Ngày 21/4, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Phan Hồng Tiến, Trưởng ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh một số trường hợp lái xe chuyên trách tự ý nâng giá dịch vụ vận chuyển nông sản qua biên giới Việt - Trung, đơn vị đã vào cuộc kiểm tra.
Do thông tin chưa nói rõ là khoản tiền trên chi trả cho chuyến hàng vận chuyển sang nước bạn kéo dài bao nhiêu ngày nên rất khó xác minh, xử lý cụ thể.
Từ đầu tháng 4/2020 đến nay, để phòng chống dịch Covid-19, tỉnh Lạng Sơn đã thành lập đội lái xe chuyên trách, được trang bị đầy đủ dụng cụ bảo hộ y tế, vận chuyển hàng hóa qua biên giới Việt-Trung.
Đa phần trong đội ngũ lái xe này được quy định có hộ khẩu ở Lạng Sơn và được phía Trung Quốc chấp thuận.
Tỉnh Lạng Sơn tổ chức hội nghị hiệp thương giữa các tài xế và doanh nghiệp xuất - nhập khẩu hàng hóa cùng thống nhất, mức giá trần tối đa cho mỗi chuyến hàng vận chuyển qua biên giới là 5.000.000 đồng/xe cho 2 ngày đầu.
Đến ngày tiếp theo chưa trả hàng xong thì chi trả thêm 2.000.000 đồng/xe và từ ngày thứ 4 trở đi thì chủ hàng phải chi trả thêm 1.500.000 đồng/xe/ngày. Tài xế phải trả chi phí ăn, nghỉ, bến bãi, bốc dỡ hàng...
Trên thực tế, do lượng xe và hàng hóa quá đông, năng lực bốc dỡ phía bạn có hạn, có trường hợp phải chờ 5-7 ngày trên nước bạn kéo theo chi phí bến bãi đắt đỏ nên chủ xe phải chi phí từ 12 - 15 triệu đồng/chuyến hàng là đúng quy định, trong phạm vi hiệp thương giữa các bên.
Nói về quy định này, một số chủ hàng cũng cho biết, việc xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc hiện nay gặp rất nhiều khó khăn do vẫn còn hàng nghìn xe ùn ứ tại các cửa khẩu.
Hiện, chi phí bến bãi mỗi xe tại Lạng Sơn là 400.000 đồng/xe chưa kể chi phí ăn, nghỉ của tài xế.
Sang phía bạn, dịch vụ này còn đắt hơn, tài xế không được bước xuống xe mà phải ăn, nghỉ, sinh hoạt trên xe.
Phía Trung Quốc cũng yêu cầu chỉ xe và hàng được ở lại, tài xế phải đi về trong ngày bằng xe chuyên dụng, nhiều thời điểm hết xe, tài xế phải giữ nguyên quần áo bảo hộ đi bộ vài km về nước. Xe và hàng ở lại phải thuê bến bãi, người trông nom kéo theo chi phí lớn.
“Để hạn chế tiêu cực, chúng tôi đã đề nghị lực lượng chức năng giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, yêu cầu lái xe, chủ hàng thỏa thuận, hợp đồng rõ, chấp hành nghiêm quy định liên quan”, ông Phan Hồng Tiến nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận