứu nạn, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nói: “Chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là không thể tranh cãi và chúng tôi yêu cầu các bên liên quan tôn trọng chủ quyền của Việt Nam. Mọi hoạt động của các bên tại 2 khu vực này mà không được sự chấp thuận của Việt Nam đều là bất hợp pháp và vô giá trị".
Trước đó, ngày 1/5, hãng tin Reuters đưa tin Tư lệnh Hải quân Trung Quốc - Wu Shengli hoan nghênh Mỹ và các nước khác sử dụng những cơ sở dân sự mà Trung Quốc đang xây dựng trên Biển Đông cho hoạt động tìm kiếm, cứu nạn nhân đạo, giảm nhẹ thiên tai và dự báo thời tiết khi điều kiện cho phép.
Tuy nhiên, cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jeff Rathke từ chối lời mời. Không chỉ vậy, ông Jeff khẳng định hoạt động xây dựng của Trung Quốc tại Biển Đông không giúp ích cho hòa bình khu vực, bất kể mục đích của việc này như thế nào. Ông kêu gọi: "Nếu mong muốn để giảm căng thẳng, Trung Quốc nên ngừng việc xây dựng tại khu vực biển Đông, phân định rõ cái gọi là Đường 9 đoạn (đường lưỡi bò) theo Luật pháp quốc tế cụ thể là Công ước Luật biển và cần nhanh chóng ký kết Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) với các nước ASEAN".
Trung Quốc gây lo ngại trong cộng đồng quốc tế
Tiếp tục trả lời câu hỏi của Báo Giao thông về việc Trung Quốc ngang ngược cáo buộc Việt Nam “tiến hành đào lấp biển và xây dựng công trình quân sự quy mô lớn trên các chuỗi đảo mà nước này gọi là Nam Sa (Trường Sa), người phát ngôn cho biết: “Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình ở Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982”.
Ông Bình khẳng định thêm: “Những hoạt động tôn tạo, mở rộng đảo, đá mà Trung Quốc đang tiến hành đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông, gây lo ngại sâu sắc trong cộng đồng quốc tế, trong đó có ASEAN. Một lần nữa Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động này, nghiêm túc tuân thủ và thực thi luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 cũng như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); không có thêm các hành động gây phức tạp và mở rộng tranh chấp trên Biển Đông”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận