Bạn cần biết

10 dấu hiệu trẻ mắc ung thư sớm

21/07/2016, 10:45

Cơ hội sống của trẻ càng cao khi được phát hiện và điều trị sớm.

20160714_102627

Trẻ được đều trị ung thư tại Bệnh viện Nhi T.Ư

Xót lòng những đứa trẻ “không tóc”

Tại khoa Ung bướu, BV Nhi T.Ư, cảnh tượng bắt gặp nhiều nhất là những đứa trẻ “không tóc” vì xạ trị, hóa trị điều trị ung thư khiến ai cùng xót xa.

Ngồi tỷ mẩn với món đồ chơi trên giường, cô bé Trần Thị T. (7 tuổi, Hà Tĩnh) mắc u não có cơ thể của đứa trẻ lên 5. Trên đầu bé T. chỉ còn lơ thơ vài cọng tóc, do hậu quả của những kỳ xạ trị chữa bệnh. Khác với lần trước, lần xạ trị này T. mệt mỏi hơn nhiều. Ngồi cạnh con gái, người mẹ lặng lẽ thở dài cho biết, T. sinh ra vẫn lanh lẹ, khỏe mạnh, Khi lên 4 tuổi, T. hay sốt, kém ăn song bố mẹ cũng không lưu tâm nhiều vì nghĩ trẻ con "trái nắng trở trời". Bẵng đi khoảng dăm bảy tháng, thấy con ngày càng xanh xao, hay nôn ói và thường kêu đau đầu, bố mẹ mới đưa đi khám.

Nghi ngờ T. mắc u não, các bác sĩ bệnh viện tuyến tỉnh quyết định chuyển em lên BV Nhi T.Ư. Kết quả không ngoài dự đoán, tuy nhiên, phát hiện muộn nên T. tiên lượng không tốt. Tại viện, sau khi can thiệp phẫu thuật, bé T. tiếp tục điều trị hóa chất. “Cũng tại vợ chồng em chủ quan nên để bệnh con nặng mới đi khám”, mẹ của T. than thở.

Ngay phòng bệnh đối diện, bé Nguyễn Minh A. (6 tuổi, Hoàng Mai, HN) nước mắt lưng tròng, luôn miệng kêu khóc. Lần nhập viện này là do bé A. tái mắc bệnh ung thư máu sau 4 năm những tưởng đã thoát khỏi "lưỡi hái tử thần". Trước khi phát hiện bệnh, bé Minh A. có dấu hiện mệt mỏi, chán ăn, trên da xuất hiện đám bầm tím, sốt… Tuy nhiên, do tái mắc nên khả năng khỏi bệnh của bé không cao.

Ôm đứa con nhỏ mới 2 tháng tuổi trên tay, bà ngoại bé Nguyễn Th. (Nghệ An) cho hay, con mắc u nguyên bào thần kinh. Ban đầu, thấy con khó thở, ít bú và hay nôn trớ nên gia đình đưa đi khám một số nơi không phát hiện ra bệnh cho đến khi tới BV Nhi T.Ư. Trường hợp Th. bác sĩ xác định có thể có mầm bệnh ngay từ trong bào thai.

Chia sẻ với Báo Giao thông, BS. Bùi Ngọc Lan, Trưởng khoa Nhi Ung bướu, BV Nhi T.Ư cho biết, nhiều trẻ ban đầu có dấu hiệu bệnh không rõ nét, nên thường bị bỏ qua. Vì lẽ đó, không ít trẻ nhỏ đã bỏ lỡ “giai đoạn vàng” được điều trị.

10 dấu hiệu ung thư ở trẻ

BS. Lan cho biết, với người lớn yếu tố gây ung thư thường dễ xác định vì có liên quan đến môi trường nhưng ở trẻ em không phải vậy. Ở trẻ nhỏ đa phần do yếu tố từ khi ở trong bào thai, bất thường từ cơ quan di truyền của bé.

Nhiều dạng ung thư ở trẻ em khác với ung thư ở người lớn về cả phương pháp điều trị và tỷ lệ sống. Việc tỷ lệ điều trị hiệu quả ung thư ở trẻ phụ thuộc nhiều yếu tố như thể bệnh, giai đoạn phát hiện, thể trạng của trẻ… Ví như, ung thư máu, tùy theo thể như bạch cầu cấp dùng lympo và nhóm nguy cơ thường thì tỷ lệ điều trị sống sót không bệnh 5 năm đạt 70%, còn nguy cơ cao chỉ đạt khoảng 50%; với u tế bào mầm đạt hay ung thư gan, thận đạt tỷ lệ hơn 80%; u nguyên bào thần kinh cũng tùy theo nhóm nguy cơ, với nguy cơ thấp, phát hiện sớm có thể đạt đến 80% nhưng với nhóm nguy cơ cao lại phát hiện muộn thì tỷ lệ chưa tới 10%.

BS. Phạm Hương, khoa Nhi, BV K T.Ư cũng cho rằng: “Càng phát hiện sớm, tỷ lệ điều trị bệnh đạt kết quả tốt càng cao. Tuy nhiên, trẻ ít được phát hiện sớm, thường cũng đã ở giai đoạn 2, 3. Còn những trường hợp phát hiện sớm rất hiếm, thường phát hiện ra khi khám căn bệnh khác”.

Theo thống kê, mỗi năm trên thế giới có khoảng 160.000 trẻ bị ung thư và 90.000 trẻ trong số đó tử vong do ung thư. Tại Việt Nam, ung thư ở trẻ em chiếm khoảng 1,63% các ca ung thư. Dấu hiệu ung thư có thể phát sinh ở bất kỳ lứa tuổi nào kể cả trẻ mới sinh.

Theo BS. Lan, chính vì nhiều người không có thói quen khám sức khỏe định kỳ nên không phát hiện ra bệnh. Khi ung thư ở giai đoạn muộn mới đem con đi khám hoặc có những thể ung thư ác tính, tiến triển bệnh rất nhanh nên đến viện cũng ở giai đoạn muộn. Bệnh ung thư khó phát hiện ở giai đoạn sớm nhưng dễ phát hiện ở giai đoạn muộn.

“Cha mẹ cần lưu ý 10 dấu hiện phát hiện bệnh ung thư ở giai đoạn sớm như: Có khối u ở bụng; hạch to kéo dài; xét nghiệm có ít nhất một dòng tế bào máu bất thường; các dấu hiệu thần kinh bất thường; thiếu máu; thay đổi đột ngột khả năng thăng bằng; xuất hiện vệt sáng ở mắt hoặc thay đổi thị lực; một khớp đau hay sưng to bất thường; dễ xuất hiện vết bầm tím và chảy máu không rõ nguyên nhân hay khối u âm đạo. Cha mẹ nên cho trẻ đi khám sức khoẻ, làm các xét nghiệm tìm dấu hiệu của ung thư khi có một trong những dấu hiệu bất thường trên”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.